>> Sau “Bí thư tỉnh ủy”, sẽ có “Chủ tịch tỉnh”
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (cùng nhà văn Thuỳ Linh là người biên tập phim BTTU) dẻo mỏ lẫn dẻo tay lái, chuyện trò bắt tai người nghe thể nào mà khi nhà văn Bảo Ninh rên lên hình như sắp đến Việt Trì rồi các bố ạ thì cả xe mới bừng tỉnh!
Cũng là những thứ chuyện không đầu không cuối muôn thuở của Phạm Ngọc Tiến từng thành danh khi tra tay vào biên kịch những Chuyện Làng Nhô, Cảnh sát hình sự... Nhưng ý chừng để dọa kẻ ngoại đạo như tôi và Bảo Ninh đây chả hạn nên trên chuyến xe này y toàn nhặt chuyện làm phim BTTU ra mà diễn!
Nhưng y không độc diễn... Chuyện của Tiến như khơi mào dắt nối cho lắm thứ khác. Bảo Ninh đặt tay lên vai nhà văn Vân Thảo, hỏi khí không phải ông quê bọ với tôi (nhà văn Bảo Ninh con trai nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ quê Quảng Bình) cơn cớ gì mà ông máu thịt với việc khoán hộ của cụ Kim Ngọc tận đất trung du này? Nhà văn quân đội Vân Thảo, những năm xa từng có tiếng với kịch bản Hương đất sau cứ lịm mãi đi một thời gian dài, nay tái xuất giang hồ với kịch bản phim truyền hình 50 tập BTTU, luôn cái cười hiền ít nói và hình như lành lành như cái tên của ông, tự dưng trả lời Bảo Ninh chả lành tẹo nào.
“Những năm cuối sáu mươi ấy, tôi là người hăng hái đầu tiên trong cấp ủy khi được phổ biến việc khoán hộ khoán chui đã giơ tay lớn tiếng phê phán việc làm phá vỡ quan hệ sản xuất của ông Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Nhưng rồi dần dà thực tế đã mở mắt... Kịch bản BTTU cũng chỉ là nén hương muộn của riêng tôi...”.
Không nói ra nhưng tôi thầm cảm ơn nhà văn Vân Thảo. Cách đây cũng đã 5, 6 năm, tôi có nhận được điện thoại của Vân Thảo hỏi về loạt bài Người xưa của ta nay tôi viết về Bí thư Kim Ngọc... Hơi ngạc nhiên vì loạt bài ấy tôi viết từ năm 2001, có vấn đề gì không?
Nhưng ông cười, đang có một dự định sáng tác mới như ông nói, Kim Ngọc là một ông bí thư kiêm bí ẩn mà hậu thế còn phải giải mã dài dài... Hóa ra Vân Thảo từ hồi ấy đã thai nghén kịch bản bộ phim dài tập mà dân mình mới coi xong BTTU!
Nữ văn sĩ Thùy Linh, đồng biên tập phim với Phạm Ngọc Tiến thì thầm thêm cái đoạn Phó Tổng GĐ Đài truyền hình VN Trần Đăng Tuấn thời gian ấy từng vật vã coi xét kịch bản phim BTTU độ dài hơn ngàn trang A4 để quyết định làm phim ra sao!
Rôm chuyện hơn cả vẫn là đạo diễn Quốc Trọng. Từng neo vào trí nhớ khán giả một thời vai Xuân tóc đỏ trong phim Số đỏ (theo truyện của Vũ Trọng Phụng) nhưng Quốc Trọng không ăn mày dĩ vãng dài dài mà biết vượt thoát khỏi cái bóng Xuân tóc đỏ trở thành một đạo diễn không chìm lút trong mặt bằng đạo diễn của nước nhà.
Bàn tay của đạo diễn Quốc Trọng đã bầu nên tên tuổi của mình trong nhiều phim trong đó có Ngõ lỗ thủng. Cũng chỉ loáng thoáng về chuyện ông Kim Ngọc từng xé rào khoán chui một thuở một thời nhưng khi tiếp cận với kịch bản, Quốc Trọng nói mình đã bị choáng! Choáng vì tầm vóc vấn đề. Rồi choáng bởi khối lượng công việc.
