ĐH Đông Đô đào tạo 'láo' văn bằng II Ngôn ngữ Anh: Chỉ tiêu ở đâu ra?

TPO - Những sai phạm của lãnh đạo trường ĐH Đông Đô đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ. Nhưng với dư luận, đường đi của tấm bằng văn bằng II ngôn ngữ Anh quả thật tưởng như rất rõ ràng nhưng hóa ra lại hoàn toàn mờ mịt.
Những sai phạm của lãnh đạo trường ĐH Đông Đô đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ.

Theo quy định  của Bộ GD&ĐT, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục ĐH hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT.

Việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT hoặc của các ĐH quốc gia, ĐH vùng (2 ĐH quốc gia, ĐH Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) đối với các thành viên hoặc khoa trực thuộc, và cũng chỉ ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Các cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 một ngành nào đó thì phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT hoặc với ĐH chủ quản nếu là đơn vị thành viên của ĐH.

Trong văn bản  đề nghị đó, cần nêu rõ số lượng đào tạo văn bằng 2 ĐH cho ngành mà trường muốn đào tạo, quy mô hệ chính quy đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo và chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD&ĐT (hoặc ĐH) sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng ĐH thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.

Quyết định 22 cũng yêu cầu, chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khóa học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD&ĐT và bộ chủ quản để theo dõi.

Như vậy,  Bộ GD&ĐT vẫn quản lý, giám sát đào tạo văn bằng II của các trường ĐH.

Theo một thông tin mà Tiền Phong có được thì hàng năm Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT vẫn nắm được chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô. Theo thông báo trên website của trường ĐH Đông Đô thì trường hiện đào tạo 17 mã ngành văn bằng II, trong đó có ngành Ngôn ngữ Anh.

Nhưng trả lời báo chí từ hồi tháng 6/2019, Bộ GD&ĐT khẳng định Bộ chưa cho phép trường ĐH Đông Đô đào tạo mã ngành ngôn ngữ Anh văn bằng II. Vậy không rõ  khi thẩm định báo cáo chỉ tiêu  cho trường, trách nhiệm của Bộ ở đâu khi để cho trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng II ngành ngôn ngữ Anh chui trong suốt thời gian qua.

Rõ ràng, ngoài quy định tại Thông tư 22 như đã nêu ở trên, thì tại Thông tư 32 năm 2015 và được sửa đổi thành Thông tư 06 năm 2018 về xác định chỉ tiêu của các trường ĐH, Bộ có quy định rất rõ quy trình xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH.

Theo đó, cơ sở giáo dục tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các quy định tại Thông tư này.

Cập nhật đầy đủ và thường xuyên thông tin, số liệu chi tiết về các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, kết quả thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vào phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT.

Công bố công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở dữ liệu và tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đề án tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và các thông tin cần thiết khác của cơ sở giáo dục trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và vào phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT.

Xây dựng báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh (theo mẫu tại các Phụ lục 1 của Thông tư này) và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/01 hàng năm.

Trong phần xây dựng báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT quy định rõ từng hệ đào tạo: Tiến sĩ gồm những ngành nào, Thạc sĩ gồm những ngành nào, ĐH chính quy gồm những ngành nào, Văn bằng II chính quy gồm những ngành nào… Những ngành này lại thuộc nhóm ngành nào trong 7 nhóm ngành đã được quy định.

Vì thế, việc Trường ĐH Đông Đô tự tung tự tác đào tạo văn bằng 2 trái phép (theo tài liệu của cơ quan công an, trường này đã thực hiện tuyển sinh ĐH văn bằng 2 từ năm 2016 đến nay, với hàng nghìn học viên đăng ký theo học, và hiện đã cấp bằng cho hàng trăm trường hợp) mà Bộ GD&ĐT không biết, quả là một câu hỏi không tìm thấy câu trả lời hợp lý.

Tiền Phong cũng đã gửi băn khoăn này đến Bộ GD&ĐT và hiện tại chưa có câu trả lời cụ thể.