Điệp viên nấp sau bàn Hội nghị biến đổi khí hậu

Nhân Hội nghị COP 20 vừa diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, từ ngày 1 đến 12/12, báo chí lại rộ lên những câu chuyện về hoạt động gián điệp ẩn nấp phía sau bàn hội nghị.
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper là người đặt vấn đề sớm nhất với NSA về hoạt động do thám tại các hội nghị biến đổi khí hậu.

Những tài liệu do cựu điệp viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ được báo chí đăng tải đã liên tục làm lộ ra những hoạt động do thám, gián điệp, nghe lén do NSA và Cơ quan Tình báo tín hiệu GCHQ của Anh tiến hành nhắm vào một số quốc gia trọng yếu tại các Hội nghị Đối tác Biến đổi khí hậu (COP) liên tục từ năm 2009 đến nay. Nhân Hội nghị COP 20 vừa diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, từ ngày 1 đến 12/12, báo chí lại rộ lên những câu chuyện về hoạt động gián điệp ẩn nấp phía sau bàn hội nghị.

Từ Copenhagen 2009…

Các tài liệu do Edward Snowden tiết lộ được công bố trên tờ báo Dagbladet Information của Đan Mạch cuối tháng 1/2014 đã làm lộ lên câu chuyện gián điệp đầu tiên tại các hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu toàn cầu. Do thám đối tác để biết trước đối tác muốn gì, sẽ nói gì, làm gì đã từng được giới chức an ninh, tình báo Mỹ quan tâm từ năm 2007, tức 2 năm trước khi diễn ra COP 15. Một tài liệu do Snowden tiết lộ đề ngày 14/5/2007 có chi tiết về việc ông James Clapper, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách tình báo đã đặt vấn đề này trực tiếp tại một cuộc họp với ban lãnh đạo NSA.

Tại Hội nghị COP 15 - Copenhagen tháng 12/2009, NSA đã do thám một số đối tác chủ chốt. Theo Dagbladet Information, mục tiêu do thám của NSA là nắm bắt trước chiến lược đàm phán và quan điểm, lập luận, sự chuẩn bị và mục tiêu đàm phán của những đối tác đàm phán tại hội nghị nhằm cung cấp cho các nhà đàm phán Mỹ càng nhiều thông tin càng tốt trước khi bước vào bàn đàm phán.

Đại biểu các nước dự hội nghị COP 20 tại Lima, Peru.

Tài liệu mật không nêu chi tiết rõ ràng việc NSA vạch kế hoạch do thám tại COP 15 như thế nào, nhưng nó chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của hoạt động gián điệp, do thám tại các hội nghị biến đổi khí hậu, đặc biệt là giai đoạn đàm phán nước rút trước khi đưa ra kết luận hoặc ký kết các thỏa thuận cần thiết. Các đàm phán vào phút chót ấy luôn diễn ra rất căng thẳng. Bên cạnh đó, họ còn có những cuộc thảo luận bên lề với các đồng nghiệp về những vấn đề liên quan, và những chi tiết của các cuộc thảo luận này đều rất được các nhà hoạch định chính sách Mỹ quan tâm.

NSA phủ nhận việc do thám tại Hội nghị COP 15, nhưng các nguồn thông tin tại Đan Mạch xác nhận đó có thể là sự thật, vì người Mỹ (và cả người Trung Quốc) luôn có sự chuẩn bị rất tốt khi bước vào bàn đàm phán với các đối tác, và họ luôn giành phần thắng. Từ cuối năm 2013, ở Đan Mạch đã xuất hiện thông tin NSA do thám phái đoàn đàm phán Đan Mạch và một số quốc gia chủ chốt khác tại COP 15.

Nhà báo Per Meilstrup, tác giả cuốn sách "Kampen om klimaet" (Cuộc chiến khí hậu) viết về Hội nghị COP 15 tại Copenhagen, đã tập hợp các thông tin đó để viết thành quyển sách nhằm tìm lời giải đáp cho các nghi vấn gián điệp xung quanh COP 15.

Per Meilstrup kết luận, chính vì hoạt động do thám đã tạo ưu thế nhờ nắm trước thông tin về quan điểm, chiến lược của các đối tác nên Mỹ có được chiến thuật đàm phán thành công dẫn đến sự đổ vỡ của COP 15.

