Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp

TPO - Theo  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm… diễn biến phức tạp, có hiện tượng lây lan rộng tại nhiều địa phương.

Tính đến tháng 10/2021, trên cả nước có 100 xã thuộc 29 tỉnh, thành phố có cúm gia cầm, buộc tiêu hủy 377.105 con gia cầm. Khoảng 87 xã của 18 tỉnh, thành phố có gia súc mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó tiêu hủy 348 con. Bệnh viêm da nổi cục cũng xuất hiện tại 448 huyện của 55 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 197.137 con, trong đó phải tiêu hủy 27.507 con.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát mạnh trở lại. Cả nước đã xảy ra 1.834 ổ dịch tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 112.092 con (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020).

Các loại dịch bệnh này đã gây tổn thất lớn về kinh tế, với thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bệnh dại đã làm 42 người tử vong và khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng, gây tổn thất về kinh tế hơn 740 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại,...

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm; xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp giấu bệnh, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng và việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm trái phép, không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; nhất là khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; đồng thời sớm bố trí kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022.