Kỳ II: Ông Đặng Xuân Ba, người chỉ đúng nơi Quý nằm
>> Kỳ I: 17 năm và những cuộc tìm kiếm vô vọng
Ra tới Đà Nẵng, việc đầu tiên là tôi gặp nhà điêu khắc Phạm Hồng, người bạn thời kháng chiến, nhờ anh phác sơ trên giấy một tấm bia tưởng niệm dự định sẽ dựng bằng đá Ngũ Hành Sơn cỡ nho nhỏ phù hợp với số tiền mà bố con tôi có.
- Phác thảo thì dễ thôi, để làm sau, mà có lẽ cũng chả cần, bây giờ đi tìm đá trước đã.
Phạm Hồng lấy xe máy chở tôi qua bên kia sông Hàn vào Hoà Hải, nơi có làng đá Non Nước nổi tiếng. Vòng đi vòng lại vài lần, bỗng Phạm Hồng ghé vào dừng xe trước một cửa hàng lớn có cái bảng hiệu rất độc đáo NGUYỄN VIỆT MINH, quay lại vỗ vai tôi:
- Chu cha, nhìn này, cái khối đá …
Chếch bên mép cửa hàng, trên nền cát lề đường, một khối đá trắng đặt nằm có dáng tự nhiên rất đẹp, hình trụ, một đầu to thon dần về phía đầu nhỏ, vừa nhìn đã thấy mê. Mê, nhưng ngại. Vì nó quá lớn, đường kính đáy phải đến trên nửa mét, dựng lên thì cao phải đến trên 2 mét. Tôi thì thầm:
- Thích quá, nhưng làm sao mình mua nổi.
- Thì cứ hỏi giá thử coi.
Chúng tôi bước vào cửa hàng, gặp ngay ông chủ ra tiếp. Ông có gương mặt phúc hậu, đượm chút phong trần, trạc tuổi ang áng cũng ngang tôi với Phạm Hồng. Ông cho biết khối đá ấy giá 2 triệu rưởi. Tôi và Phạm Hồng im lặng nhìn nhau.
Phạm Hồng thăm dò: Có bớt được không? Ông chủ bảo không bớt được và giải thích rằng toàn bộ khu vực Ngũ Hành Sơn đã bị cấm khai thác đá, khối đá kia là ông mua từ Thanh Hoá chở vào định sẽ xẻ ra làm tượng nhỏ.
Tôi ghé tai Hồng bảo khẽ: Ông ấy có bớt chắc cùng lắm cũng chỉ vài trăm ngàn, mà chừng đó thì mình cũng chẳng mua nổi.
Hồng bảo, ừ, nhưng mà nó đẹp quá, đúng với mong muốn của mình quá, chỉ cần để nguyên thế thuê thợ khắc văn bia vào, đích thân Hồng sẽ chạm phù điêu chân dung Quý bên trên văn bia rồi dựng lên là được một bia tưởng niệm đẹp và độc đáo hết ý.
Quả thật sau cái phút nhìn thấy khối đá kia hai chúng tôi như bị hớp hồn, không còn thấy một khối đá nào hấp dẫn nổi mình. Hồng lại gạ bớt. Ông chủ bảo bớt cho hai trăm ngàn, và hỏi mua để làm gì?
Trong lúc tôi đang thầm tính đến việc sẽ đề nghị Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản tác phẩm của Quý và ứng trước nhuận bút để bù đắp vào khoản thiếu hụt thì Hồng giới thiệu về tôi với ông chủ, về sự hy sinh của Quý và hoàn cảnh của tôi hiện nay. Nghe xong ông chủ bảo bớt hẳn 5 trăm ngàn, chỉ lấy tròn 2 triệu…
Từ đấy hàng năm tôi đều cố thu xếp mọi việc ở Đà Lạt để về đây một hai lần. Lòng tôi vẫn mơ màng Quý cũng nằm quanh quất đâu đây thôi. Tôi gặp làm việc với UBND xã Hoà Phước xin dỡ bỏ ngôi mộ tượng trưng tại NTLS đằng ấy.
Nhân tiện xin kể thêm, suốt thời gian dựng bia, hễ cứ nghe anh em mách bảo ở đâu có “thầy” là tôi lại tranh thủ tìm đến. Chẳng hạn một buổi tối tôi được dẫn sang Duy Vinh, xã liền kề Duy Thành. Trong ngôi nhà tôn nền đất trống trải, lạnh lẽo và tối om, thấy một ông “thầy” còn trẻ cùng người “phụ tá” ngồi cạnh chiếc bàn gỗ mộc có chiếc đèn dầu liu hiu.
