Đi tìm chữ 'chân'

TP - Chung cư chỗ tôi ở chẳng hiểu sao đa phần là người miền Trung, miền Bắc vào Nam định cư, công tác, làm ăn. Nhiều phong tục, khẩu vị, lời ăn tiếng nói, thậm chí cả ứng xử nữa vẫn đậm nét quê cha đất tổ. Có lẽ vì vậy mà quán “Phở Hà Nội chính gốc” mới mở ra trước cổng chung cư rất đông khách.

Quán phở trang hoàng đẹp với nhiều bức ảnh chụp cầu Long Biên, phố cổ, cả những tấm ảnh vệ quốc đoàn hồi giải phóng Điện Biên, ảnh hoa ban Tây Bắc nở bung nữa. Nghe nói quán mới mở giảm giá 30%, nên khách đã đông càng thêm đông.

Chỉ có một điều lạ là chủ quán, nhân viên đều nói tiếng mạn miền trong, đặc biệt cách nấu phở gần giống với nấu hủ tiếu, rất ít vị phở. Thậm chí, bàn nào cũng có thêm lọ đường nhỏ để khách tùy khẩu vị thêm vào. Nhiều loại rau ăn kèm rất mới lạ, không thường dùng chung với phở Bắc, như rau đắng, lá sung chẳng hạn.

Khách đến ăn đông đúc chỉ một tuần, rồi dù chương trình giảm giá cứ kéo dài mà khách ngày càng vắng đến độ mỗi sáng mai chỉ vài ba vị khách lạ ghé vào ăn vì nhìn thấy tấm biển: “Phở Hà Nội chính gốc”.

Nhân lúc quán vắng, hỏi chuyện chị chủ quán, chị mới bảo: “Tôi người Nam, chưa ra Hà Nội bao giờ, cũng chẳng biết nấu phở. Cứ nghĩ chung cư này nhiều người Bắc, người Trung, phải bán món ăn sáng miền ngoài phục vụ nhu cầu, tôi liều mở quán phở. Cách nấu và gia vị, tôi mở mạng ra, tự bắt chước mà làm. Không hiểu sao khách cứ vắng dần, thu không đủ trả tiền điện nước nhân viên chứ chưa nói trả tiền mặt bằng! Sắp vỡ nợ rồi”.

Giữa lúc chị chủ quán người Nam đang thẫn thờ chờ khách, bỗng sát bên mọc lên quán “Bún chả Hà Thành”, rồi quán “Bia hơi Hà Nội”.

Khác với quán phở, chủ quán bún chả và chủ quán bia hơi đều người Hà Nội gốc, có mấy đời bán bún chả, bia hơi. Họ từ ngoài Bắc vào mưu sinh. Dù quán họ không treo lấy một tấm hình Hà Nội, nhưng sáng ra mùi vị món Bắc đã thơm ngát trong sương sớm.

Lập tức, đàn bà đổ xô hết vào “Bún chả Hà Thành”, còn đàn ông kéo nhau sang “Bia hơi Hà Nội” vừa nhâm nhi bia vừa xem bóng đá.

Chị chủ quán “Phở Hà Nội gốc” đeo biển “SANG QUÁN” rất to. Gặp ai chị cũng chia tay, ngậm ngùi. Sắp tới, tôi về quê trồng xoài, nuôi tôm”.

Nhiều người trong chung cư biết chuyện, bảo chị: “Người ta nói làm một nghề cho chín còn hơn chín mười nghề không nên. Chị biết nghề nấu hủ tiếu, sao không làm đi. Chúng tôi thích ăn hủ tiếu lắm, đâu có thể ngày nào cũng ăn phở, uống bia hơi”.

Chị chủ quán và nhân viên bèn dỡ hết tranh ảnh, treo biển: “Hủ tiếu miền Tây hân hạnh phục vụ”. Rồi họ ra chợ mua tranh thủy mặc, trang trí cau giả, tre nhựa. Nhạc thì mở bài “Chuyến đò quê hương”, “Mấy nhịp cầu tre”. Chỉ vài hôm, khách khứa lại tấp nập sớm chiều.

Sự thật có thể “đi vắng”, nhưng rồi sự thật sẽ trở về.

Một bầu sô ca nhạc bảo với tôi: “Một vài ca sĩ giọng cũng tốt, nhưng không hát kiểu của mình mà cứ bắt chước sao cho giống Khánh Ly, Như Quỳnh, Tuấn Ngọc, Lưu Bích. Tới khi Khánh Ly, Tuấn Ngọc… từ hải ngoại về biểu diễn thì họ không còn dám hát những bài đinh của các thần tượng nữa, phải loay hoay tìm các bài khác, tìm phong cách khác”.

Quả thực, danh ca Khánh Ly trở lại sân khấu trong nước, những bản sao Khánh Ly - vốn không hề ít, nhanh chóng bị lu mờ, chìm vào quên lãng.

Người xưa có câu: “Đừng thấy người ăn khoai mà vác mai đi đào”. Nghề nào cũng phải có kinh nghiệm, sinh nghề tử nghiệp, đâu phải “đẽo cày giữa đường” cứ nghe mỗi người một ý, đẽo hỏng hết cả gỗ.