Đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

TP - Tổng hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh thành, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bình quân trên cả nước xấp xỉ 95%. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia không thực sự cần thiết nếu duy trì cách làm như hiện nay.

Những cú vượt ngoạn mục

Lần đầu tiên, một kỷ lục được ghi vào lịch sử thi cử nước ta: có nơi toàn tỉnh đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT 100%. Địa phương đạt được kỳ tích đó là Quảng Bình. Điểm lại kết quả thi tốt nghiệp bổ túc THTP những năm qua của tỉnh này sẽ cho thấy những nỗ lực phi thường.

Năm 2007, năm đầu tiên cả nước thực hiện phong trào "hai không" (nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với tiêu cực trong thi cử), tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT của tỉnh này chỉ đạt 6,65% - xếp thứ 55/64 tỉnh thành.

Nhưng chỉ 4 năm sau, với tốc độ tăng trưởng 19 - 30 %/ năm, hiện nay Quảng Bình là địa phương duy nhất có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT tuyệt đối. Trong số 643 thí sinh dự thi, không có một em nào trượt. Trong khi đó dù kết quả tốt nghiệp bổ túc THPT cả nước nhìn chung đều cao nhưng vẫn có khoảng 21 địa phương đạt tỉ lệ đỗ dưới 80%.

Tuyên Quang, một địa phương khác cũng có cú vượt ngoạn mục tương tự. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của Tuyên Quang đạt 99,76%, xếp thứ ba toàn quốc, chỉ sau Nam Định và Ninh Bình. Kết quả của Tuyên Quang tạo ấn tượng không chỉ bởi đây là một tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn mà còn bởi năm đầu tiên thực hiện "hai không", đây là tỉnh có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất toàn quốc: 14,2%.

Ngoài hai tỉnh trên, một loạt địa phương khác cũng có sự tăng trưởng ấn tượng về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp kể từ năm 2007 đến nay: Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hoà Bình....

Nếu như những năm trước là thời kỳ bứt phá về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của các tỉnh phía Bắc thì năm nay, "điểm nhấn" thuộc về các tỉnh phía Nam: Cần Thơ (từ 86% năm ngoái lên 97,74% năm nay), Kiên Giang (từ 74,13% lên 97,34%); Bạc Liêu (từ 85,34% lên 95,48%); Trà Vinh (từ 78,46% lên 91,87%); Sóc Trăng (từ 75,29% lên 90,74%)....

Đặc biệt, đồ thị tăng trưởng tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT năm nay của hàng loạt tỉnh, thành so với năm ngoái gần như dựng đứng: Điện Biên (từ 21,05% lên 91,17%); Kiên Giang (từ 19,38% lên 86,84%); Lâm Đồng (từ 44,56% lên 96,59%); Bắc Kạn (từ 43,64% lên 88,86%); Cà Mau (từ 44,47% lên 84,75%).v.v...

Căng thẳng, tốn kém

Căn cứ vào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm ngoái và năm nay, theo nhiều chuyên gia và quản lý giáo dục, việc duy trì tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT như đang thực hiện là không thực sự cần thiết. Dù các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, việc tổ chức thi cử được thực hiện nghiêm túc, kết quả thi là thực chất nhưng không ai dám khẳng định tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là thước đo đáng tin cậy đo lường chất lượng giáo dục phổ thông của từng địa phương.

"Kết quả thi còn phụ thuộc từng lứa học sinh, vì thế năm nay có thể đạt 99% nhưng sang năm có thể thấp hơn", ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang giải thích khi phóng viên đề cập vị trí đỗ tốt nghiệp cao thứ 3 toàn quốc mà tỉnh này đạt được.

Theo nhiều chuyên gia, với mục đích duy nhất là dùng kết quả của kỳ thi để đánh giá/ chứng nhận quá trình học tập 12 năm học phổ thông cho học sinh như hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia là không cần thiết.

"Hàng loạt tỉnh đỗ tỉ lệ 98 - 99%, nghĩa là một ngàn thí sinh đi thi chỉ có 10 - 20 thí sinh bị trượt. Tỉ lệ bình quân cả nước khoảng 95%, nghĩa là trong một triệu thí sinh đi thi chỉ khoảng 50.000 em trượt. Liệu có cần tổ chức một cuộc thi rầm rộ, cả triệu em đi thi cùng lúc, hàng chục nghìn giám thị cùng coi thi kèm theo hàng nghìn nhân viên phục vụ, hàng nghìn nhân viên an ninh...?

Chưa hết, để tổ chức một kỳ thi quốc gia, phải tổ chức ra đề, in sao đề, kèm theo là cả ngàn người bị cách ly với cuộc sống bên ngoài từ nửa tháng tới cả tháng trời... Theo tôi, với mục tiêu thực tế rất hạn chế của kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi không đáng gây lãng phí và căng thẳng cho toàn xã hội đến vậy", GS Văn Như Cương bình luận.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, không nhất thiết phải bỏ thi mà nên tổ chức kỳ thi theo một cách khác.

"Cách thi như hiện nay thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của toàn ngành đối với chất lượng giáo dục của từng cơ sở giáo dục. Dù tổ chức thi nghiêm ngặt, giám thị, thí sinh đều phải học quy chế nọ kia nhưng trên thực tế trong phòng thi các em có thái độ dự thi thế nào chỉ giám thị biết. Học để ứng thí là tâm lý chung của toàn xã hội. Vì thế, dù giáo viên rất cố gắng nhưng học sinh vẫn không chịu học vì tự tin sẽ đỗ tốt nghiệp trong khi mục tiêu của các em chỉ đến thế. Theo tôi, nếu tin cậy giao phó cho các trường, giáo viên đánh giá học sinh của mình sau một thời gian trực tiếp dạy dỗ các em, hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn", hiệu trưởng một trường THPT có đầu vào thấp ở Hà Nội chia sẻ.

Theo Báo giấy