Đầu tiên Quốc Trọng định rinh phần lớn cảnh quay vào khu Tư (?) để nhờ vả một ông bạn vốn hằng tâm hằng sản. Nhưng thấy kích rích nhiêu khê. Rồi may mắn có một buổi gặp. Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng xoè bàn tay gỡ bí cho Quốc Trọng lẫn đoàn làm phim BTTU: “Tôi biết đoàn làm phim không thiếu cảnh quay nhưng nếu phim được thực hiện ở những địa danh của Vĩnh Phúc mà ông Kim Ngọc từng trăn trở vật vã để hình thành nên vấn đề khoán hộ có lẽ vẫn sinh động hơn. Địa phương chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các anh làm việc...”.
Khởi quay từ mùa lạnh đầu năm 2009, phim BTTU được mọi sự góp sức gắng gỏi đã hoàn tất tốt đẹp trong đó có công sức, tiền của của bà con lẫn lãnh đạo địa phương Vĩnh Phúc.
Kiệm lời hơn cả là người đóng vai nhân vật chính của bộ phim, nghệ sĩ Dũng Nhi. Khác với thời gian sắm vai nhân vật Kim Ngọc nghiêm ngắn khoát hoạt, bữa nay Dũng Nhi ngó lạ hẳn vì anh nuôi bộ râu khá tươi tốt. Nghĩ mà ngại bởi ngộ nhỡ cánh đạo diễn như Quốc Trọng đây mà chợt nghĩ ra vai nào có dung mạo cốt cách na ná như ông Kim Ngọc, Dũng Nhi phải phạt bộ râu kia đi thì cũng hơi bị tiếc.
Nghĩa trang Phúc Yên là nơi yên nghỉ của Bí thư tỉnh ủy Kim Văn Nguộc tức Kim Ngọc. Cái năm tôi lên Vĩnh Yên hầu chuyện cụ bà Kim Ngọc để viết bài thì mộ cụ ông vẫn để ở nghĩa trang Phủ Đức trên Việt Trì. Ông Kim Nam, người trai thứ của cụ Kim Ngọc đã đợi chúng tôi. Ngắm ngôi mộ khang trang, ông Kim Nam cho biết người của Nghĩa trang Mai Dịch đã lên đây xây cất theo tiêu chuẩn...
Quanh chỗ nằm của cụ bên nhà tiếp linh, bạt ngàn cơ man nào là mộ. Đây là nghĩa trang của thường dân. Thì cụ Kim Ngọc vẫn cùng thập loại chúng sinh nằm kề!
Trong 6 người con, ông Kim Nam dung mạo lẫn tính cách có vẻ giống bố hơn cả. Mười năm trước, tôi đã ngồi với người con trai thứ này. Một người chịu khó học. Tốt nghiệp Đại học An ninh, anh về công tác tại thị xã quê nhà ở công an Vĩnh Phúc. Một thời gian sau là bí thư thị xã, rồi phụ trách dân vận của tỉnh, rồi GĐ Sở Tư pháp. Kim Nam có cho tôi xem bút tích của cụ nhà. Lá thư bằng văn vần anh nhận được thời gian đang chiến đấu ở chiến trường B2.
Hôm nay nhận được thư con / Khác nào nắng hạn gặp cơn mưa rào/ Bao mùa chinh chiến gian lao/ Nhưng con đã lớn cùng cao với đời/ Mênh mông trái đất vòm trời / Vừa qua mới chỉ bước đời phải đi/ Khuyên con giữ chí kiên trì/ Ta đi đâu phải chỉ vì mình ta/ Tin vui ta viết vài câu/ Gửi người đồng chí bấy lâu xa nhà...
