Kết quả các mẫu vịt chết được Chi cục Thú y TPHCM lấy từ hàng trăm con vịt chết trôi trên dòng kênh Đông từ tỉnh Tây Ninh về huyện Củ Chi, TPHCM hôm qua 18/2 cho thấy chưa phát hiện dịch.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Phát- Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM lo ngại nguy cơ tiềm ẩn dịch từ số gia cầm chết không rõ nguồn gốc này rất lớn. Từ ngày 14/2 đến nay, Chi cục Thú y TPHCM đã kiểm tra và phát hiện hàng trăm con vịt chết trong các bao tải thả trôi về huyện Củ Chi.
Kiểm tra 11 hộ chăn nuôi vịt ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, người ta vẫn chưa biết hộ nào vứt xác vịt chết xuống kênh. “Chúng tôi đã lập chốt kiểm soát ở xã Lộc Hưng của huyện Trảng Bàng nơi có dòng kênh Đông để kịp thời phát hiện vịt chết”- ông Phát cho hay.
Trong khi đó, gia cầm lậu vẫn ngày ngày đổ về TPHCM bằng nhiều cung đường khác nhau. Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức mỗi ngày phát hiện hàng chục vụ vận chuyển gia cầm sống, gia cầm đã giết mổ trái phép từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh và miền Trung vào TPHCM tiêu thụ. Mới đây là một xe đông lạnh vận chuyển 403 con gà thịt từ Long An về Đồng Nai giết mổ.
Số gà này không có giấy kiểm dịch, trong khi Long An đang xuất hiện dịch cúm. Các tỉnh lân cận TPHCM như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã xuất hiện cúm gia cầm.
Sẵn sàng đối phó
Tại cuộc họp phòng chống dịch cúm gia cầm ở TPHCM ngày 18/2, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị y tế, bệnh viện trực thuộc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM và hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt chú trọng công tác cứu chữa người mắc bệnh và tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trường hợp phát hiện ca mắc bệnh phải được cách ly điều trị ngay lập tức, điều tra dịch tễ để khống chế ổ dịch. Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, đặc biệt Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM là đơn vị tuyến cuối trong điều trị bệnh dịch cúm ở người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết đã chỉ đạo các khoa phòng sẵn sàng thuốc men, hóa chất để kịp thời tiếp nhận người bệnh khi có dịch.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho biết, nhiều ngày qua Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã tăng cường giám sát sức khỏe của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi và hành nghề giết mổ gia cầm để kịp thời phát hiện và khoanh vùng xử lý trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Hôm qua Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Thú y TPHCM trên các phương tiện vận tải để hành khách kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp phát hiện vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh về TPHCM.
Lạng Sơn: Chốt chặn 24/24 giờ
Trong hai ngày (18 và 19/2), tại tỉnh Lạng Sơn diễn ra hai cuộc họp triển khai công tác phòng chống cúm. Trong khi đó, trên tuyến biên giới, các tổ, đội chốt chặt, cương quyết không để gia súc, gia cầm thẩm lậu từ Trung Quốc vào địa bàn.
UBND tỉnh triệu tập các ngành chức năng như: Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y, lãnh đạo các huyện biên giới: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, TP Lạng Sơn, bàn biện pháp kìm chế các bệnh dịch phát sinh cũng như phát động quần chúng nhân dân không tham gia vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới.
Tại buổi trực tuyến do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 18/2, tỉnh Lạng Sơn hứa sẽ giữ vững phòng tuyến chống dịch ngay tại cửa khẩu, trên lối mòn, lối mở đường biên.
Chi cục trưởng QLTT Lạng Sơn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Chúng tôi tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các các trọng điểm trong tỉnh.
Ở nẻo đường dẫn đến biên giới, các lực lượng chống buôn lậu kiểm tra 24/24 giờ, nhất định không cho gà, vịt thải loại nhập lậu”. “Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn đã thu giữ và tiêu hủy trên 40.000 con gia cầm nhập lậu”- Ông Nghĩa nói.
Không chỉ các đơn vị đang túc trực tại vùng biên, các lực lượng chức năng ở nội địa cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát. Sáng 18/2, tại Km 84, Quốc lộ 1A, Trạm KSGT Tùng Diễn (huyện Chi Lăng) đã phát hiện, tịch thu 650 kg chim bồ câu có xuất xứ từ Trung Quốc không có giấy hợp lệ.
Quảng Ninh: Cấm nhập, nhận, cho tặng gia cầm
Ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác có mặt tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Khi nguy cơ dịch bùng phát ở bên kia biên giới, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện cấm nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm, kể cả trường hợp cho tặng của cư dân biên giới vào địa bàn tỉnh. Tiến hành thành lập 6 chốt kiểm soát liên ngành tại các đầu mối giao thông ra vào tỉnh để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã cấp 20.159 lít hóa chất và chỉ đạo các địa phương phun, phòng, tiêu độc khử trùng 2 đợt (vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014) đối với chuồng trại chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật, các ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ cao.
Đã có 34 lượt ô tô và 93 lượt xe máy chở lợn và gia cầm được kiểm tra, phun thuốc khử trùng trước khi vào địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện và xử lý 74 phương tiện chở lợn, gà và trâu bò không có giấy kiểm dịch và kiên quyết không cho vào địa bàn.
14 tỉnh thành có dịch
Chiều qua 18/2, tại cuộc họp trực tuyến về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện Thủ tướng. Bằng mọi cách ngăn được virus H5N1 đang lan nhanh trong nước, chống xâm nhiễm virus H7N9 từ Trung Quốc.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến chiều qua, cả nước có gần 50 ổ dịch, tại 14 tỉnh thành là Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh là gần 52.000 con, số tiêu hủy gần 66.500 con.