'Đêm thiêng liêng' Hỏa Lò và khát vọng tự do, độc lập

TP - Những “Đêm thiêng liêng” nối tiếp mỗi ngày tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) do nhóm cán bộ, nhân viên của di tích còn rất trẻ thực hiện đang thực sự lan tỏa giá trị lịch sử, tái hiện hình ảnh anh hùng bất khuất của các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tra tấn, tù đày…

Đổi mới hoạt động

Những năm gần đây, với sự nỗ lực kéo người trẻ lại gần hơn với lịch sử của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên Ban Quản lý Di tích Hỏa Lò, ngày càng có nhiều du khách, các bạn trẻ đến đây tham quan, tìm hiểu về lịch sử.

Sau khi xây dựng fanpage và đổi mới content (nội dung) theo hướng mới mẻ kích thích sự ham tìm hiểu của du khách, chiến dịch quảng bá của Di tích đã gặt hái thành công bước đầu. Những “Đêm thiêng liêng” lần lượt được ra đời với nội dung được tái hiện từ những câu chuyện lịch sử hào hùng có thật, được chọn lọc, kiểm chứng rất nghiêm ngặt đã tạo nên tiếng vang, bồi đắp tình yêu lịch sử của không ít bạn trẻ,...Trong đội ngũ những người thực hiện “Đêm thiêng liêng” ấy có rất nhiều bạn trẻ vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng hằng ngày cháy hết mình với khát vọng mang lịch sử đến gần với mọi người.

Thanh Thư (sinh năm 2002) - một cô gái xinh xắn và dễ thương hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Văn hóa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trước khi biết đến công việc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Thanh Thư cũng như những người bạn đồng trang lứa khác, luôn hết mình với việc học tập trên giảng đường và dành thời gian theo đuổi niềm đam mê với nghề dẫn chương trình.

"Đêm thiêng liêng" tái hiện sự tàn ác của nhà tù thực dân.

Sở hữu giọng đọc truyền cảm, cô bạn Thanh Thư từng đảm nhận vai trò MC cho một số chương trình trong và ngoài trường học. Trong thời gian theo đuổi đam mê đó, Thanh Thư may mắn được gặp gỡ cô Trưởng khoa Du lịch và được cô giới thiệu cho công việc thuyết minh “Đêm Thiêng Liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

“Lần đầu tiên đến Hỏa Lò với vai trò là một người tham quan, tôi đã rất hào hứng và muốn khám phá về một nhà tù kiên cố do thực dân Pháp xây dựng giữa lòng Thủ đô. Đến nơi đây, tôi có thêm nhiều kiến thức lịch sử, tôi biết được để có được hòa bình, tự do như ngày hôm nay, ông cha ta đã phải hy sinh biết bao xương máu và hạnh phúc của chính mình”.

Thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) từ năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Nhà tù Hỏa Lò có quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Tù nhân bị giam tại nhà tù Hỏa Lò bị áp một chế độ tù hà khắc, chịu mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, đánh đập dã man như bị giam vào ngục tối, bị xích bằng cùm đôi ....

Tại đây, thực dân Pháp đã từng giam cầm hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam ở khắp các tỉnh thuộc xứ Bắc Kỳ và nhượng địa Đà Nẵng, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười,...

Hoàng Lan Anh (sinh viên năm 4 chuyên ngành Báo Phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng được một người bạn giới thiệu cho công việc điều hành đoàn tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Chưa từng đi làm thêm ở đâu nhưng khi nghe đến công việc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Lan Anh đã hào hứng ứng tuyển ngay và gắn bó cho đến bây giờ.

Trong nhóm thực hiện chương trình có những bạn lần đầu đặt chân “địa ngục trần gian” một thời giữa lòng Thủ đô họ như sống lại với lịch sử, bị cuốn vào những dòng chú thích, những mẩu chuyện nhỏ in bên dưới từng tấm ảnh trắng đen đã mờ dần theo thời gian... Qua những lần được gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử, được lắng nghe những hồi ức chiến đấu hy sinh qua những nhân chứng kể lại, nhiều bạn trẻ đã không cầm được nước mắt.