... Khói hương ngày chạp mộ cuối năm Dần bùng lên bảng lảng. Ông Kim Nam chia cho tôi ba nén nói sang thắp cho ngôi bên cạnh. Trên bia mộ nằm kề cụ Kim Ngọc, tôi đọc được những dòng này Vũ Quang Toản (tức Trần Quốc Phi sinh năm 1921 mất năm 1978. Nguyên Phó Bí thư Đảng bộ Vĩnh Phúc, nguyên Phó chủ tịch UBND Vĩnh Phú. Tham gia cách mạng năm 1938. Huân chương Độc lập hạng Nhì. Thì ra nơi yên nghỉ của một vị từng chung lưng đấu cật với ông khoán hộ trong những năm gian khó.
Chủ trương khoán hộ được ghi trong Nghị quyết 68/ NQTU của Tỉnh Đảng bộ (tháng 9-1966) là một sự kiện lớn. Bởi quyết định của Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc giữa những năm sáu mươi về việc khoán hộ, sau đó được ghi vào nghị quyết của Tỉnh ủy là sự đột phá chính xác vào mắt xích chủ yếu nhất của qui trình tổ chức sản xuất tập thể là vấn đề quản lý lao động, một đổi mới quan trọng trong tư duy kinh tế.
Rồi phát hiện quan trọng có giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn ấy đã bị “đình” lại cho mãi năm 1981, có chỉ thị khoán 100 và 22 năm sau (5-8-1988) mới được thể hiện cô đọng súc tích sinh động trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (mà bà con nông dân vẫn quen gọi là “khoán 10”)
... Cụ bà Kim Ngọc, ngạc nhiên chưa, không khác mấy so với mươi năm trước. Hồi ấy, tuổi 81, mà còn mau mắn, minh mẫn với chiếc áo phin màu sáng và búi tóc rất gọn. Bây giờ vẫn minh mẫn thế nhưng dáng đi cú chậm chạp... Chuyện trong thời gian ti vi phát phim BTTU, những người theo đoàn hoặc đi lẻ từ khắp nơi trong nước, trước lúc ghé thăm cụ đó hỏi thăm đến viếng mộ cụ Kim Ngọc như lời kể của cụ bà chép lại có mà đẫy cuốn sách!
Mười năm trước, tôi có nghe bà kể cho nghe một chuyện thế này. Thời điểm cụ ông đã nghỉ hưu, một lần bà đi với ông về Hà Nội. Cùng đi có bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên là phó chủ tịch tỉnh.
Bà nhớ hôm đó ở nhà cụ Trường Chinh, vốn là cơ sở cách mạng ở Đình Bảng đã từng nuôi giấu cụ Trường Chinh, tính tình xởi lởi thẳng thắn lại là chỗ thân gần nên bà Đồng chả ngại gì mà không đặt những câu hỏi đại loại như thế này: “Trung ương đã quá rõ việc khoán hộ trên Vĩnh Phú rồi. Nếu không để cái khoán hộ của anh Ngọc được thực hiện thì dân khéo mà chết đói. Cứ cái đà trên chẳng thông với dưới, dưới tắc ở trên ai còn dám nói thẳng, ai còn dám đến thăm các anh...”.
Cụ Trường Chinh mỉm cười nhẹ nhàng: “chị cứ nói thoải mái, nhưng chớ có đập tay lên bàn như thế với lại nói vừa đủ nghe thôi...”. Mọi người cất tiếng cười vui vẻ... Thế là cuộc thăm trở thành buổi mạn đàm trao đổi về khoán hộ! Bữa đó được bà Đồng “khơi mào’’, ông Kim Ngọc đã trình bày thêm nhiều góc cạnh và sắc thái khác nhau của việc khoán hộ say sưa như thể những buổi ông ngồi với cánh cán bộ tỉnh nhà... Cụ Trường Chinh cũng rất chịu khó lắng nghe...
Những sự chăm chú lắng nghe về khoán hộ ấy đã dằng dặc xuyên qua hai thế kỷ!
Có lẽ cũng đã muộn, cũng phải chăm chú lắng nghe thêm dư luận lâu nay rằng, không ít những tiếng nói của người dân hoặc ở cấp này cấp khác đề nghị nên phong tặng ông Kim Ngọc danh hiệu anh hùng lao động. Hình như ông khoán hộ Kim Ngọc xứng đáng ở vị trí tiên khởi danh hiệu anh hùng thời đổi mới?
Cuối năm Dần