Điện ảnh Romania, nhìn từ làn sóng mới

TP - Cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỷ 21, Romania dần vươn lên trở thành một nền điện ảnh màu mỡ và mạnh mẽ của châu Âu khi các nhà làm phim thế hệ mới của đất nước này, được gọi là “Làn sóng điện ảnh mới” dẫn đầu là Cristi Puiu, Cristian Mungiu và Catalin Mitulescu… liên tục gặt hái nhiều giải thưởng của các liên hoan phim danh giá như Cannes, Venice và Berlin.

Giao thời

Để nói về Làn sóng mới của điện ảnh Romania, cần đề cập đến nền điện ảnh nước này giai đoạn 1948-1989. Hậu thế chiến thứ hai, nhiều quốc gia đã sử dụng điện ảnh như một công cụ tuyên truyền theo một cách có thẩm mỹ, và Romania không phải ngoại lệ.

Các bộ phim thường xoay quanh chủ đề công nghiệp hóa, tập thể hóa, sự khai sinh của con người mới và lịch sử mới. Dù chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ, nền công nghiệp điện ảnh Romania phát triển nhanh chóng trong thời kì này với hơn 400 phim được sản xuất giai đoạn 1965-1985 so với vỏn vẹn 1 phim trong những năm đầu của thời kì này.

Những chiếc xe caravan có gắn màn hình đi khắp cả nước để phổ biến loại hình giải trí này đến mọi vùng miền. Nhiều rạp phim được xây dựng và hiệp hội điện ảnh được thành lập với mục đích trao đổi và giao lưu điện ảnh với thế giới.

Trong những năm 1950, thế hệ các nhà làm phim đầu tiên tốt nghiệp từ Viện Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh mới được thành lập, đồng thời xuất hiện đa dạng các thể loại phim: hài, giật gân, và cả hoạt hình. Vào những năm 1980, các nhà làm phim đã học được cách truyền tải những thông điệp cá nhân một cách đầy ẩn ý và người xem cũng đạt được kĩ năng tìm kiếm những thông điệp ẩn sâu trong từng câu thoại.

Ba vị đạo diễn tiêu biểu của Làn sóng điện ảnh mới Romania: (từ trái sang phải) Cristian Mungiu, Cristi Puiu, và Catalin Mitulescu.

Tuy nhiên, thập niên 90 là thời điểm ảm đạm đối với nền điện ảnh quốc gia này khi chưa tới 60 phim được sản xuất trong 10 năm. Thậm chí năm 2000 được gọi là “năm zero”, khi không có bộ phim nào được sản xuất.

Với một nền điện ảnh chạm đáy sâu thẳm thì con đường duy nhất chỉ có thể là đi lên mà thôi, và các nhà làm phim Romania đã làm được kì tích khi đã tạo ra một làn sóng điện ảnh mới. Những bộ phim thuộc làn sóng này truyền tải được khao khát nói lên hiện thực mà họ đã và đang trải qua. Các nhà làm phim chọn chủ đề và cách tiếp cận trực tiếp gánh nặng cũng như sự mới mẻ mà sự thay đổi trong bộ máy quản lý nhà nước, chính trị, kinh tế, giáo dục, v.v. đem lại.

Nếu một nền điện ảnh từng chạm đáy như Romania có thể vươn lên mạnh mẽ như vậy thì các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kì tích tương tự nếu tiếp tục đi theo con đường được dẫn dắt bởi tình yêu dành cho đời sống và con người, cũng như đi sâu vào những mặt tối trong xã hội đương đại, được thể hiện dưới phương tiện điện ảnh.

Bộ phim 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days kể về hành trình phá thai chui kéo dài trong vòng một ngày của Gabita với sự giúp đỡ của một người bạn thân Otilia lấy bối cảnh vào năm 1987 – thời điểm pháp lệnh cấm phá thai đang được thực hiện gay gắt, phụ nữ bị đối xử chỉ như một công cụ gia tăng dân số. Để phản kháng và giành lại quyền sở hữu cơ thể của chính mình, nhiều phụ nữ đã chọn cách phá thai chui và bất hợp pháp dù phải đối mặt với nguy cơ bị vô sinh, bỏ tù hoặc thậm chí tử vong.

Bộ phim The Death of Mr. Lazarescu là một tác phẩm tiêu biểu phản ánh tình hình an sinh-xã hội sau giai đoạn chính trị mới. Với cốt truyện xảy ra vỏn vẹn trong vòng 5 tiếng đồng hồ, bộ phim theo chân ông Lazarescu – một kỹ sư về hưu đang cận kề cái chết khi ông bị chuyển đi qua 5 bệnh viện trong thành phố, mỗi nơi đều xem thường và từ chối chữa trị cho ông với vô vàn lí do khác nhau.

Ngay từ tiêu đề phim ta đã biết được ông Lazarescu sẽ chết trong phim nên sự bất ngờ của cái chết này không còn nữa. Song, cái chết đã được biết sẵn của ông đã đem lại nhiều xúc cảm mạnh cho người xem.

Đường phố lạnh lẽo và tăm tối trong phim 12:08 East of Bucharest

Phong cách nghệ thuật riêng biệt

Điện ảnh Làn sóng mới Romania đã không ngại khám phá những mặt tối trong xã hội đương đại. Thay vì làm phim như là một phương tiện để người xem thoát li khỏi thực tại khó khăn, Cristi Puiu, Cristian Mungiu, Cristian Nemescu, Radu Muntean và một số nhà làm phim tiêu biểu khác chọn cách “đá vào bụng, moi nội tạng ra trước rồi mới chạm vào trí tuệ của họ...”, nói như đạo diễn Radu Muntean.