… đến Cancun 2010

Sau bài học đổ vỡ của COP 15, dường như Mỹ và phương Tây chưa thôi tham vọng và tiếp tục triển khai hoạt động do thám các phái đoàn đàm phán tại Hội nghị COP 16 ở Cancun, Mexico, vào tháng 12/2010. Cơ quan tình báo thực hiện hoạt động do thám được nêu danh lần này là GCHQ của Anh - một đối tác chia sẻ thông tin với NSA. Cũng như NSA, GCHQ cũng theo đuổi mục tiêu do thám chiến lược đàm phán và các bước chuẩn bị, cũng như lập trường quan điểm của các đối tác đàm phán mà mình cần thương lượng.

Trong các tài liệu mật của NSA được tiết lộ có cả những bản trình chiếu Powerpoint vạch sơ đồ hướng dẫn đường đi cho các điệp viên GCHQ tại khu hội nghị nhằm tiếp cận các phái đoàn mình cần do thám. Các điệp viên GCHQ phải gia nhập vào phái đoàn mục tiêu đi đến khu hội nghị để nghe một diễn giả Nhật Bản thuyết trình về một vấn đề mà nước ông ta quan tâm, và phải ngồi phía sau hàng ghế của phái đoàn đó để lắng nghe, thu thập những gì cần thiết để cung cấp cho phái đoàn của nước Anh.

Bản trình chiếu cho thấy phái đoàn Anh quan tâm liệu việc ngăn chặn biến đổi khí hậu sẽ tác động thế nào đến kinh tế, liệu khí thải cacbon thấp có thúc đẩy các quyết định tích cực cho nền kinh tế từ chính phủ và các nhà đầu tư? Liệu Công ước LHQ về chống biến đổi khí hậu (UNCCC) vẫn còn quan trọng, hay việc chuyển sang cacbon thấp do chi phí cao và nguồn tài nguyên khan hiếm có ý nghĩa hơn? Liệu các chính phủ liên hệ thời tiết khắc nghiệt với giá cả hàng hóa cao?

Sau khi thu thập hàng loạt thông tin liên quan đến các nội dung vấn đề nêu trên, các cơ quan tình báo như GCHQ và NSA sẽ chuyển chúng cho một số "khách hàng", trong đó có Bộ Năng lượng, Bộ Ngoại giao và các nhà đàm phán tại nhóm G20 và Văn phòng Thủ tướng Anh. Các tài liệu cho thấy hoạt động của GCHQ tại Cancun được triển khai theo lệnh trực tiếp của Thủ tướng David Cameron. Và không chỉ hoạt động tại Cancun vào năm 2010, trong các tài liệu còn có một bản ghi "Tương lai" cho thấy GCHQ còn có kế hoạch hoạt động tại các hội nghị COP sau Cancun kể cả tại COP 20 tại Lima, Peru đang diễn ra.

Chuyện thường ngày ở COP

"Biết người biết ta trăm trận trăm thắng" có vẻ như đã được các nhà đàm phán Mỹ, Anh (và cả Trung Quốc) vận dụng triệt để tại các hội nghị toàn cầu, cụ thể là COP 15, COP 16 và những COP sau này. Không có tài liệu cụ thể tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động gián điệp tại các COP 17, 18 và 19, nhưng giới ngoại giao các nước tham gia các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu toàn cầu thì cho rằng họ đã quá quen thuộc với hoạt động do thám kiểu đó rồi.

Ronny Jumeau, nhà đàm phán kỳ cựu của đảo quốc Seychelles cũng tỏ ra không chút "sợ sệt" nào khi nghe thông tin về chuyện do thám của NSA và GCHQ, vì ông đã quá quen thuộc với các con mắt "cú vọ" thường trực tại các diễn đàn của LHQ. Seychelles có căn cứ điều khiển máy bay không người lái chống khủng bố tại Somalia của Mỹ, và đảo quốc này hiện đang là mục tiêu săn đón của cả Nga và Trung Quốc. Vì thế, ông Jumeau cho rằng, Syechelles trở thành mục tiêu do thám của nhiều nước là chuyện không có gì lạ.

Không chỉ tại COP mà tại các hội nghị hợp tác kinh tế như G77, G20,… cũng đầy rẫy gián điệp. Một nhà đám phán cao cấp của một quốc gia G77 xác nhận như sau: "Tôi cũng như các nhà đám phán không hề ngạc nhiên về hoạt động gián điệp này. Các quốc gia có điều kiện về công nghệ và nguồn lực tài chính đã và đang cài cắm các điệp viên của họ vào phái đoàn đàm phán, và họ sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai".