Sau mấy thủ tục đầu tiên (đặt một món tiền nhỏ vào cái đĩa và thắp nhang), thì ông “thầy” duỗi chân vặn mình ợ oẹ, liếc qua cũng thấy ngay là động tác giả, miệng xổ một tràng âm thanh quái dị ra điều là “hồn” đang “phán” đấy, vụng về đến mức tôi cố nén để khỏi phì cười.
Gã “phụ tá” phiên dịch rằng “hồn” bảo nhà ngươi phải cúng một chiếc Dream đời mới thì “hồn” chỉ chỗ cho. Tôi ậm ừ gật gật làm bộ lắng nghe rồi vội cáo lui. Đại khái thế, cái tâm trạng khắc khoải thường trực đã cuốn tôi đến vài ba chỗ hắc ám như thế ở Duy Xuyên, Điện Bàn thời gian ấy.
Mỗi lần về đây tôi được vợ chồng Võ Bắc cho biết, vào các ngày lễ, tết, cơ quan chính quyền, đoàn thanh niên, phụ nữ, văn nghệ địa phương đều có đến đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm Quý.
Việc hương khói thường xuyên thì tuy không nghe kể nhưng tôi biết vợ chồng Bắc luôn chăm lo chu đáo. Đời sống nhà Bắc năm sau đều khá hơn năm trước, Bắc khoe thế. Và đặc biệt, sau ba đứa con gái đầu, năm 1999 vợ Bắc bỗng sinh thêm được thằng con trai…
Tôi ở lại Thi Thại thêm mấy ngày và tìm gặp anh Ba Lữ (Võ Thế Lữ), nguyên xã đội trưởng xã Xuyên Tân (Duy Thành) vào thời gian Quý hy sinh. Tôi gặp anh vì một việc khác, không ngờ lại nhận được một thông tin rất giá trị.
Anh Ba Lữ kể, anh là người đầu tiên dẫn anh em du kích vào thôn 2 (Thi Thại) ngay sau khi bọn Nam Triều Tiên rút đi. Trước đó anh đã được nghe anh em báo cáo khu vực Thi Thại có hai người hy sinh là chị Quý nhà báo và ông Hiểu cán bộ thôn.
Ông Hiểu thì tìm được ngay nhờ thấy một nấm đất đắp sơ sài trên có cắm cây thập giá buộc bằng que tre, còn chị Quý thì không thấy đâu, nhưng gặp một chỗ ruồi bu rất nhiều liền tổ chức đào bới mà cũng chẳng thấy gì ngoài những cành tre gộc tre chồng chất rối bời.
Chi tiết này thật mới đối với tôi, hồi giờ chưa từng nghe ai nói. Tôi vội chở anh Ba Lữ tới thực địa nhờ anh chỉ cho cái chỗ đặc biệt đáng chú ý ấy, và nhờ Bắc, Chính đào ngay.
Không đầy 30 phút sau, ở độ sâu chừng 60-70cm, dưới lòng một giao thông hào đã bị lấp, tôi tìm thấy một tấm dù hoa màu cỏ úa. Chỗ ấy chỉ cách vị trí dựng bia tưởng niệm (giếng đất cũ) hơn 5m.
Chị Nguyễn Thị Một, nay là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam, là người sống cùng những ngày cuối của Quý, do đi công tác trước trận càn nên thoát được, đã xác nhận “đó chính là tấm dù chị Quý đã dùng”.
***
Sau những lần tìm kiếm vô vọng từ năm 1983 đến năm 2000, cuối cùng mới có cơ duyên cho tôi gặp được đúng người cần gặp, đó là anh.
Đầu năm 2006 anh Nguyễn Trung An một lần đến nhà tôi, bảo:
- Ông Quốc à, có việc rất quan trọng tôi cần nói với ông…
Anh Nguyễn Trung An hơn tôi gần chục tuổi, trung tá cựu chiến binh, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng, chúng tôi là đôi bạn vong niên thường qua lại nhà nhau chuyện trò về văn chương, thế sự. Nghe anh nói vậy với một giọng thì thầm hơi có vẻ bí mật, tôi hồi hộp chờ đợi.
- Ông Quốc có nhớ ông Ba, bố vợ thằng Dũ không ?
