Địa chấn Hymalaya

TP - Vốn chẳng ưa gì nhau kể từ ngày lập quốc cách đây gần 70 năm, Trung Quốc và Ấn Độ lần này găng nhau chỉ vì một nước láng giềng. Song cái đáng bàn không phải là nguy cơ động binh hiện hữu giữa hai dân tộc đông nhất thế giới sau 50 năm yên ắng mà là cái quy trình được thi triển nhằm áp chủ quyền trên đất người khác.

Ngày 16/6, lính biên phòng Ấn-Trung xô xát khi một nhóm lính TQ chở phương tiện mở đường từ thung lũng Xuân Phi thuộc TQ qua cao nguyên Doklam mà họ gọi là Đỗng Lãng vốn thuộc Bhutan từ xưa. Vấn đề ở chỗ khi TQ chiếm 89 km2 ở Đỗng Lãng, thì  một tuyến đường hẹp như “cổ gà” của Ấn cách đó không xa - hành lang Siliguri nối đất mẹ Ấn với bảy bang phía đông bắc – sẽ bị uy hiếp. Giúp Bhutan bảo vệ Đỗng Lãng ở vùng ngã ba biên giới, bởi thế, được người Ấn coi như giữ lãnh thổ của mình.

Cùng với việc đại sứ TQ tại Ấn Độ La Triệu Huy đòi 3.000 quân Ấn vừa triển khai tại Đỗng Lãng phải rút “vô điều kiện”, TQ tung bản đồ bảo nơi ấy từng thuộc về họ từ cổ đại. Họ còn tuyên bố chính Bhutan cũng thừa nhận điều ấy dù nước này vừa phản đối TQ làm đường. Các tài liệu TQ đều tuyên bố có trước xung đột Trung-Ấn năm 1962 và nhiều trong số đó bị diễn dịch. Khi một phóng viên hỏi “ông có chứng cứ nào từ sau 1962 cho thấy Ấn thừa nhận Đỗng Lãng thuộc TQ không?”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lục Khảng lờ đi tại cuộc họp báo ngày 5/7.

Sự kiện xảy ra đúng lúc Trung-Ấn triển khai nhiều hoạt động hữu nghị chưa từng có tiền lệ, đúng vài ngày trước khi thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ, và lúc cuộc tập trận Ấn-Mỹ-Nhật kéo dài chín ngày ở Vịnh Bengal bắt đầu diễn ra từ hôm nay, 9/7. Gây chuyện với Bhutan có chung 470 km đường biên lúc này, phải chăng TQ muốn cảnh báo Ấn không nên xem nhẹ láng giềng có chung 4.000 km biên giới?

Một số nhà phân tích cho rằng dù gì thì chuyện này cũng để lộ ý đồ bành trướng sang cả Nam Á thay vì chỉ ở Đông Á, Biển Đông. Srikanth Kondapalli, giáo sư Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, cảnh báo thủ đoạn độc chiếm Biển Đông có thể tái diễn ở đây. Trên theguardian.com hôm 6/7, ông lưu ý Bắc Kinh thường sử dụng chiến thuật “thái lát xúc xích” (salami-slicing) rồi từ từ nuốt chửng từng lát lãnh thổ nhỏ mà họ tuyên bố là của mình.

Việc chiếm cao nguyên của Bhutan, nước lấy Đạo Phật làm quốc giáo và phó thác gần như toàn bộ an ninh lãnh thổ của mình cho Ấn Độ có thể dẫn đến cơn địa chấn toàn Hymalaya, mái nhà thế giới.