Dưới cái “nắng như rang” trong những ngày hè, trên cánh đồng muối thuộc huyện Ninh Hải, các diêm dân vẫn cần mẫn lao động mặc sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi nồng.
Đưa tay quệt những giọt mồ hôi, ông Nguyễn Chánh (52 tuổi, có hơn 20 năm trong nghề làm muối ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, công việc này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng mẻ muối làm ra càng trắng và chất lượng. Để làm ra được một mẻ muối hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, xen lẫn mồ hôi, nước mắt của diêm dân đổ xuống cánh đồng.
Bắt đầu từ việc lấy nước ở Đầm Vua (xã Tri Hải) sau đó “giang” dưới trời nắng, khi nước bốc hơi sẽ để lại những hạt muối kết tinh. Mỗi vụ sẽ bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 9.
Quá trình bốc hơi diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và diện tích của ruộng muối. Nếu thời tiết đẹp, sau 9 - 10 ngày muối kết tủa trắng xóa còn không đủ nắng thì quá trình này diễn ra lâu hơn.
“Hạt muối nơi đây có màu trắng, vị đậm đà, thanh thanh đặc trưng miền nắng gió nên rất được ưa chuộng trên thị trường. Mới vào vụ nhưng đã có nhiều thương lái đặt hàng. Hy vọng năm nay thời tiết thuận lợi, giá muối ổn định để chúng tôi yên tâm làm nghề và giữ nghề muối truyền thống”, ông Chánh nói.
Cách đó không xa, anh Nguyễn Thanh Hải (ở cùng xã Tri Hải) cũng đang tất bật cải tạo lại ruộng muối, để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Như chạy đua với cái nắng, vừa làm anh Hải vừa nói: “Thu nhập chính của gia đình tôi đều phụ thuộc vào công việc này. Thời gian làm việc mỗi ngày khoảng 6 tiếng, thu nhập cao nhất cũng chỉ đạt 260.000 đồng/ngày. Đối với chúng tôi, nghề muối đã là một phần trong hơi thở cuộc sống vì nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Ninh Hải”.
Chẳng ai nhớ được chính xác nghề làm muối này ra đời lúc nào, chỉ biết rằng đây là nghề đã nuôi lớn biết bao thế hệ diêm dân tại huyện Ninh Hải hơn trăm năm qua. Dù còn nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nhiệt huyết với nghề cha ông truyền lại.