Đề xuất táo bạo cứu hộ voi nhà

TP - Một thời Tây Nguyên lừng lẫy với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, giờ đây, bóng dáng oai vệ của loài động vật to lớn, thông minh nhất hành tinh đã thưa nhiều trên vùng đất nhuốm màu sử thi, huyền thoại. Các chuyên gia bảo tồn đưa ra đề xuất táo bạo – cứu hộ voi nhà nhằm giữ vững biểu tượng văn hóa trước nguy cơ tuyệt chủng.
Voi vươn vòi tìm thức ăn trong lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Thương

Những ngày này, Tây Nguyên đang gồng mình chống dịch COVID-19, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, trong đó có du lịch. Nhờ đó, những chú voi không còn phải oằn mình chở khách, đổi lại chúng được chủ nhân thả vào rừng nghỉ ngơi, dưỡng sức. Đây được xem là “cơ hội vàng”cho đề xuất táo bạo - cứu hộ voi nhà của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk (nơi có số lượng voi nhà lớn nhất Việt Nam).

Ông Huỳnh Trung Luân- Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk (TTBTVoi) cho biết, giải pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số lượng voi nhà suy giảm nghiêm trọng cả số lượng lẫn chất lượng. Từ 500 con (năm 1980), đến nay đàn voi nhà chỉ còn 37 cá thể, hầu hết quá tuổi sinh sản nhưng chưa một lần sinh con. Suốt 10 năm từ khi thành lập, trung tâm bắt tay vào quá trình nghiên cứu, chữa vô sinh cho đàn voi nhà.

Theo ông Luân, chính sách cứu hộ voi nhà (trung tâm trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk) đã được phổ biến ở những nước có voi như Indonesia, Malaysia... Chủ voi sẽ được hỗ trợ kinh phí cho thời gian chăm sóc từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/con; ngoài ra, người chủ còn được trả công hàng tháng để chăm sóc lại chính chú voi từng sở hữu. Sau khi được cứu hộ, đàn voi được chăm sóc, thả vào khu rừng bán hoang dã tái đàn tự nhiên, cho sinh sản và phát triển mô hình du lịch voi thân thiện (ngắm voi từ xa).

“Việc bảo tồn voi rất có ý nghĩa nhưng theo tôi cần hình thức triển khai phù hợp, đạt 3 mục tiêu: Cho đàn voi khỏe mạnh, sống lâu dài; thỏa mãn được nhu cầu tham quan của du khách; đảm bảo mức sống ổn định cho chủ voi. Bởi, nhiều cá thể voi thuộc sở hữu của cá nhân, dòng tộc, voi được coi như một thành viên trong gia đình, là nguồn thu chính hoặc duy nhất để nuôi sống gia chủ”.

Ông Vũ Minh Thoại

Dưới góc độ văn hóa, ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) rất ủng hộ chính sách cứu hộ voi nhà, triển khai mô hình voi thân thiện. Bởi, voi có ý nghĩa đặc biệt với các dân tộc Tây Nguyên, là niềm tự hào của cư dân bản địa Buôn Đôn với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Trong kháng chiến, voi góp sức vận chuyển lương thực, đạn dược; trong đời sống, voi giúp dân kéo gỗ, dựng nhà... Voi được coi như thành viên trong gia đình, được đặt tên, cúng sức khỏe... Nhà nào có voi là nhà giàu.

Hiện tại, voi đóng góp rất lớn cho ngành du lịch.Theo ông Thoại, chỉ cần cònvoi đi trên vùng đất Buôn Đôn đã là điều tuyệt vời. Liên quan đến voi, có rất nhiều câu chuyện nửa thực nửa hư về dũng sĩ săn voi, gia tộc sở hữu nhiều voi... Đến Buôn Đôn, du khách rất muốn tận mặt chứng kiến nhưng đó là những huyền tích xảy ra từ lâu, hiện thực chỉ dừng lại ở lời kể và những con voi nhà chở khách.

Cũng tâm huyết bảo tồn đàn voi Tây Nguyên, Tiến sĩ Cao Thị Lý - Giảng viên Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ câu chuyện thực tế khi sang SriLanka dự hội thảo. Đảo quốc này phát triển du lịch rất mạnh gắn với cứu hộ và bảo tồn voi. Trại voi bắt đầu từ 5 con voi bị thương, lạc bầy được cứu hộ, chăm sóc, hỗ trợ sinh sản, đến nay đã thành đàn đông đúc. Ngành du lịch phát triển với các hoạt động: Ngắm voi, chăm sóc, cứu hộ voi, lấy các sản phẩm từ voi làm đồ lưu niệm... mà không tổ chức cưỡi voi.