Đó là tâm sự của anh Luân Văn Hạnh (SN 1971), dân tộc Nùng, một hộ dân trú tại khu dân cư số 2, (Làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng Văn Lãng, Lạng Sơn).
Bây giờ, anh đã có của ăn, của để, sắm được hai chiếc xe ô tô phục vụ việc vận chuyển vật liệu cát, sỏi, xây dựng nhà cho những người mới đến. Trung bình mỗi tháng anh thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng.
Anh Hạnh dẫn chúng tôi đến xem mô hình VAC của gia đình. Tổng diện tích gia đình anh được giao là 250 m2, anh dành phần lớn để làm chuồng lợn, gà, vịt. Nhờ làm ăn có hiệu quả, việc đầu tư cho hai con ăn học không phải lo. Cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn. Cháu lớn của anh đang học lớp 11 trường huyện, cháu nhỏ đang học lớp 6 trường THCS xã Thụy Hùng.
Giám đốc làng thanh niên lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Toán chỉ tay về phía những ngôi nhà mới, giới thiệu: “Mặc dù triển khai dự án chưa đầy hai năm, song đến nay 145 hộ gia đình đã đến lập nghiệp. Tất cả đều ổn định cuộc sống, tham gia tích cực trồng rừng với 240 ha bạch đàn, keo, thông, trồng mới 11,4 ha hồng vành khuyên, mận ghép. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của các gia đình có hiệu quả, như gia đình các anh: Lương Văn Tuấn, Lê Văn Lan, Lê Văn Thân. Những lúc nông nhàn, thanh niên tham gia tổ bốc vác xung kích ở cửa khẩu Na Hình, thu nhập bình quân trên 100.000 đồng/ngày”.
Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn Lạng Sơn, đến nay, tất cả hộ thanh niên đều có nước sạch để sinh hoạt. Tháng 6-2010, đường điện 35KV được xây dựng xong, hệ thống đường bê tông được xây dựng hoàn chỉnh đến tận ngõ làng, khu dân cư. Hệ thống loa truyền thanh, nhà trẻ được xây dựng, nơi sinh hoạt, vui chơi cho gần 25 con, em các hộ thanh niên trong làng.
Tới thăm làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng, anh Phạm Văn Hạ, Trưởng Ban TNXP Trung ương Đoàn nhận xét: “Đây là dự án thành công, thanh niên địa phương đã biết làm giầu trên chính mảnh đất quê hương mình. Là điểm sáng nông thôn mới, mô hình di dân, tái định cư, giữ đất, giữ làng trên địa đầu Tổ quốc”.
Thu nhập bình quân của các hộ trong làng thanh niên Lập nghiệp Thụy Hùng đạt khoảng 30-50 triệu đồng/hộ/năm. 97% số hộ có xe máy, 98% có tivi, tất cả hộ có máy xay xát hoặc máy cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp.