Dinh dưỡng mùa Tết cho mẹ bầu

Để ngày tết được trọn vẹn ý nghĩa, ăn uống trờ thành một đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của hầu hết mọi người, đặc biệt là những phụ nữ đang mang thai. Dưới đây là một số lưu ý trong việc sử dụng thực phẩm ngày Tết mà TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, dành cho các thai phụ.
Ảnh minh họa: Internet

Những món nên dùng

Hoa quả tươi: Ngày tết, nhiều thai phụ bận rộn với việc tiếp khách mà quên cả bữa ăn của mình, Vì vậy, không ít thai phụ khi đến bữa ăn thì không muốn ăn vì quá mệt. Lúc này, các loại hoa quả như đu đủ, chuối, cam, xoài, quýt… chẳng những sẽ giúp thai phụ không cảm thấy ngán mà còng có thể bổ sung thêm rất nhiều vitamin. Tuy nhiên, trái cây không thể thay thế bữa chính. Do vậy, thai phụ nên tranh thủ ăn thêm các loại thực phẩm khác như bánh chưng, trứng luộc.

Sữa & sản phẩm từ sữa: Khi mang thai, cơ thể mẹ cần gấp đôi lượng canxi bình thường (1.000mg canxi/ ngày) để đáp ứng quá trình hình thành xương và răng của thai nhi. Thiếu canxi, trẻ sinh ra sẽ bị mềm hộp sọ, thóp trước và thóp sau rộng; khi bé khóc dễ bị tím tái, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết. Vì sữa là nguồn bổ sung canxi dồi dào và dễ hấp thụ nhất nên thai phụ cần uống sữa mỗi ngày, 2 ly sữa mỗi ngày sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu canxi của thai phụ. Vì vậy, trong những ngày tết bận rộn, những hộp sữa tươi hoặc vài miếng phô mai, hũ yaourt là những bữa phụ hết sức cần thiết cho thai phụ.

Ảnh minh họa

Các loại rau củ: Ngoài việc cung cấp các vitamin cần thiết, sự hiện diện của nhóm thực phẩm này trong bữa ăn không những giúp cân đối lượng dinh dưỡng cao từ các món giàu đạm và béo như thịt, mỡ, trứng… mà còn tạo sự ngon miệng cho thai phụ. Rau còn giúp thai phụ phòng tránh táo bón, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ.

Các loại hạt (như hạt dẻ, bí đỏ, đậu phộng, hạt điều, hướng dương): Có thể được sử dụng như món ăn vặt cho thai phụ nhằm cung cấp thêm năng lượng và một số chất dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày.

Nước: Uống khoảng 2 lít/ ngày. Lượng nước nên uống rải đều trong ngày. Không nên uống nhiều nước khi ăn vì sẽ làm đầy bụng, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các thực phẩm cần thiết khác. Ngoài nước lọc, có thể uống bổ sung các loại sinh tố hoặc nước ép trái cây.

Những món hạn chế dùng

Thực phẩm chứa nhiều mỡ: Với những thai phụ dễ bị buồn nôn: không nên ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo vì sẽ làm đầy bụng, lâu tiêu khiến cảm giác buồn nôn kéo dài hơn.

Thực phẩm chế biến sẵn (như giò chả, lạp xưởng…): Nên chọn lựa cơ sở sản xuất uy tín và hạn sử dụng rõ ràng. Tuy nhiên, cũng chỉ nên sử dụng hạn chế vì những sản phẩm này thường dùng nhiều loại chất phụ gia mà thai phụ nên hạn chế sử dụng.

Mứt, bánh kẹo: Là những thực phẩm nhiều đường ngọt và hầu như không có chất dinh dưỡng cần thiết. Do vậy, hạn chế sử dụng sẽ tốt hơn. Nếu thai phụ muốn dùng để có hương vị ngày tết thì nên chọn mua sản phẩm của những cơ sở có uy tín, còn hạn sử dụng, nhãn hiệu trên bao bì rõ ràng.

Phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng các sản phẩm mứt bánh kẹo chứa nhiều đường, phẩm màu và chất phụ gia.

Nước có gas, nước hương trái cây: Các thực phẩm này chủ yếu làm từ các chất tạo ngọt và hương liệu công nghiệp, không cung cấp được những vi chất cần thiết cho cơ thể thai phụ đồng thời còn có thể tạo cảm giác no ngang. Các loại snack cũng không phải là thực phẩm bổ dưỡng nên không nhất thiết phải dùng.

Bia, rượu: Hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu trong quá trình mang thai vì chúng có thể tác động rất nhiều đến thai nhi.

Rau sống – món ăn tái: Cần thận trọng khi sử dụng rau sống (phải rửa thật kỹ nhiều lần), nên tránh ăn thịt cá tái vì rất dễ bị nhiễm giun sán, có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cho thai phụ. Hơn nữa, trong quá trình mang thai, thai phụ không thể uống thuốc tẩy giun.

Các loại dưa muối (như dưa cải, dưa giá, kiệu, dưa món…): Thai phụ không ăn nhiều do những thực phẩm này không chứa nhiều dưỡng chất mà hàm lượng muối lại khá cao dễ dẫn đến cao huyết áp và phù.

Theo Giadinh.net