Điều chỉnh tỷ giá: Đổ dầu vào lửa?!

TP - Tỷ giá VND/USD đã tăng cả tháng nay  có thời điểm lên mức chạm trần quy định NHNN ở mức 21.246 đồng/USD. Sức ép nào đang “đè” lên tỷ giá, có phải chỉ đơn giản là tác động từ tâm lý hay còn nguồn cơn nào khác. Nhà điều hành đã để ngỏ phương án điều chỉnh, phải chăng đèn xanh đã được bật?
Tỷ giá VNĐ/USD được dự kiến sẽ điều chỉnh 2% trong năm nay. Ảnh: Như Ý

Tăng tâm lý hay cầu thực?

Ngày 9/6, giá USD bán ra tại các NH lại rục rịch tăng sau khi giảm trong hai phiên cuối tuần trước. Giá USD bán ra tại Eximbank trong sáng nay (9/6) ở mức 21.245 đồng/USD sát mức trần quy định NHNN và tăng tới 35 đồng/USD so với cuối tuần trước. Cùng bán USD ra với mức giá của Eximbank còn có VietinBank. 

Tỷ giá VNĐ/USD được dự kiến sẽ điều chỉnh 2% trong năm nay.   Ảnh: Như Ý

Những NH còn lại bán ra phổ biến ở mức 21.240 đồng. Giá mua vào cũng được các NH điều chỉnh phổ biến từ 21.180 - 21.190 đồng/USD. Trong khi đó, cuối tuần trước giá USD đã được các NH niêm yết ở mức 21.130 - 21.160 (mua vào) - 21.210 (bán ra). 

Như vậy, hầu hết các NH đã tăng giá bán 20 - 30 đồng/USD. Sáng 9/6, thị trường tự do giá đô la cũng nhảy lên mức 21.280 VND/USD. Sau gần một năm trạng thái kịch trần biên độ mới tái lập, một lần nữa niềm tin của thị trường bị lung lay.

Quay trở lại ngày thứ sáu 6/6/2014, khi vào hôm đó, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với USD vẫn đứng ở mức 21.036 đồng. Với biên độ dao động cho phép là +/-1%, các ngân hàng được phép niêm yết giá trần USD ở mức 21.246 đồng.  

Từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này lên tiếng  giá USD tăng chủ yếu do tâm lý, nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép nên không đáng lo ngại và khẳng định đủ lực để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

Cùng thời điểm, câu hỏi chung PV dành cho lãnh đạo một số NH trên địa bàn Hà Nội về cung- cầu ngoại tệ, câu trả lời đều tựu ý: nhu cầu ngoại tệ của DN có tăng lên nhưng không đáng kể. NH dư dả ngoại tệ để cho vay và bán cho DN.

Nhận định của người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi đăng đàn ngày 8/6 lưu ý: nguyên nhân tác động lên tỷ giá tăng những ngày qua không phải do yếu tố cung cầu, mà chủ yếu do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. 

“NHNN có thể xem xét việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp. Chúng tôi cam kết thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Nếu có điều chỉnh, NHNN sẽ chủ động và mức điều chỉnh không quá 2%”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định

“Ngay từ đầu năm, NHNN có thông điệp nếu phải điều chỉnh tỷ giá sẽ không quá 2%. Đến thời điểm này, tức là đã hơn 6 tháng tỷ giá vẫn chưa được điều chỉnh. Trong khi đang có những yếu tố tâm lý khác tác động đến thị trường khiến XH, giới đầu tư lại càng kỳ vọng việc điều chỉnh của NHNN”- Thống đốc cho hay. Cũng theo ông,  qua các phân tích, cung - cầu thị trường xét cả góc độ vĩ mô cũng như vi mô điều chưa thấy có dấu hiệu đoản cung hay đoản cầu. 

“Xét trên cục diện kinh tế vĩ mô thì thấy rằng hiện nay quan hệ cung - cầu được đảm bảo, cán cân thanh toán thặng dư ở mức trên 10 tỷ USD. Và trong 6 tháng đầu năm NHNN vẫn mua được 10 tỷ USD. Phân tích cho cả năm thì năm nay cung – cầu ngoại tệ hết sức dồi dào”- Thống đốc Bình khẳng định.

Đổ dầu vào lửa?!

Nhận xét của giới chuyên gia, tỷ giá tăng cũng có thể đến từ động thái phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng. Với một thời gian dài tỷ giá ổn định, nhiều ngân hàng đã  duy trì trạng thái ngoại tệ âm, thậm chí mạnh tay bán ra ngoại tệ, đổi lấy tiền đồng cho vay nhằm hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất USD-VND. Nay trước những diễn biến bất thường, ngân hàng phải đẩy mạnh gom  ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro có thể “bất khả kháng”.

Trước động thái tỷ giá tăng trong ngày đầu tuần này, chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực vẫn bảo lưu quan điểm, không có tác động từ những yếu tố thị trường và vẫn chủ yếu do tâm lý đẩy tỷ giá tăng. “Tháng 5 vừa rồi vẫn xuất siêu. Trong khi nhu cầu vay vốn ngoại tệ tăng ở mức không đáng kể cho thấy cung - cầu không có vấn đề gì”, ông Lực diễn giải. 

Do vậy, theo nhận định của ông Lực, nếu chỉ do tâm lý mà điều chỉnh tỷ giá chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”, và lại tạo đất diễn giới đầu cơ khi họ cho rằng mình đã đoán đúng. Như vậy, về góc độ thị trường, giới đầu cơ cũng đã được trận thắng ra trò. 

Vì sau một thời gian dài không được lướt sóng, 1% từ sóng tỷ giá lúc này cũng mang lại lợi ích đáng kể cho giới đầu cơ. Còn xét trên góc độ nhà quản lý thì chính sách đã bị “tâm lý” đám đông dẫn dắt. Trong khi hơn 2 năm qua chính sách NHNN luôn chủ động “chỉnh” thị trường.

“Nhà điều hành đã để ngỏ phương án điều chỉnh tỷ giá, như vậy việc sẽ tăng là hoàn toàn có thể. Còn thời điểm nào, mức điều chỉnh bao nhiêu chắc sẽ được cân đối trên bài toán tổng thể của các nền kinh tế”- Một chuyên gia nhận định.