Chưa đến 9 giờ sáng, nắng đã gay gắt và nóng hâp hấp như lửa phả lên cánh đồng Bàu Kiên (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai) khiến cho cả cánh đồng lúa xanh cũng trở thành màu vàng lóa dưới ánh nắng mặt trời. Đứng dưới tán cây bên bờ một thửa ruộng để tránh nắng, “phi công” Nguyễn Anh Dũng khởi động bộ điều khiển, lập tức chiếc máy bay không người lái xoay tít 6 bộ cánh quạt, rồi nhẹ nhàng bay lên mang theo nước bảo vệ thực vật 40 lít để bắt đầu công việc của một nông dân.
Dùng máy bay thay nông dân
Điều khiển máy bay ra đầu thửa ruộng, bay theo đường thẳng, Dũng bắt đầu khởi động chức năng phun thuốc. Chiếc máy bay là là, cách mặt ruộng lúa khoảng 4 mét, phun đều nước thuốc như màn sương phủ xuống ruộng, sức gió từ cánh quạt máy bay làm cho thân cây lúa khẽ ngả ra đón nhận lượng thuốc được phun đều từ lá đến thân và gốc. Bay đến cuối thửa ruộng, Dũng cho máy bay ngược trở lại theo đường vừa bay để đảm bảo không một chỗ nào bị sót. Bay khoảng 4 lượt, lượng thuốc trong bình đã cạn, Dũng cho máy bay trở về đáp xuống đất, pha lượt thuốc khác rồi tiếp tục bay khởi động. Trong khoảng 15 phút bay và tiếp thuốc, “phi công” Dũng đã phun kín 2 ha ruộng lúa. Tất cả thông số đều thể hiện rõ trên màn hình bộ điều khiển cầm tay.
Trò chuyện với chúng tôi, bố của “phi công” Dũng, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Bàu Kiên cho hay, hiện đang vào thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ diện tích lúa trên cánh đồng Bàu Kiên 150 ha cần phải phun thuốc đồng loạt. Với hai người vận hành, mỗi ngày máy bay sẽ phun được hàng chục ha ruộng lúa. “Việc đưa máy bay vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã hoàn toàn thay đổi, tập quán sản xuất của bà con nơi đây. Nhất là trong điều kiện thiếu nhân công lao động như hiện nay”, ông Hùng khẳng định. Không những thế, theo ông Hùng, điều quan trọng hơn hết là đảm bảo sức khỏe cho nông dân khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật như cách bơm xịt trực tiếp như trước đây. Bên cạnh đó, lúa được gieo sạ, xử lý đồng bộ nên ngăn ngừa sâu bệnh tốt và thu hoạch đồng loạt cùng thời điểm đã mang lại năng suất cao.
Ông Hùng tính toán, từ khi sử dụng máy bay đã giảm khoảng 30% nhân công sản xuất trực tiếp; lượng thuốc sử dụng giảm, nhưng hiệu quả lại tăng khi thuốc được phun đều, thời gian tác dụng của thuốc nhanh hơn và lúa thu hoạch cho năng suất cao hơn từ 5-6 tấn/ha lên 7-8 tấn/ha. Đồng thời giá lúa không còn phải phụ thuộc vào thương lái.
“Nhẹ gánh” nhờ chuyên môn hóa
Kể về cơ duyên đầu tư máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp, ông Hùng cho hay, ở mảnh đất vùng sâu của huyện miền núi Định Quán này có ai biết gì máy móc, công nghệ. Người dân từ tứ xứ đến đây lập nghiệp, mỗi người canh tác một kiểu, do vậy cánh đồng lớn, màu mỡ nhưng bao nhiêu năm qua sản xuất manh mún, da beo không mang lại hiệu quả. Hạt lúa làm ra, mùa được, mùa mất, giá cả bán ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Chỉ đến khi, vào 3 năm trước, Phòng Nông nghiệp Định Quán đưa một doanh nghiệp chuyên về công nghệ sản xuất nông nghiệp đến hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm luôn đảm bảo cao hơn giá mua của thương lái, bà con nơi đây mới tiếp cận được nhiều kỹ thuật sản xuất và tham gia Tổ hợp tác nông nghiệp để cùng sản xuất có hiệu quả.
Trong đó, ông Hùng tâm đắc nhất với mô hình sử dụng máy bay phun thuốc. “Qua mấy vụ sản xuất, thực tế cho thấy mô hình máy bay trong sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả”, ông Hùng nói. Từ đó, ông Hùng quyết định đầu tư khoảng 800 triệu đồng mua 2 máy bay để phục vụ sản xuất của gia đình và bà con địa phương. Anh Dũng, con trai của ông Hùng học xong đại học ở TP HCM cũng về phụ trách điều hành kỹ thuật máy bay không người lái, cùng cha điều hành hoạt động Tổ hợp tác nông nghiệp Bàu Kiên với hàng chục nông dân tham gia.
Đi hết tuyến đường nội đồng của cả cánh đồng 150 ha rộng bát ngát, nhưng ít có nông dân hiện diện dưới đồng lúa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Định Quán Vũ Mạnh Dương tâm đắc: “Nông dân trồng lúa ở đây đã nhàn nhã rồi, nước thì có thủy lợi dẫn đến tận ruộng, phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ đã có máy bay rồi, thu hoạch thì có máy gặt đập và doanh nghiệp đến mua lúa ngay tại đồng. Trong đó, ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đã thay đổi lớn”.
Từ những hoài nghi ban đầu về hiệu quả của máy bay phun thuốc, đến nay 98% chủ ruộng lúa trên cánh đồng Bàu Kiên đã tin tưởng sử dụng dịch vụ này. Ngoài phục vụ cho cánh đồng Bàu Kiên, máy bay không người lái còn được ông Hùng đưa đi bay dịch vụ ở những cánh đồng lớn của các hợp tác xã sản xuất khác trên địa bàn nhiều huyện trong tỉnh như Định Quán, Tân Phú và sang cả huyện Đức Linh của tỉnh Bình Thuận.
Bà Nguyễn Thị Tiên, một nông dân trong Tổ hợp tác Bàu Kiên cho biết, gia đình có 9 sào ruộng, nhưng chỉ có hai công làm, hầu hết công đoạn sản xuất, thu hoạch đều có máy móc của Tổ hợp tác, nên không tốn sức lao động. Ngoài ra, giống lúa, phân bón cũng đều được Tổ hợp tác cung ứng, chỉ đến khi thu hoạch mới trả vốn, nên cũng không lo về vốn đầu tư.
Nói về quá trình xây dựng Tổ hợp tác nông nghiệp Bàu Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Định Quán Vũ Mạnh Dương cho biết, để vận động bà con tham gia vào tổ hợp tác là cả một quá trình vận động suốt thời gian dài. Từ hiệu quả thực tế, người nông dân ở đây đã tích cực đồng thuận, hưởng ứng áp dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện Phòng Nông nghiệp Định Quán đang hướng dẫn Tổ hợp tác thành lập hợp tác xã. Ngoài sản sản xuất lúa, hợp tác xã sẽ có thêm sản phẩm gạo sạch và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để trồng nấm.