Trong mùa hè đầu tiên kể từ thời điểm đó, ông Macron nói rằng điều quan trọng là không để Nga mất mặt, và phải bảo đảm trật tự an ninh của châu Âu cũng như của Nga.
Nhưng từ năm ngoái, nhà lãnh đạo Pháp thay đổi quan điểm theo hướng cứng rắn hơn, có vẻ đang theo đuổi chính sách ngoại giao diều hâu.
Tại một hội nghị ở Paris tháng trước, ông Macron nói rằng điều quân đội phương Tây đến chiến đấu với Nga ở Ukraine là điều không nên loại trừ. Ý tưởng này khiến Tổng thống Nga Vladimir giận dữ và các nước hậu thuẫn chính của Ukraine gạt bỏ.
Khi phát biểu tại Prague ngày 5/3, ông Macron nói rằng châu Âu không thể “hèn nhát” khi đương đầu với Nga.
Những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đối mặt với tình hình nghiêm trọng trên chiến trường, còn hỗ trợ quân sự của Mỹ đang bị tắc nghẽn.
Mục đích chính của Ukraine hiện nay là đứng vững trên chiến trường, nhưng nước này đang thiếu nhân lực để chiến đấu với quốc gia có dân số gấp ba lần mình.
Tình trạng thiếu đạn dược cũng là một thách thức nghiêm trọng nữa mà Kiev phải đương đầu. Có những lo ngại ở phương Tây rằng tình hình này sẽ khuyến khích Mátxcơva hành động quyết liệt hơn, không chỉ ở Ukraine mà có thể ở cả Moldova, Nam Caucasus và Sahel.
Trong khi đó, Paris ngày càng lo ngại về việc trở thành mục tiêu của chiến tranh hỗn hợp như tấn công mạng và lan truyền thông tin sai lệch mà họ cáo buộc do Nga gây ra.
Tự chủ chiến lược
Trong giai đoạn hiện nay, ông Macron đang muốn đẩy mạnh tầm nhìn của mình về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trước Washington, đồng thời chứng minh rằng châu Âu có thể hỗ trợ Kiev mà không cần trông cậy Mỹ, nhất là trong bối cảnh ông Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng.
Artin DerSimonian, một nhà nghiên cứu thuộc chương trình Á-Âu tại Viện Quản lý nhà nước Quincy, nhận định: “Chắc chắn những lo ngại về khả năng đắc cử của ông Trump khiến người châu Âu nhận ra rằng họ cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ chính mình. Điều đó khiến Tổng thống Macron thúc đẩy sự tự chủ chiến lược”.
Một số phát biểu của ông Trump khi vận động tranh cử gần đây khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo lắng.
Tại một sự kiện ở Nam Carolina gần đây, ông Trump nói với đám đông rằng ông sẽ khuyến khích người Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với bất kỳ thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nào không thực hiện đủ nghĩa vụ quốc phòng.
Ông Macron liên tục cảnh báo các đối tác châu Âu, rằng lập trường của Mỹ đối với Ukraine đã thay đổi và chính quyền của Tổng thống Joe Biden “có thể chỉ là một quãng nghỉ chứ không phải chính trị Mỹ trở lại bình thường”.
“Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh (người Mỹ) bất cứ lúc nào. Chúng tôi biết chúng tôi phụ thuộc như thế nào vào sự bảo đảm an ninh của họ. Nhưng chúng tôi không thể tin tưởng vào họ mãi được. Đây là điều mà nhiều người châu Âu đang nhận ra. Điều này chắc chắn luôn ở trong tâm trí (ông Macron)”, Mathieu Droin, nghiên cứu viên về chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, cho biết.
Đề xuất của ông Macron về việc điều quân đội phương Tây tới Ukraine bị hầu hết các đồng minh NATO bác bỏ, nhưng các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania vui mừng.
Trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhiều năm trước đó, một số nước Đông và Trung Âu cho rằng Tây Âu, trong đó có Pháp, luôn cố xoa dịu Mátxcơva.
“Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine, ít nhất về mặt ngôn từ, có thể nhằm xoa dịu khu vực phía đông lục địa. Dù ông Macron có làm như lời hùng biện của ông hay không, chắc chắn ông ấy đã lấy được lòng Đông Âu. Điều này có thể hữu ích cho các kế hoạch chiến lược của Pháp trong tương lai”, Droin nhận định.
Sự thay đổi của Tổng thống Pháp dường như bắt đầu vào cuối tháng 5 năm ngoái, khi ông phát biểu tại hội nghị an ninh do GLOBSEC tổ chức. Khi đó, ông Macron thừa nhận Paris đã không lắng nghe đầy đủ mối bận tâm của các thành viên NATO gần Nga và Ukraine.
“Ông ấy chắc chắn đã nhận ra rằng nếu muốn xây dựng một châu Âu mạnh mẽ hơn và tự chủ về mặt chiến lược hơn, ông ấy cần những quốc gia đó và đây chắc chắn là cách để hòa giải hai phần của lục địa”, Droin với Al Jazeera.