Tuy biết NSA và GCHQ có các hoạt động do thám, nhưng dường như không ai trong số các quốc gia được xem là "mục tiêu" của các hoạt động do thám đó lên tiếng phản đối. Tiêu biểu nhất là Đan Mạch, nước chủ nhà COP 15. Cơ quan Tình báo Đối ngoại (FE) của nước này còn lên tiếng phủ nhận việc NSA do thám các nhà ngoại giao và chính khách Đan Mạch tại COP 15. FE không khẳng định và cũng không phủ nhận việc NSA có do thám các quốc gia đối tác chủ chốt khác hay không, và điều này để ngỏ khả năng NSA không chỉ do thám một mình mà còn chia sẻ thông tin tình báo với Tình báo Đan Mạch và Tình báo Anh vì lợi ích chung của các bên. Đồng thời, cũng theo tài liệu do Snowden tiết lộ, tình báo Đan Mạch là một trong những đối tác tin cậy của Tình báo Mỹ, là 1 trong "9 con mắt" trong hệ thống do thám toàn cầu của NSA, do đó cơ quan này có lý do để bác bỏ các cáo buộc do thám nhắm vào NSA.

Thiên tai, bão lũ do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Trong một động thái thể hiện sự quan tâm của LHQ đối với hoạt động gián điệp tại các hội nghị về biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gợi ý sẽ mở một cuộc điều tra vào các hoạt động gián điệp như thế, nhưng cho đến nay, khi báo chí hỏi về cuộc điều tra đó, một phát ngôn của LHQ khẳng định không hề có cuộc điều tra nào về hoạt động gián điệp tại LHQ cả.

Ban đầu các hoạt động thu thập thông tin tình báo tại các hội nghị toàn cầu diễn ra khá lộ liễu, nhưng về sau chúng dần dần lui vào bí mật do bị dư luận lên án sau khi mở rộng đối tượng mục tiêu do thám ra ngoài các lĩnh vực ngoại giao và quân sự sang các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp, hoạt động chính trị và cả lĩnh vực môi trường, như tại các COP.

Vấn đề đáng quan tâm nhất, theo giới chuyên môn, chính là việc cả GCHQ và NSA đều xem việc do thám các phái đoàn đàm phán các nước tại các hội nghị COP là vấn đề "an ninh quốc gia", trong khi cả thế giới đều nhìn nhận vấn đề theo hướng khác - đó là đàm phán về khí hậu, về môi trường, về sự sống còn của nhân loại chứ không hề là "an ninh quốc gia" của riêng một quốc gia nào.

Việc đàm phán ở đây chính là hoạt động tìm đến những thỏa thuận, đồng thuận đưa ra các tiêu chuẩn hành động nhằm hướng đến các kết quả tốt nhất cho môi trường sống của nhân loại, để phần nào tránh cho nhân loại những thảm họa do thiên tai mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng các quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ, vẫn muốn trì hoãn việc giảm xả thải khí nhà kính vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn kinh tế lớn, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nước mình. Đây chính là mục tiêu cuối cùng của các hoạt động do thám của cơ quan tình báo Anh, Mỹ tại các hội nghị COP từ năm 2009 đến nay.

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra, các quốc gia tham gia Hội nghị Đối tác về biến đổi khí hậu (COP) đã thống nhất lập ra Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund - GCF). Quỹ này có những quy chế hoạt động riêng, có một hội đồng điều hành là người của các quốc gia tham gia góp quỹ.

Mục tiêu của GCF là huy động số tiền 15 tỉ USD trở lên. Đến nay, đã có 24 quốc gia, tùy theo điều kiện kinh tế có mức đóng góp nhiều hay ít, từ vài triệu cho đến trên 1 tỉ USD. Các nước giàu có như Mỹ hứa đóng góp 3 tỉ USD, kế đến là Nhật Bản hứa đóng góp 1,5 tỉ USD, Anh 1,1 tỉ USD, Pháp và Đức mỗi nước hứa đóng góp 1 tỉ USD, Canada 265 triệu USD, Australia 200 triệu USD, Hàn Quốc và Thuỵ Sĩ mỗi nước đóng góp 100 triệu USD. New Zealand và Cộng hòa Séc là những quốc gia đóng góp ít nhất, 3 triệu và 5,5 triệu USD.

Theo Theo Công an nhân dân