Trả lời báo giới hôm 28/9, người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov giải thích rằng thiệt hại đối với các đường ống gây ra một “vấn đề lớn” cho Nga, vì nước này về cơ bản đã mất các tuyến đường cung cấp khí đốt tới châu Âu,
Theo ông Peskov, đường ống Nord Stream 2 – tuy chưa chính thức đi vào hoạt động – nhưng đã được bơm đầy khí vào thời điểm gặp sự cố. “Số khí đốt này rất đắt tiền, nhưng giờ chúng đang phun tự do ra không trung".
Ông Peskov cũng lưu ý rằng cả Nga và châu Âu đều không thu được lợi lộc gì từ việc đường ống bị rò rỉ, đặc biệt là Đức, vì sự cố này gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển, cũng như lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức.
Mặt khác, các nhà cung cấp LNG (khí hóa lỏng) của Mỹ có thể kiếm được lợi nhuận đáng kinh ngạc sau khi tăng gấp nhiều lần việc giao hàng tới châu Âu, ông Peskov chỉ ra, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty này “rất quan tâm đến việc duy trì lợi nhuận siêu khủng trong tương lai”.
Người phát ngôn Điện Kremlin khuyến cáo các bên không nên đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về nghi phạm của vụ tấn công trước khi tiến hành một cuộc điều tra.
Tuy nhiên, ông Peskov nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ đầu tháng 2, khi ông Biden đe dọa sẽ "đặt dấu chấm hết" cho Nord Stream 2, và tuyên bố mới nhất của cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khi ông gửi lời “cảm ơn Mỹ” vì vụ rò rỉ.
Phản ứng của Điện Kremlin được đưa ra sau khi một số quan chức châu Âu và Kiev, bao gồm cả cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Mikhail Podolyak, cho rằng đây có thể đó là một “vụ tấn công cờ giả” của Nga nhằm đổ lỗi cho Ukraine và đẩy giá năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, sau khi cựu Ngoại trưởng Ba Lan công khai cảm ơn Mỹ trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã hối thúc EU coi Mỹ là một trong những nghi phạm đứng đằng sau các vụ tấn công đường ống Nord Stream. Bà Zakharova cho biết Mátxcơva sẽ kêu gọi tổ chức một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ việc.
Một số quốc gia phương Tây như Mỹ và Ba Lan đã nhiều lần phản đối việc các đường ống dẫn khí đốt dưới biển của Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu, cả trước và sau khi Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều bất ngờ giảm áp lực hôm 26/9, trước khi chính quyền một số quốc gia phương Tây phát hiện sự cố rò rỉ. Ít nhất hai lỗ rò đã được phát hiện trên đường ống Nord Stream 1, và một lỗ rò được phát hiện trên đường ống Nord Stream 2. Công ty điều hành xác nhận các đường ống đã bị thiệt hại “nặng nề chưa từng thấy”, và không thể ước tính khi nào có thể khắc phục hoàn toàn.
Các đường ống Nord Stream 1 và 2 là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Nga, vốn là một trong những nguyên nhân khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây.
Nguyên nhân vụ rò rỉ hiện chưa được xác định, nhưng Nga và một số nước châu Âu nghi ngờ đây là kết quả của hành vi phá hoại.
Các chuyên gia Thụy Điển đã phát hiện rung chấn dưới đáy biển vào thời điểm trước khi đường ống rò rỉ, cho thấy đã có nhiều vụ nổ.