Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 ở cấp trung ương, nhiều tỉnh thành đã triển khai phát động ở cấp tỉnh, với sự tham gia của lãnh đạo cấp tỉnh, các sở ngành, địa phương…
Đặc biệt, tại nhiều tỉnh thành, không phỉ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh, còn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp huyện, xã/phường. Điển hình, tại Thanh Hoá, sau lễ phát động ở cấp tỉnh, TP. Thanh Hoá cũng tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em, chỉ đạo các xã/phường tổ chức các điểm phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Các hoạt động thiết thực và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm huy động, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội hưởng ứng thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bảo đảm các quyền của trẻ em.
Tại Bình Định, các huyện như Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Hoài Ân… tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em và tổ chức Diễn đàn trẻ em với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và ý nghĩa, thu hút nhiều trẻ em và người dân tham gia. Các địa phương còn tổ chức hội thi, hội diễn, trại hè; thăm hỏi, động viên, và trao tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; vận động các đơn vị, cá nhân đóng góp nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp…
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em; thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, địa chỉ tiếp nhận, cách thức thông tin, Tổng đài 111… Bên cạnh tăng cường công tác truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương còn đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, đến từng khu phố, từng nhà dân phổ biến các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả. Trong đó tập trung tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình…
Các địa phương tổ chức nhiều diễn đàn, toạ đàm với sự tham gia của hàng triệu trẻ em trên toàn quốc, nhằm tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng chống bạo hành trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường; Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng…
Điển hình như tỉnh Kon Tum, đã phát hành 11.300 tờ gấp, 1.000 sách mỏng có nội dung tuyên truyền về thực hiện quyền trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Tỉnh Bình Định tổ chức 9 điểm tuyên tuyền cho gần 3.000 học sinh về các kỹ năng tự bảo vệ, như: Các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng; kỹ năng giảm bớt căng thẳng…
Các địa phương cũng quyết liệt triển khai Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, sau lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; lắp đặt biển cảnh báo, biển cấm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã…
Cụ thể như tỉnh Bến Tre, đã tổ chức 15 lớp tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em với sự tham gia của 1.860 học sinh tham dự. Tỉnh Thanh Hóa tổ chức 6 lớp dạy bơi miễn phí cho 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tặng 3 bể bơi; tổ chức “Trại hè - Hành trang cho con”. Tỉnh Lai Châu tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng bơi lội cho hơn 100 học viên; tổ chức Lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước” với sự tham gia của hơn 400 trẻ em…