Di tích lầu Bảo Đại sẽ có thêm biệt thự, resort

TP - Sau nhiều lần điều chỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho chuyển đổi hơn 8.200 m2 “đất ở không hình thành đơn vị ở” thành đất thương mại dịch vụ tại di tích lầu Bảo Đại Nha Trang (số 90 Trần Phú, thành phố Nha Trang) để xây biệt thự, resort, nhà hàng...

Cho chuyển đổi đất để xây biệt thự, resort...

Ngày 22/12, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại (số 90 Trần Phú, thành phố Nha Trang) do Cty CP Đầu tư Khánh Hà làm chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư được phép xây 35 căn biệt thự mới (giảm một căn so với qui hoạch cũ) với chiều cao tối đa 5 tầng và mật độ xây dựng gộp tại dự án gần 1,3 ha. Trong đó, hơn 8.200m2 “đất ở không hình thành đơn vị ở” (một khái niệm do tỉnh Khánh Hòa tự sáng tác, dùng để chỉ loại hình đất xây dựng condotel không có trong quy định của Luật Đất đai - PV) tại dự án đã được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để xây 20/36 căn biệt thự. 5 tòa biệt thự có tên là Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng được xây dựng theo kiến trúc của Pháp được bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ khách tham quan.

Cạnh bãi biển đẹp tại di tích lầu Bảo Đại sẽ được xây nhiều nhà hàng, resort... 

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, bảo tồn 5 biệt thự tại lầu Bảo Đại phải tuân thủ quy định hiện hành. Sau khi cải tạo, các biệt thự này sẽ được đưa vào sử dụng với mục đích đón tiếp, trưng bày hiện vật. Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa cho biết: “Việc lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại không dễ, vì nơi này đã giao cho doanh nghiệp làm dự án nhiều năm nay. Trong khi đó, 5 ngôi biệt thự cổ đã bị sửa chữa, cải tạo làm mất đi yếu tố gốc, hiện vật bị thất lạc”.

Tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại Nha Trang cho liên doanh Tổng Cty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Cty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau khi được giao dự án, Cty CP Đầu tư Khánh Hà cho máy móc cạo trọc cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Trong đó, một số vị trí được đào sâu vào lòng đất để xây công trình ngầm. Đến năm 2017, khi các cơ quan báo chí lên tiếng việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp phá nát, UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện.

Bảo tồn 5 biệt thự cổ ra sao?

Tại văn bản góp ý về quy mô dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại ngày 18/3/2020, Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa cho biết, biệt thự Cầu Đá - Bảo Đại được đưa vào danh mục kiểm kê di tích ngày 6/8/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Do đó, di tích này được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hoà đề xuất bảo tồn 5 biệt thự cổ theo hướng bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài; gia cố, phục hồi, cải tạo nội thất nhằm tạo không gian đón tiếp, trưng bày hiện vật. Sở này cũng đề xuất hạn chế tối đa việc san gạt địa hình tại các khu vực xây dựng công trình dự án.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, hiện cả 5 ngôi biệt thự ở lầu Bảo Đại bị xuống cấp do nhiều năm không được trùng tu, bảo dưỡng. Đơn cử như biệt thự Cây Bàng, ngay căn phòng lớn từ cửa bước vào, 4 bức tường bị khoan lỗ chi chít để bắt ốc vít, giăng dây phơi khăn tắm, ga giường. Còn hệ thống cửa thì mục nát, nhiều cánh bị bung hẳn ra, ở chỗ khác thì được gia cố bằng cách lấy thanh gỗ đóng đinh ép lại. Trừ biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt được dọn dẹp để đón khách sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, các ngôi biệt thự còn lại gạch nền đã bong tróc và nhiều nơi bị thấm dột. Ở vị trí trung tâm, một ngôi biệt thự đã bị biến thành văn phòng làm việc của Cty CP Đầu tư Khánh Hà.

Theo KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, việc cấp phép dự án ở di tích lầu Bảo Đại là “sự việc đã rồi và rất khó sửa chữa”. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là tỉnh Khánh Hòa phải làm sao giữ cho bằng được 5 ngôi biệt thự cổ, không để tàn phá thêm.

Khu di tích lầu Bảo Đại Nha Trang có diện tích rộng hơn 12 ha, được người Pháp xây dựng trên núi Cảnh Long vào năm 1923 để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa có quyết định công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.