Lễ hội lục bát năm nay mang tên Ngàn năm hồn Việt, do báo Người cao tuổi phối hợp Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội, CLB Thơ VN, báo Người Hà Nội tổ chức ngày 12-9 tại Triển lãm VHNTVN.
Đón khách từ 7 giờ sáng, ban tổ chức đồng thời tiếp nhận sách ủng hộ xã nghèo vùng sâu vùng xa. Mỗi tác giả, khách mời và người yêu thơ đến hội được khuyến khích mang theo ít nhất một cuốn sách và mặc trang phục dân tộc.
Xôm tụ
Ông Bành Thông - Chủ tịch CLB Thơ VN cho biết, mấy hôm nay không khí đã ríu ran, điện thoại từ khắp nơi đổ về xin tư vấn: chúng tôi nên trú ở đâu, xe có vào sân triển lãm được không…
Cùng với lục bát, Thanh Hóa sẽ mang nem chua, Nghệ An mang cu đơ, Hòa Bình mang rượu cần, Bắc Giang mang bánh đa, Bắc Ninh mang rượu Vân, Thái Bình mang bánh cáy, Thường Tín- Hà Nội có bánh giầy Quán Gánh. Trưa, tất cả bày ra, uống, giao lưu và đọc thơ cho nhau nghe.
Lễ dâng hương thơ lục bát do ban tổ chức và một cao tăng chủ trì, sau đó phát lộc - đó là ấn phẩm Lộc phát Canh Dần in trên giấy đẹp, đóng bìa cứng. Nét mới năm nay là bày một số quán lục bát - nơi giới thiệu những sản vật dân dã đặc trưng của từng vùng miền. Đặc biệt nhà sưu tập Trần Thế Khôi có cuộc sắp đặt Lục Bát quán.
Một chiếu thơ lục bát cũng mở giữa trời, vừa giao lưu vừa thi sáng tác thơ lục bát tứ tuyệt.
Vội vã
Theo Ban tổ chức, hoạt động trên “…nhằm tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận lục bát là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Ngoài ra, tại lễ hội, có việc khách tham quan và người yêu thơ ký tên lên tấm lụa dài 6,8 mét để trình UNESCO.
Lời tôn vinh thơ lục bát do ông Bành Thông - đọc trong lễ hội, có đoạn: “Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haiku, người Trung Quốc có Đường thi… thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ Lục bát. Có thể nói, ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam… Hãy giúp cho thể thơ này trở thành “Quốc Thơ” của Việt Nam!”. Lời tôn vinh còn kêu gọi mỗi người làm một việc gì đó để một ngày không xa thơ lục bát được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Nhiều người bảo lục bát là thơ cổ, thơ cũ, thơ cụ, nhưng theo chúng tôi nó là thơ, là hồn dân tộc” - ông Bành Thông nói.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có động thái nào từ phía cơ quan chức năng chứng tỏ VN sẽ xây dựng hồ sơ về lục bát gửi UNESCO.
Hóa ra, theo ông Kim Quốc Hoa - Tổng Biên tập báo Người cao tuổi, đó mới chỉ là ý tưởng của những người yêu thể thơ này.
Rõ ràng, từ tình yêu đến ước mơ, từ ước mơ đến ý tưởng, từ ý tưởng đến thực thi là một câu chuyện còn rất dài đối với lộ trình công nhận di sản của thơ lục bát. Việc đưa mơ ước trở thành một thông tin trang trọng dễ gây ngộ nhận cho nhiều người. Khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, thông tin ấy dễ gây phản cảm. Đó là chưa kể những trắc trở. Hồi trước, qua một nguồn tin chưa chắc chắn, báo chí loan tin: Hầu đồng sẽ được xây dựng hồ sơ gửi UNESCO, nhưng đến nay, hình thức tín ngưỡng - văn hóa này lại có khả năng bị cấm (?!).