Để khuyến khích học sinh, sinh viên học nghề, lao động trẻ phát triển kỹ năng, thúc đẩy, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, ASEAN và thế giới đã thường xuyên tổ chức các kỳ thi tay nghề định kỳ, tạo sân chơi cho lao động trẻ phô diễn, tranh tài kỹ năng nghề đỉnh cao với công nghệ tối tân, trên máy móc, thiết bị hiện đại. Xác định vị trí, tầm quan trọng của các kỳ thi, ngay từ đầu mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng Hà Nội đã mạnh dạn, nhanh chóng đến với các kỳ thi.
Hội thi tay nghề ASEAN được tổ chức hai năm một lần là hội thi kỹ năng nghề nghiệp lớn nhất trong khu vực. Các thí sinh tham gia được tuyển chọn từ các cá nhân xuất sắc nhất trong các hội thi quốc gia. Đây không những là cơ hội tranh tài của các thí sinh đến từ các quốc gia mà còn là cơ hội để các nước có thể đánh giá được sự phát triển của chất lượng dạy và học nghề trong nước.
Định vị hướng đi từ các cuộc thi khu vực và quốc tế
Là đơn vị có 14 năm dự thi, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã đạt được 21 giải trong đó có 5 giải vàng. Với thế mạnh của nhà trường là các ngành nghề về kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao, đây là cơ hội tốt để nhà trường và học sinh học tập và phát triển trong chất lượng đào tạo.
Theo ông Khổng Hữu Lực, Trường phòng đào tạo Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, với số lượng lớn học sinh đạt kết quả trong Hội thi tay nghề ASEAN nói riêng và các kỳ thi quốc tế nói chung, nhà trường luôn định hướng đào tạo là chú trọng quan tâm, coi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà trường.
"Đây là sân chơi kỹ năng giúp cho nhà trường nhìn nhận được kỹ năng tầm khu vực và thế giới, xây dựng chương trình đào tạo về trang thiết bị máy móc và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao trên toàn cầu. Bởi vậy, nhà trường luôn mong muốn hướng tới đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đó", ông Lực nhận định.
Là đơn vị có nhiều năm tham gia kỳ thi tay nghề khu vực và trên thế giới, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài, tập trung đào tạo những ngành nghề mũi nhọn từ đó xanh hoá dần các công nghệ. Từ đó, "xuất khẩu" những lứa học sinh ra các cuộc thi tay nghề trên thế giới.
Với bề dày thành tích trên các thi quốc tế, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng nhận định, kỳ thi kĩ năng tay nghề đối với người lao động là cơ hội, tác động để được cọ sát và học hỏi những tiến mới nhất trên thế giới. "Đây là sân chơi trong hệ thống những người học nghề, làm nghề và dạy nghề, giúp lan toả giá trị và thúc đẩy hệ thống giáo dục nghề nghiệp", ông Hùng cho biết.
Theo Phòng Giáo dục Nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) kỳ thi tay nghề ASEAN đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam, đây vừa là cơ hội cho thị trường lao động trong nước, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.
Tham gia các kỳ thi tay nghề Quốc gia, ASEAN và thế giới giúp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có cơ hội thể hiện trình độ kỹ năng nghề của mình; học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến; đặc biệt là những kinh nghiệm gắn kết với doanh nghiệp trong công tác học tập, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghề qua quá trình ôn luyện. Thí sinh được ôn luyện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp sẽ được nâng cao kỹ năng nghề, được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, qua đó kỹ năng nghề của các em được nâng cao rõ rệt.
Việc tham gia các kỳ thi tay nghề Asean và thế giới đã tác động mạnh mẽ tới việc nâng cao kỹ năng nghề cho người học, đáp ứng nhu cầu về lao động qua giáo dục nghề nghiệp của các doanh nghiệp, thị trường lao động ngày càng lớn và đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bởi vậy, các nhà trường từ đó có những chính sách đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo từ việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhà giáo đến cải tiến, đổi mới chương trình; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp: doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nghề nghiệp, tiếp cận và nắm bắt những thay đổi của khoa học công nghệ. Qua đó khẳng định được thương hiệu, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.