- Nhớ…
- Ông Ba thế mà có khả năng đặc biệt lắm đấy, ổng đã tìm được nhiều mộ liệt sĩ bị thất lạc, nhưng rất kín tiếng không cho đưa tin. Ông Ba có ngỏ ý riêng với tôi rằng muốn giúp anh Quốc tìm chị Quý, nhờ tôi nhắn: Khi nào anh Quốc sắp xếp được thời gian về Quảng Nam thì cho biết để ông ấy cùng đi.
- Vậy à? Hiện nay anh Ba đang ở đâu?
- Ông bà ấy đã chuyển về Sài Gòn lâu rồi, có nhà dưới ấy rồi, nhưng riêng ông Ba vẫn thuê một căn phòng trong khu tập thể cơ quan ở Đà Lạt đây, bên phường 10, để làm trạm liên lạc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bữa nào ông thong thả tôi đưa sang ổng chơi.
- Dạ, dạ… tôi còn bận ít ngày, để bữa nào rảnh tôi sẽ điện sang anh.
Khoảng mươi hôm sau, một buổi tối, anh An dẫn tôi tới nhà anh Ba. Tôi quen anh Ba từ ngót hai chục năm trước. Ấy là do con rể anh, nhà báo Lưu Hữu Nhi Dũ, lúc ấy vừa tốt nghiệp đại học về làm ở cơ quan tôi, Hội Văn nghệ Lâm Đồng.
Từ khi vợ chồng Dũ chuyển xuống Sài Gòn tôi ít có dịp gặp lại, và anh Ba thì hoàn toàn không gặp nữa từ sau một lần Dũ đưa tôi sang uống rượu với anh bên khu tập thể của nhà nghỉ Công đoàn tỉnh, nơi anh đang công tác sau khi chuyển ngành từ quân đội ra.
Tối hôm đó gặp lại anh Ba tôi mới được biết tên họ đầy đủ của anh là Đặng Xuân Ba. Anh kể, anh người họ Đặng Xuân ở Nam Định, ông nội vào làm quan ở Điện Bàn thời triều Nguyễn, cha lấy vợ Quảng Ngãi, định cư ở Quảng Nam, anh tham gia bộ đội đánh Pháp tại đây rồi tập kết ra Bắc.
Năm 1965 lại đi B, thuộc một đơn vị thông tin của Bộ Tổng hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên. Anh cũng kể, vợ anh, chị Dương Thị Tuyết Minh với Dương Thị Xuân Quý vợ tôi có thời gian cùng học phổ thông cấp 2 ở Hà Nội, vẫn nhớ và hay nhắc lần Quý lên Thái Nguyên công tác đã đến đơn vị thăm Minh khi chị đang trong quân ngũ.
Chúng tôi bàn việc đi tìm Quý.Tôi kể lại vắn tắt về các lần tìm kiếm trước đây. Tôi cũng không giấu việc các chị ruột của Quý đã đến gặp cô Phan Thị Bích Hằng để “gọi hồn”, được nghe lời Quý qua cô Hằng bảo đừng tìm nữa, từ đó tôi và gia đình quyết định ngừng tìm kiếm.
Anh Ba yên lặng một lát rồi hỏi tôi về mọi chi tiết trong những giây phút cuối của Quý. Tôi kể lại tất cả những gì tôi đã được nghe từ Mười và Hải.
Tôi cùng anh Ba xem lại công việc của mỗi người để có thể chắt ra một quãng thời gian hợp nhau cùng về Quảng Nam. Lịch công việc của anh Ba rất sít sao, dày đặc lời hẹn với các gia đình liệt sĩ trên nhiều vùng đất nước. Thế rồi sau mấy lần nữa liên lạc qua điện thoại, chúng tôi thống nhất sẽ lên đường ngày 1/8/2006.
Anh Ba đi xe của vợ chồng anh Thanh, một gia đình liệt sĩ có người em vợ hy sinh ở khu vực đèo Mang Giang, tỉnh Gia Lai, và người anh ruột hy sinh ở một xã thuộc vùng tây Duy Xuyên. Cùng đi có anh Nguyễn Đình Mai, đại tá cựu chiến binh, nguyên thành đội trưởng thành đội Đà Lạt.
Tôi bảo anh Ba cứ đi đèo Mang Giang trước (xuất phát lúc 4h sáng), tôi đi chuyến xe đò buổi chiều về thẳng Tam Kỳ, hẹn sẽ gặp nhau dưới đó sau khi anh đã xong việc ở Mang Giang rồi cùng ra Duy Xuyên.
