PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".
Một số chuyên gia về ngôn ngữ khẳng định PGS.TS Bùi Hiền không phải người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Nhiều đề xuất tương tự đã được nêu ra trong hàng chục năm qua.
Đề xuất này của PGS.TS Bùi Hiền được nêu trong bài Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế thuộc cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển, tập 1, dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9.
Là sự hiểu nhầm?
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 26/11, PGS.TS Bùi Hiền nhấn mạnh công trình nghiên cứu này của ông chưa hoàn chỉnh; mặt khác lại chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đã đưa lên giới thiệu.
Theo PGS Hiền, bắt người chưa quen, chưa học, chưa hiểu… phải chấp nhận thì khó. Cũng theo PGS Hiền, ông đã nghiên cứu công trình này hơn 20 năm nay. Việc bị gây tranh cãi là một sự sơ suất vì PGS mới chỉ xong một phần và gần đây, giới thiệu công trình ở một bài viết gửi kỉ yếu hội thảo khoa học ở Quy Nhơn về ngôn ngữ.
“Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm). Vì chưa thật đầy đủ nên khi được đưa ra thì gây hiểu nhầm dư luận.”- PGS Hiền nhấn mạnh.
PGS Hiền cũng chia sẻ, sau khi báo chí đưa ra, đề xuất của ông nhận được nhiều lời “ném đá": “Trước hết tôi làm nghiêm túc, tôi tự bỏ tiền ra nghiên cứu, không ai đặt hàng tôi cả. Tôi chờ đợi phản ứng và ý kiến của các nhà khoa học vì những ý kiến những ngày qua chưa phải là tranh luận về khoa học.”- PGS Hiền ý kiến.
Nói về cơ sở đưa ra đề xuất này, PGS Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Chữ Việt lộn xộn ở chỗ 2-3 kí tự mới biểu hiện một âm gây phí tài nguyên, dài dòng phức tạp.
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra là do hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…), vì vậy ông Hiền cho rằng, cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư.
“Lớp học chữ cải tiến chắc chắn học rất nhanh. Lợi về thời gian, lợi về không gian. Tôi đã tính, nếu viết theo kiểu mới tiết kiệm thời gian, sức lực, vật tư 8%.”- PGS Hiền phân tích.
Cũng theo PGS Hiền, việc ông làm không phải là việc mới, việc cải tiến của ông dựa trên cả cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn: “Nhiều người đã cải tiến nhưng không có hệ thống còn đề tài của tôi là theo hệ thống."- vị PGS này nhấn mạnh.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ, nhìn nhận nghiêm túc thì Tiếng Việt của mình có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay, những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, r/d/gi, ng/ngh, g/gh... Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen, lâu dần thành chuẩn mực chính tả phổ thông, và chuẩn mực là một trong những tiêu chí quan trong thiết lập giá trị thẩm mỹ trong tâm thế người sử dụng ngôn ngữ Việt.
Cũng theo TS Tuyết, bất hợp lý luôn tiềm tàng nhu cầu thay đổi để giảm thiểu tiến tới xoá bỏ nó, để dần mang tới tính khoa học, thẩm mỹ cho tiếng Việt.
“Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó khăn, khó từ việc phương án thay đổi tới vấn đề giải quyết những hệ lụy cũ trong các văn bản hàng trăm năm nay, đặc biệt là khó khăn trong tâm thế tiếp nhận của cộng đồng.”- TS Tuyết chỉ ra.
TS Tuyết cho rằng, vậy vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng.
“Phương án do PGS Bùi Hiền đề xuất có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt, cũng là chủ nhân đích thực của tài sản tinh thần quí giá của cộng đồng, dễ gây phản ứng tiêu cực cũng là dễ hiểu”- TS Thu Tuyết nhấn mạnh.
Vị nữ tiến sĩ cho rằng, tiếng nói có trước, chữ viết có sau để ghi âm tiếng nói, vậy chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhoà và đồng nhất các sắc độ ấy, không thể thay đổi chính âm và buộc người sử dụng ngôn ngữ chạy theo chính tả khi đồng nhất x/s; ch/tr; r/d...
Mặt khác, một trong những vẻ đẹp của tiếng Việt chính là sự phong phú, uyển chuyển tinh tế của ngữ âm, và ngữ âm được hình thành chủ yếu bởi thanh điệu, vần điệu, âm điệu, những yếu tố được cấu tạo trước hết bằng hệ thống phụ âm và nguyên âm.
Thạc sĩ ngôn ngữ Chu Phong Lan, cho biết bà không đồng ý với ý kiến đề xuất của ông Hiền: "Ngôn ngữ là của chung mọi người, được cộng đồng chấp nhận mới tồn tại. Mà cộng đồng đã chấp nhận Tiếng Việt hiện nay liệu có thay đổi thế được không?"