Từ Đại lộ Bình Dương rẽ vào đường ĐX81 thuộc KP2, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương khoảng 100m sẽ rất dễ để tìm ra nhà ông Lê Thanh Cung – Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Bởi lẽ, ngay mặt tiền đường là một dinh thự “khủng” nằm “khoe” thân cạnh những ngôi nhà dân nhỏ thó.
Dinh thự này rộng khoảng 1.000 m2, được bao bọc bởi tường rào kiên cố. Những ai đi ngang qua đường ĐX81 không khỏi trầm trồ về sự “hoành tráng” của dinh thự do cựu Chủ tịch tỉnh sở hữu. Bên trong tường rào dinh thự chứa hàng trăm cây kiểng quý hiếm giá trị lớn. Dinh thụ được thiết kế theo kiểu hiện đại với nhiều phòng. Phía sau dinh thự là một căn nhà gỗ với kiến trúc độc đáo, toàn gỗ quý. Những người làm trong ngành xây dựng cho rằng, không tính giá trị đất, chỉ tính giá trị dinh thự, nhà gỗ, vườn kiểng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, để vào được dinh thự ông Cung không hề dễ dàng. Bởi vì, cổng chính rất kiên cố, hiện đại và được điều khiển mở đóng tự động. Trong khi đó, tường rào cao bằng hai người đứng và được gắn camera an ninh xung quanh dinh thự. Được biết, không chỉ sở hữu dinh thự tráng lệ, ông Cung còn được người dân địa phương đặc biệt “quan tâm” vì là chủ nhân của khoảng 100ha đất trồng cây cao su tại ấp 8, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương.
Theo hồ sơ, nguồn gốc đất của ông Cung được nhà nước giao khi còn là cán bộ lãnh đạo huyện Bến Cát cũ (trước đây, xã Long Nguyên thuộc huyện Bến Cát). Vào tháng 9/2003, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản cho phép giao hơn 320 ha đất, (thuộc ấp 8, Lâm trường Long Nguyên trước đây) từ Sobexco về UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao đất sản xuất nông nghiệp cho dân có nhu cầu. Sau đó, UBND huyện Bến Cát đã giao đất, cấp sổ đỏ 320 ha đất cho 112 hộ dân, trong đó ông Cung được giao đất “khủng” 100ha.
Thời ông Cung còn là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trước khối tài sản lớn của ông Cung, cử tri nơi đây đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng kiểm kê tài sản ông này. Tuy nhiên, cho đến khi ông Cung nhận quyết định nghỉ hưu vào đầu năm 2015, nguyện vọng của cử tri vẫn chưa được thực hiện.
Những tưởng sau khi về hưu sẽ không còn ai nhắc đến ông Cung nữa. Thế nhưng, đến nay ông Cung lại được xác định có bút phê gây thất thoát tiền tỷ ngân sách liên quan đến vụ án Út “trọc”. Cụ thể, ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn (thuộc Cty Hải Hà, đơn vị hợp tác với “Út Trọc”). Tại đây, Đội kiểm tra đã lập biên bản về thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lương.
Ngày 2/7/2014, Đội kiểm tra thông báo có trên 20 ngàn lít xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu cung cấp tài liệu giải trình. Ông Đinh Ngọc Hệ đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng phục vụ kinh tế ngành, xin miễn phạt.
Sau khi ông Lê Thanh Cung bút phê ý kiến vào tài liệu xin không bị phạt của phía ông Hệ, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương không phạt số xăng kém chất lượng nói trên. Theo tài liệu thu thập trong vụ án, mức phạt trên 20 ngàn lít xăng này là trên 1,4 tỷ đồng. Theo VKS, cán bộ Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã không truy xuất nguồn gốc xăng kém chất lượng, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện hành vi vi phạm.