Tôi đổi xe lúc 7h tối ở Nha Trang, xe chạy suốt đêm và thả tôi xuống Tam Kỳ lúc 6h30 sáng ngày 2/8/2006, thuê xe ôm về trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Nam ở nhờ.
Tôi thổ lộ với anh Nguyễn Bá Thâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội, mục đích của chuyến về lại Đất Quảng lần này, và chuyện này tôi cũng chỉ nói riêng với Thâm, trong gia đình tôi cũng chỉ nói riêng với Thục, vợ tôi, trước khi đi, ngoài ra không ai biết cả, bởi trong lòng hầu như không còn hy vọng, nói ra lại khiến mọi người trông chờ phấp phỏng, điều mà tôi không muốn.
Tối 2/8, tôi gọi điện cho anh Ba. Anh báo tin: Đã tìm được hài cốt liệt sĩ ở Mang Giang, ngày mai sẽ đi theo đường Ngọc Hồi (Kontum) ra Phước Sơn rồi xuống Tam Kỳ.
Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở Tam Kỳ vào ngày mai. Sáng 3/8, tôi thầm tính: Anh Ba đi từ Mang Giang vòng ra Phước Sơn, chắc cũng phải trưa hoặc đầu buổi chiều mới tới Tam Kỳ.
Tính vậy, bèn mượn Nguyễn Bá Thâm chiếc xe máy phóng ra Duy Thành (Duy Xuyên) để thắp hương khấn Quý và nói chuyện trước với vợ chồng Võ Bắc, nhờ Bắc giúp thuê sẵn người chuẩn bị hôm sau (4/8) sẽ đào tìm. Tôi dự liệu việc đào tìm cũng phải vài ba ngày. Tính vậy nên đi người không, trưa sẽ trở lại có mặt ở Tam Kỳ để đón anh Ba.
Nhưng sự việc diễn tiến vượt ngoài mọi dự liệu. Khoảng mười giờ kém, tôi nhận được điện thoại của anh Ba. Anh hỏi: Anh đang ở đâu? Tôi đang trên đường ra Duy Xuyên. Anh đang ở đâu? Chúng tôi đang đi trên đường số 1, đã gần tới Thăng Bình.
Lúc ấy tôi đang dừng xe cách thị trấn Hà Lam huyện lỵ huyện Thăng Bình khoảng hơn 1km, bèn dặn ngay anh Ba: Vậy tôi chờ các anh ở bưu điện Thăng Bình ngay bên đường số 1 chỗ góc ngã tư Hà Lam rồi ta cùng ra Duy Xuyên.
Mười lăm phút sau chúng tôi gặp nhau, tôi chỉ đường cho người lái xe rồi hướng dẫn ra Duy Xuyên, xuống thẳng Duy Thành. Xe đậu ngoài đường cái, gia đình anh Thanh cùng anh Mai ngồi lại trên xe, tôi chở anh Ba bằng xe máy vào thôn Thi Thại. Lúc ấy khoảng 10h30.
Anh Ba đứng trước bia tưởng niệm Quý, đọc văn bia, nhìn quanh bốn phía xem xét địa hình, hỏi lại tôi một lần nữa các chi tiết diễn biến trước giây phút cuối của Quý trong đêm 8/3/1969, bảo tôi chỉ trên thực địa vị trí tìm thấy tấm dù, vị trí bờ tre và giao thông hào xưa kia như thế nào.
Anh cũng hỏi Võ Bắc về địa hình mà Bắc thấy từ khi về ở trên khuôn viên này. Yên lặng một lát, anh Ba bảo: Tôi nghĩ là ở hướng này ! Anh khoát tay chỉ về hướng tây bắc, tính từ vị trí đứng quay mặt vào bia tưởng niệm (bia dựng quay về hướng bắc).
Rồi anh đi về hướng anh vừa chỉ đó, qua cạnh giếng xây, gần bên cây rơm và chuồng bò, qua bụi chuối xuống vườn bắp, vòng qua vòng lại một chặp, trở về trước sân, bảo: Chiều, hai giờ mình làm.
Tôi dặn Bắc thuê giúp người đào, anh Ba bảo: Không cần nhiều đâu, hai người thôi. Bắc nói: Vậy đã có cháu đây, kêu thêm một người nữa thôi. Anh Ba dặn mua ít trái cây, tôi nói Hảo vợ Bắc mua giùm luôn.