Mục đích làm phim của Mungiu cũng như những đạo diễn khác là tạo sự “khó chịu” cho người xem khi ông luôn cố gắng hiểu sâu hơn về lựa chọn và trách nhiệm cá nhân, sự mơ hồ và sự trớ trêu trong một thế giới phi lý.

Điều này buộc người xem phản tư với chính cuộc sống và suy nghĩ của riêng họ về những vấn đề thừa hưởng từ chế độ cũ mà quốc gia này đang đối mặt, thay vì được nhà làm phim mớm cho một kết luận cụ thể. Họ muốn khán giả đồng cảm với những nhân vật trong phim vì những nhân vật đó có thể là bất cứ ai trong họ, là bất kỳ một người cùng khổ thuộc tầng lớp lao động hay những người lạ mặt họ gặp trên phố.

Từng cung bậc cảm xúc của đời sống như sinh, tử, gia đình và các mối quan hệ đều có thể được tìm thấy trong điện ảnh mới Romania.

Ông Lazarescu bơ phờ vì cơn đau và mệt mỏi khi bị chuyển qua mọi bệnh viện trong thành phố (phim The Death of Mr. Lazarescu).

Về phong cách nghệ thuật, các tác phẩm thuộc Làn sóng điện ảnh mới Romania đều có một điểm chung là được quay theo phong cách tựa như phim tài liệu với những cú quay cầm tay đem lại hình ảnh bị rung và xiêu vẹo kém hoàn hảo.

Những góc quay kém hoàn hảo này lại còn được kéo dài đến vài phút chỉ để mô tả nhân vật làm những hoạt động thường ngày, ví dụ như trong phim Police, Adjective, thời lượng lớn của phim dành cho việc dõi theo nhân vật cảnh sát Cristi đi qua lại để theo dõi đối tượng, ăn uống hay ngồi làm giấy tờ trong một không gian chật hẹp và ảm đạm.

Các bộ phim tập trung vào một câu chuyện có thật vừa giản đơn nhưng cũng vừa sâu sắc xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn (đôi khi chỉ vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ). Các nhà làm phim tìm thấy sự say mê trong việc ghi hình lại sự tương tác đời thường giữa các thành viên trong gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp để rồi sau cùng lột trần đạo đức mục nát hiện hữu ở mọi tầng lớp xã hội.

Một yếu tố chủ đạo khác vô cùng nổi bật trong ngôn ngữ điện ảnh làn sóng mới Romania nằm ở mise-en-scène (dàn cảnh) của nó. Các nhà làm phim Romania đương đại sử dụng bối cảnh thành thị đời thường làm bối cảnh trong phim, cụ thể là: những tòa nhà tập thể xập xệ và đơn sắc (một loại hình nhà cửa phổ biến ở những quốc gia Đông Âu được xây dựng từ thời kì cũ) hay đi sâu hơn vào từng căn hộ ảm đạm, lạnh lẽo và luôn thiếu ánh sáng tự nhiên được thể hiện vô cùng thực tế trong các bộ phim như 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days; 12:08 East of Bucharest; hay The Death of Mr. Lazarescu.

Môi trường lạnh lẽo, thiếu sức sống của một xã hội xuống cấp đối với các đạo diễn trẻ Romania thời bấy giờ không chỉ là một sự lựa chọn nghệ thuật mà còn là phương tiện kể chuyện. Họ thấy được sự cần thiết trong việc khám phá các khía cạnh tiêu cực của một xã hội đô thị nơi con người bị cách ly khỏi chính mối quan hệ giữa họ và thiên nhiên cũng như với làng xóm của mình trong thời kì công nghiệp hóa – một thế giới cô độc thiếu vắng sự hạnh phúc và tiêu chuẩn đạo đức.

Sau cùng, những quan điểm nặng tính khủng hoảng hiện sinh, sự khám phá trách nhiệm, tính chân thực và chính trực cá nhân thường được thể hiện qua lối làm phim trớ trêu và bi-hài là một đặc tính tiêu biểu của làn sóng điện ảnh mới Romania.

Bộ phim lấy đề tài phá thai chui trước năm 1989 4 Months, 3 Weeks and 2 Days.

Trong những năm gần đây, tôi để ý thấy điện ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng đang tạo dựng được một làn sóng mới, đến được với nhiều LHP quốc tế danh giá và giành không ít giải thưởng lớn nhỏ.

Các tác phẩm như Ròm, Vị, Đêm tối rực rỡ, Những đứa trẻ trong sương hay mới đây nhất là bộ phim đoạt giải Camera Vàng tại LHP Cannes Bên trong vỏ kén vàng của hầu hết là các nhà làm phim trẻ đã khai thác được những mặt tối xã hội lẫn bản thân con người, thay vì tạo dựng những hào quang tách biệt hẳn đời sống thực tế và tràn đầy những tiếng cười nông cạn như các bộ phim thương mại.

Đó là thành quả đích thực của tình yêu dành cho điện ảnh, truyền tải được mọi cung bậc cảm xúc đến người thưởng thức. Điều mà những bộ phim gây nhiều ồn ào như Đất rừng phương Nam đã không thể đạt tới.