Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa:

Điều khó hiểu trong hồ sơ thương binh của Bí thư Thị ủy

TP- Có một số đơn, thư phản ánh, tố cáo về tấm thẻ thương binh của ông Nguyễn Quốc Trình, Bí thư Thị ủy thị xã Bỉm Sơn.

Vì vấn đề liên quan đến người lãnh đạo cao nhất của một thị xã, nên việc kiểm tra, xác minh và có kết luận cuối cùng cần các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong phạm vi của mình, báo Tiền phong xin nêu nhưng thông tin qua quá trình điều tra để các cơ quan chức năng xem xét… 

Thông tư số 16/1998 liên Bộ: Quốc phòng - Lao động, Thương binh & Xã hội - Công an về giải quyết tồn đọng sau chiến tranh cho những quân nhân trong thời gian tham gia quân đội có bị thương mà đã chuyển ra ngoài nhưng chưa được giải quyết chế độ thương binh.

Điều kiện tiên quyết để được khám thương tật của Thông tư 16 là: phải có 2 người cùng đơn vị, tham gia chiến đấu và biết rõ tình hình bị thương của đối tượng làm chứng. Đối chiếu với Thông tư 16, hồ sơ thương tật và thẻ thương binh của ông Nguyễn Quốc Trình, được thể hiện như sau:

Ngày 3/3/2002, ông Nguyễn Quốc Trình có bản khai cá nhân: “nhập ngũ ngày 22/8/1971, đơn vị C1-D3-F338, đơn vị đi B, C7-D403 Quân khu Thừa Thiên, bị thương ngày 10/3/1972, tại trận đánh Bình Điền, Động Tranh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Vết thương ống chân phải,  dưới gối chân trái, dập ngón cái bàn tray trái, một vết thương ở bụng, vết thương phía trên lông mày phải,vết thương vùng thắt lưng bên phải, sức ép bom. Điều trị tại Trạm quân y  binh trạm 45 Đoàn 559.

Ở chiến trường ra, do sơ suất mất hết giấy tờ. Những người tham gia chiến đấu biết rõ tình hình bị thương là ông Vũ Minh Họa và ông Đoàn Văn Tuệ…”.

Trong hồ sơ thương binh, ngoài bản khai này còn có  2 bản xác nhận kèm 2 sơ yếu lý lịch đảng viên (photocopy) của 2 nhân chứng mà ông Trình nêu ở trên.

Từ đó, có một loạt giấy tờ khác theo đúng quy trình và cuối cùng là Quyết định của Tư lệnh QK4 về việc cấp Giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh số 327/QĐ do trung tướng Phạm Hồng Minh, Phó tư lệnh chính trị ký ngày 15/5/2004.

Thẻ thương binh của ông Nguyễn Quốc Trình mang số AQ 75930, với tỷ lệ mất sức 41%, hưởng trợ cấp 254.000đ/tháng.

Trong giấy làm chứng cho ông Trình, ông Vũ Minh Họa (cùng xã Hà Thanh với ông Trình) ghi:

“Tôi và anh Trình cùng công tác và chiến đấu tại đơn vị C7-D403 QK Thừa Thiên-Huế, vào ngày 10/3/1972 tại Bình Điền, Động Tranh, anh bị thương do pháo kích, bom đánh sập hầm, tôi là khẩu đội trưởng pháo 130 li cùng anh em đưa anh Trình đi điều trị ở tuyến trên…”.

Còn ông Đoàn Văn Tuệ (người cùng huyện Hà Trung với ông Trình) thì viết:

“Trong chiến dịch năm 1972, khi đơn vị pháo 122 li  được lệnh tập kích vào cứ điểm Bình Điền, địch phản pháo cùng máy bay oanh tạc bị sập hầm, Đ/c Trình bị thương.

Tôi là y tá (Đối chiếu với Sơ yếu lý lịch đảng viên của ông Tuệ thì thời điểm này ông Tuệ chưa phải là y tá - TG) cùng đơn vị cấp cứu và đưa Đ/c Trình về tuyến sau, trạm phẫu tiền phương 45 thuộc đường dây 559 (!?)” .

Nhưng qua điều tra theo đơn thư, thực sự chúng tôi băn khoăn và nghi ngờ về hồ sơ thương binh của ông Trình, nhất là về nội dung hết sức quan trọng, liên quan đến việc ông Trình có phải là quân nhân của C7-D403 Quân khu Thừa Thiên (cùng đơn vị với 2 người làm chứng là ông Họa và ông Tuệ) hay không?

Cần nhấn mạnh rằng chỉ có 2 người cùng đơn vị, cùng chiến đấu biết rõ tình hình bị thương làm chứng mới hoàn chỉnh được hồ sơ để khám thương tật (thực tế khá nhiều nhiều người làm thương binh giả ở công đoạn này).

Làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, chúng tôi được cung cấp:

“Ông Nguyễn Quốc Trình, Bí thư Thị ủy thị xã Bỉm Sơn, sinh năm 1949, Đại học Tổng hợp Sử, cao cấp chính trị, phục vụ trong quân đội từ tháng 9/1971 đến tháng 11/1975 và duy nhất chỉ ở C4-D11-E78-F324, chiến đấu tại chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, chức vụ: A trưởng, B trưởng, C phó… Tháng 10/1976, học viên Trường văn hóa Quân khu Hữu ngạn Bộ Quốc phòng…”. 

Như vậy, theo tài liệu này thì ông Nguyễn Quốc Trình không cùng đơn vị chiến đấu với 2 nhân chứng?!

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của Thanh Hóa thẩm tra lại trường hợp này, hoặc để khẳng định một trường hợp khuất tất trong việc làm chế độ thương binh hoặc trả lại sự trong sạch cho một cán bộ lãnh đạo trước sự khiếu kiện và bàn tán của dư luận.