Tôi đèo anh Ba trở ra đường cái chỗ xe đậu rồi cùng vợ chồng anh Thanh và cựu đại tá Mai lên một quán cơm trên đường số 1 ăn trưa. Ăn xong mới hơn 12 giờ.
Thấy còn sớm, vợ chồng anh Thanh cũng nóng lòng muốn lên phía tây Duy Xuyên, nơi anh có người anh ruột hy sinh tháng 11/1967, trong giấy báo tử ghi là xã Xuyên Mỹ. Tôi hỏi anh chủ quán cơm: Xuyên Mỹ ngày xưa giờ gọi là Duy gì, thì được cho biết là Duy An.
Trao đổi ý kiến một lát, vợ chồng anh Thanh nhất trí buổi chiều nay anh Ba tập trung tìm kiếm ở Thi Thại, và anh Ba quyết định vào việc sớm, không đợi đến 2 giờ. Chúng tôi trở lại Thi Thại lúc 12h30. Anh Ba đặt đĩa trái cây trước bia tưởng niệm, bảo tôi thắp hương khấn. Thắp xong ba nén hương, tôi khấn:
“Quý ơi, hôm nay có anh Đặng Xuân Ba cùng về đây giúp anh cố tìm em một lần nữa, em linh thiêng hãy cho anh lần này được thấy em, nếu em cho thấy, thì xin cho âm dương”.
Anh Ba hướng dẫn tôi cách cầm và gieo hai đồng tiền cổ trên chiếc đĩa sắt tráng men.Tôi gieo hai lần đều không được âm dương. Bỗng thấy một bàn tay đặt nhẹ trên vai trái, tôi ngoảnh sang, thì ra anh Mai, anh ghé tai tôi bảo nhỏ: Ông quì xuống đã rồi hãy xin. Tôi quì xuống. Bao lâu nay khi cúng giỗ trong nhà hay mỗi lần về đây thắp hương tưởng niệm Quý, tôi chỉ đứng vái rồi cúi xuống cắm hương. Đây là lần đầu tiên tôi quì. Tôi gieo lần thứ ba. Hai đồng tiền hiện ra âm dương.
Anh Ba dẫn tôi đi lên hướng tây bắc cách bia tưởng niệm khoảng 25m, cạnh một bụi chuối chỗ góc vườn bắp, bảo tôi thắp hương và gieo xin âm dương. Tôi gieo và được ngay âm dương.
Anh Ba bảo tôi cắm hương chỗ đó, và anh lấy một que tre cắm làm mốc cách ba nén hương độ hơn gang tay. Xem đồng hồ, anh bảo: Bây giờ 1 giờ kém mười lăm, để 1 giờ mình đào. Chúng tôi vào nhà uống nước trò chuyện một lát đến 1 giờ thì trở ra vị trí ấy.
Nhưng khi Võ Bắc và cháu Nam (gọi Bắc là cậu ruột) sắp động thổ thì anh Ba bảo khoan hãy đào. Anh đứng yên lặng một lát rồi bước đi khoảng hơn 2 m chếch về hướng tây bắc ra rìa bên ngoài vườn bắp và chỉ xuống chân: Đây, đào chỗ này!
Anh bảo tôi đứng thay vào chỗ anh, chỉ tay xuống đất để anh chụp ảnh, rồi lấy xẻng chấn một khuôn hình chữ nhật 2m x 0,70m. Bắc và Nam bắt đầu đào. Ban đầu là lớp đất mượn. Khoảng hơn nửa tiếng sau, hết lớp đất mượn, ở độ sâu hơn 1m, Bắc đưa lên cho anh Ba một mẩu gì đó màu nâu hồng cỡ bằng ngón tay út: Hình như là xương chú ạ.
Anh Ba cầm lấy, nhìn, và bảo: Đúng, xương.Anh đưa tôi coi. Tôi cầm lấy coi, chỉ biết vậy, chưa hiểu thế nào, khẽ hỏi anh Ba: “Sao lại màu nâu hồng anh nhỉ ?”. Anh bảo: “Ở trong đất lâu năm, nó màu như vậy”. Bắc và Nam vẫn tiếp tục đào. Độ hơn 5 phút sau, nhát xẻng của Bắc lật ra một vật gì sáng sáng.
