Đề xuất sửa quy định về đăng kiểm, trao quyền cho địa phương

TPO - Thay vì các quy định tập trung quyền cấp phép thành lập mới, cấp lại giấy phép cho các trung tâm đăng kiểm thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề xuất mới sẽ chuyển quyền này về Sở GTVT các địa phương. Cùng đó, đề xuất các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, đăng kiểm quốc phòng, công an được cung cấp dịch vụ đăng kiểm…

"Cởi trói" các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Dự thảo nghị định này được xây dựng theo thủ tục rút gọn. Mục tiêu Chính phủ giao là nghị định trên có thể ban hành ngay trong tháng 4 này, nhằm giảm tải hoạt động đăng kiểm sau những sai phạm bị phát hiện, xử lý thời gian qua.

Cụ thể, trong dự thảo nghị định trên, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi quy định về nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới (điều 4). Theo đó, trường hợp hệ thống đăng kiểm dân sự không đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, các cơ sở, nhân lực kiểm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới dân sự.

Đặc biệt, quy định mới chỉ nêu nguyên tắc của hoạt động kiểm định phải đảm bảo độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Với sửa đổi này, sẽ không ràng buộc về tính độc lập của trung tâm đăng kiểm với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô; cho phép các cá nhân, tổ chức đồng thời kinh doanh vận tải, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô được cung cấp dịch vụ đăng kiểm (thay vì khống chế không được góp vốn quá 10% vào trung tâm đăng kiểm như quy định cũ).

Với sửa đổi trên, Bộ GTVT lý giải, để huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, như cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô chính hãng của nhà sản xuất ô tô… được tham gia cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Bộ GTVT chính thức lấy ý kiến sửa đổi nhiều quy định liên quan tới hoạt động đăng kiểm theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, thay vì tập trung vào Cục Đăng kiểm như quy định cũ (Ảnh: Phạm Thanh).

Về điều kiện chung của các trung tâm đăng kiểm, dự thảo mới bỏ quy định phải đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm, chỉ cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo nghị định này.

Bỏ rào cản số lượng xe tối đa được kiểm định

Với bộ máy và nhân sự đăng kiểm, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi theo hướng giảm nhân sự, cụ thể: Có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định; tối thiểu 1 đăng kiểm viên bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định; mỗi dây chuyền kiểm định tối thiểu 2 đăng kiểm viên. Bỏ quy định cũ, như mỗi dây chuyền phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên bậc cao, bỏ quy định mỗi phụ trách dây chuyền chỉ được kiêm nhiệm tại 2 dây chuyền.

Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất, cơ quan cấp giấy phép mới, cấp lại, đình chỉ dây chuyền kiểm định, giấy phép hoạt động đăng kiểm được trao về cho Sở GTVT các địa phương thay vì Cục Đăng kiểm như quy định cũ. Thời hạn tạm đình chỉ từng dây chuyển kiểm định khi có vi phạm, không đáp ứng điều kiện cũng sửa đổi cố định là 3 tháng, thay vì quy định có thể tạm đình chỉ từ 1-3 tháng như quy định cũ, để tránh sự tuỳ tiện, tiêu cực trong xử lý vi phạm của các trung tâm đăng kiểm.

Về điều kiện thời gian thực tập nghiệp vụ để được thi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên, ngoài quy định tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ như cũ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cho phép quy đổi thời gian làm việc tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô sang thời gian thực hành. Cụ thể, thời gian làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trong thời gian từ 12-24 tháng được tính là 6 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm (chỉ phải thực tập đăng kiểm thêm 6 tháng); làm việc trên 24 tháng được tính là 9 tháng thực tập (chỉ phải thực tập đăng kiểm thêm 3 tháng).

Đơn vị soạn thảo nhận định, với sửa đổi như trên, những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm, giúp giảm thời gian thực tập nhưng vẫn đảm bảo năng lực chuyên môn.

Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ quy định giới hạn số lượng xe ô tô được kiểm định của mỗi dây chuyền kiểm định, đơn vị đăng kiểm (Điều 26, Nghị định 139). Với sửa đổi này, mỗi dây chuyền kiểm định, trung tâm đăng kiểm sẽ được thực hiện kiểm định số lượng xe theo khả năng thực hiện, số giờ hoạt động thực tế của đơn vị.

Dự thảo nghị định sửa đổi trên của Bộ GTVT cũng bổ sung thêm trách nhiệm giao về Sở GTVT địa phương, trong đó có nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc Cục Đăng kiểm được giao về địa phương. Trường hợp Sở GTVT địa phương chưa thực hiện được một số thẩm quyền theo quy định mới phải có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm tiếp tục thực hiện, nhưng việc chuyển giao nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 1/1/2025. Sửa đổi này, Bộ GTVT lý giải, để Sở GTVT các địa phương có thời gian chuẩn bị sau khi được phân cấp, phân quyền.

Trước đó, để gỡ vướng, giảm tải cho hoạt động đăng kiểm sau khi nhiều nhân sự, trung tâm đăng kiểm bị khởi tố điều tra vi phạm, Bộ GTVT cũng ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021 về đăng kiểm phương tiện ô tô. Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 22/3/2023, trong đó có quy định miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, kéo dài chu kỳ đăng kiểm…

Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng bãi bỏ một số điều khoản đã có ở các nghị định khác. Cụ thể, bãi bỏ điều điều 17, 18, 21, 22, 23... do đã có quy định ở Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.