Kết nối lịch sử

Để có thể gắn bó với công việc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, mỗi một thành viên tham gia chương trình đều luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân và không ngừng cố gắng.

Điều hành đoàn như bạn Hoàng Lan Anh với nhiệm vụ đón tiếp khách tham gia, thiết lập tua đêm với nhiều khâu chuẩn bị luôn được thực hiện nghiêm túc, kỹ càng, không bỏ sót dù chỉ một chi tiết nhỏ.

“Mỗi vị trí đều quan trọng! Để tạo nên một tổng thể chương trình hoàn chỉnh nhất thì cần phải có sự gắn kết và phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp giữa các vị trí. Việc truyền tải lịch sử đến với nhiều người là điều đội ngũ nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò hướng đến, không phải chỉ riêng mình. Với mong muốn để mọi người hiểu và yêu thêm lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, mình đã luôn cố gắng để khách tham gia chương trình “Đêm thiêng liêng” có một trải nghiệm trọn vẹn nhất”, Hoàng Lan Anh chia sẻ.

Poster giới thiệu chương trình “Đêm thiêng liêng 2”

Để có thể chạm vào trái tim người nghe, thuyết minh viên như Thanh Thư luôn nỗ lực rèn luyện giọng nói sao cho phù hợp với từng bối cảnh.

Ngoài ra, Thanh Thư còn đảm nhận vai trò người lan tỏa chương trình Đêm Thiêng liêng cho du khách tham quan vào ban ngày: “Tham gia lan tỏa chương trình ý nghĩa này đến nhiều người khiến tôi vô cùng hạnh phúc”.

Là diễn viên kiêm quản lý diễn viên tại tua “Đêm Thiêng liêng”, anh Lâm Cương cũng luôn thôi thúc bản thân mình phải tìm cách tiếp cận và đổi mới cách diễn sao cho “thật” nhất.

“Mỗi phân cảnh lại cần một cung bậc cảm xúc riêng nên để có được những cảnh diễn chân thật cho từng câu chuyện, chúng tôi đã trải qua hàng tháng trời tập luyện. Trong quá trình tập luyện, những bạn diễn viên trong đó có cả tôi cũng nhận được nhiều góp ý của các cựu tù chính trị và ban lãnh đạo di tích về các tình tiết câu chuyện và sau đó về nghiên cứu kỹ lại rèn giũa vai diễn sao cho hợp bối cảnh lịch sử. Chỉ có như vậy, khán giả mới cảm nhận được sự thiêng liêng, hào hùng; mới thấy rõ được những đau thương, gian khổ, mất mát của các chiến sĩ cách mạng nơi nhà lao”, diễn viên Lâm Cương chia sẻ.

Kể từ lúc đồng hành với tua “Đêm thiêng liêng”, anh Lâm Cương đã chính mình đảm nhận nhiều vai diễn như cai ngục, tù chính trị...

“Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tái hiện lại những giai đoạn hào hùng của cha ông tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong tất cả những vai diễn tôi từng diễn Di tích Nhà tù Hỏa Lò, lần tôi vào vai cụ Nguyễn Đức Cảnh để lại trong tôi ấn tượng nhất. Càng tìm hiểu sâu về cụ Nguyễn Đức Cảnh tôi càng thấy cảm phục và kính nể. Tuy tuổi đời lúc hoạt động kháng chiến của cụ còn rất trẻ nhưng tôi cảm nhận rất rõ được một con người can trường, bất khuất”, diễn viên Lâm Cương bộc bạch.

Đêm thiêng liêng diễn ra mỗi ngày chính là sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, lan tỏa giá trị lịch sử và khát vọng tự do, độc lập của các thế hệ người Việt.