Bắc nhặt lên đưa anh Ba: Hình như cái kẹp tóc, chú à. Anh Ba cầm lấy coi, bảo: Đúng, cái kẹp tóc. Anh lau sạch đất bám trên mặt chiếc cặp bằng đuy-ra, thấy hiện ra hình ngôi sao ở chính giữa, hai bên là hình hoa mai nối tiếp hình trái tim.
Anh gỡ lớp đất bám dày ở mặt sau, thấy lộ ra hai cọng giây thép đã rỉ, bên dưới là một lớp nhựa đệm màu nâu xỉn. Anh dùng ngón tay khơi nhẹ lớp nhựa đã mục, gãy một miếng nhỏ. Anh khơi tiếp. Gãy một miếng lớn hơn.Và…
Trước mắt tôi, trên mặt sau chiếc cặp là hai chữ X Quý. Bên dưới là chữ EI. Anh Ba khều hết lớp nhựa, thấy hai chữ TẶNG CHỊ trước hai chữ X QUÝ.
TẶNG CHỊ X QUÝ
EI
Anh Ba trao chiếc cặp tóc cho tôi. Tôi nhìn dòng chữ có thật đó trên tay mà ngỡ như mình đang trong chiêm bao. Tất cả đều khắc kiểu chữ in, riêng chữ x khắc kiểu chữ thường, như một cánh hoa. Khắc bằng cách dùng vật nhọn, một mũi dao găm chẳng hạn, ấn mạnh xuống từng chấm sâu nối nhau tạo thành chữ.Tôi nghĩ EI chắc là trung đoàn 1.
Chắc một chiến sĩ nào đó của trung đoàn 1 (thuộc sư đoàn 2 Quân khu 5) đã tặng Quý (hôm sau tôi điện hỏi anh Nguyên Ngọc, được anh cho biết thời gian cuối 1968 đầu 1969, có các đơn vị của trung đoàn 1 đứng chân ở Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên).
Điều không thể đã thành có thể. Tôi đã tìm thấy Quý.
Mấy phút sau Bắc nhặt đưa lên hai chiếc khuy áo nhỏ xíu màu xanh lá cây, trên mặt khuy có chữ LEVIS. Rồi tiếp tục đưa lên các mẩu xương lớn hơn. Anh Ba chỉ cho tôi thấy, và bảo, như vậy là đầy đủ tứ chi và một mảnh xương sọ.
Quả thật tôi đã tìm thấy Quý.
Tôi nhìn đồng hồ: 13h50. Từ lúc động thổ đến lúc thấy, không đầy 50 phút. Khoảng gần 9h đêm 8/3/1969 Quý ngã xuống trên mảnh đất này. 2 giờ kém 10 chiều nay, 3/8/2006, sau 37 năm, tôi tìm thấy Quý. Không phải là ngày mai, 4/8, như tôi dự liệu, mà là hôm nay - 3/8/2006.
8/3 - 3/8. Thật lạ, tôi thầm nghĩ.
Lúc này tôi mới gọi điện báo tin cho gia đình, cho Nguyễn Bá Thâm, người luôn có mặt cùng tôi từ cuộc tìm kiếm đầu tiên năm 1983 tới nay. Thâm báo tin lại: Nửa tiếng nữa sẽ có mặt cùng anh chị em Đài truyền hình Quảng Nam và phóng viên Trung Việt của báo Tiền Phong.
Anh Ba hốt hết đất chỗ Quý nằm có màu khác với đất chung quanh, chắc là đã thấm hết trong đó toàn bộ phần còn lại của di hài Quý, chuyển lên tấm vải liệm trắng, trải một lớp dày, đặt trên đó các mẩu xương theo vị trí thân thể, và liệm. Tôi đặt Quý vào chiếc tiểu sành mà cháu Chính (anh rể của Võ Bắc) mua giúp vừa kịp mang về đúng lúc.Tôi đắp cho Quý một lá cờ đỏ sao vàng và đậy nắp tiểu.
Sau khi gọi điện trao đổi ý kiến thống nhất với gia đình, được sự đón nhận của vợ chồng Võ Bắc, tôi cùng hai cháu Bắc, Chính, hai người luôn có mặt với tôi trong các cuộc tìm kiếm từ năm 1995 tới nay, tiến hành cải táng cho Quý ngay sau bia tưởng niệm, nơi từ khi Quý ngã xuống đã thành một địa chỉ tâm linh của tôi.Và của cả bao người.
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên…
Nhà thơ Bùi Minh Quốc