Bởi nhắc đến Singapore, người ta nghĩ ngay đến một đất nước xanh, và “khắc tinh” với thuốc lá. Ở Đà Nẵng, từ bến xe, nhà hàng, cho tới lề đường, bãi biển, đâu đâu cũng có những công trình, quy định nghiêm ngặt để kêu gọi ý thức giữ sạch môi trường của người dân và du khách.
Bến xe đầu tiên không khói thuốc
Vào bến xe Đà Nẵng, hầu như đi ngã nào cũng đụng phải bảng “cấm hút thuốc”. Trong các khu làm việc của cán bộ, nhân viên, ki-ốt bán vé tuyệt nhiên không có mùi khói, tàn thuốc mặc dù lượng người ra vào rất đông mỗi ngày. Đầu năm 2013, bến xe ban hành quy chế không hút thuốc lá, phát động đến toàn thể cán bộ, nhân viên và các doanh nghiệp.
Ông Phạm Lợi – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, cho biết: “Lúc mới ban hành quy định, cán bộ nhân viên bến xe ai cũng hưởng ứng, chỉ có hành khách tới mua vé là khó chịu bởi tới đây mà cũng không được hút.
Tuy nhiên, đã quy định thì phải thực thi, chúng tôi cử bảo vệ và bộ phận theo dõi qua camera giám sát phát hiện ai vi phạm sẽ tới nhắc nhở chứ không khiển trách, phản đối nặng nề. Một số thanh niên khi vào các ki ốt mua vé phì phèo hút thuốc nhưng khi thấy bảng cấm, nhìn quanh chẳng ai hút tự thấy xấu hổ, phải dập thuốc”.
Thấy hiệu quả, bến xe mở rộng bảng không hút thuốc ra các ga đón, trả khách, nhà giữ xe để kêu gọi ý thức giữ gìn môi trường trong sạch, không làm ảnh hưởng tới người khác và đặc biệt loại trừ nguy cơ cháy nổ khi hành khách vứt tàn thuốc vào bãi đỗ xe. Bây giờ, vào bến xe rất hiếm gặp ai hút thuốc.
Anh Nguyễn Chính (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nói: “Tôi là dân buôn ngày nào cũng tới bến gởi hàng, trước kia cứ ngồi đợi xe là đốt thuốc. Nhưng từ khi thấy bảng cấm tôi bỏ dần dần, bây giờ thành thói quen vào bến là không thuốc lá. Tự nhiên thấy mình văn minh hẳn”.
Còn Trần Đăng Phong (sinh viên trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng) ủng hộ hết mục vì quy định này: “Em thấy cần quy định luôn tất cả các khu vực trong bến đều không khói thuốc, bản thân em cũng hút, nhưng khiến nhiều người khó chịu vì mùi thuốc của mình khi xuống hoặc lên xe thì xấu hổ quá. Quy định này không chỉ tác động đến ý thức mỗi người mà còn làm đẹp mặt thành phố trong mắt du khách nữa”.
Các thùng rác xanh được lắp đặt dọc các bãi tắm.
Ông Lợi cho biết thêm, bến xe Đà Nẵng là bến xe đầu tiên trong cả nước quy định không hút thuốc lá, và tới đây sẽ vận động tất cả mọi người ra vào bến chấp hành quy định trên chứ không chỉ gói gọn trong bốn khu vực phòng làm việc, quầy bán vé, ga đón trả khách, nhà xe.
Gỡ chuyện khó đỡ, “tè bậy” phạt tiền
Cũng chẳng nơi đâu như Đà Nẵng, có nhu cầu vệ sinh cá nhân cứ vô tư đi thẳng vào các nhà hàng, khách sạn bên đường giải quyết mà không hề mất một đồng. Ấy là nhờ ý tưởng nhà vệ sinh công cộng “5 sao” của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu.
Trên các tuyến đường du lịch, hàng chục nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… mời gọi mọi người đi vệ sinh miễn phí bằng logo mặt cười thân thiện có chạy dòng chữ “Thoải mái như ở nhà - Comfor as home”. Nhà vệ sinh được thiết kế sang trọng, có bồn rửa tay, máy sấy, thơm tho sạch sẽ và đặc biệt hoàn toàn miễn phí.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, chia sẻ: “Các con đường trọng điểm về du lịch như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn…trước đây rất ít nhà vệ sinh công cộng, du khách “bí” quá phải xả liều vào bụi cây, bờ tường trông rất phản cảm. Trong khi đó, khách sạn, quán xá trên những tuyến đường này nhan nhản. Còn gì bằng khi họ cùng tham gia dự án xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng”.
Du khách tới Đà Nẵng ai cũng nức lòng bởi được đối đãi, quan tâm quá tận tình. Chị Hoàng Thu Thủy (Nam Định) hài lòng: “Tôi không nghĩ lại có một dự án hay đến vậy, có nhu cầu cứ thoải mái vào các nhà hàng, khách sạn đồ sộ để giải quyết.
Đúng là chỉ có Đà Nẵng mới nghĩ tới cả nhu cầu tối thiểu ấy”. Trong năm nay, Sở VH-TT&DL đặt mục tiêu vận động khoảng 1.000 nhà hàng, khách sạn trên toàn thành phố tham gia dự án này để giải quyết vấn đề tế nhị mà cũng rất “đau đầu” bấy lâu nay.
Nhiệt tình giúp mọi người gỡ chuyện “khó đỡ”, song Đà Nẵng cũng rất nghiêm khắc khi phát hiện ai… “tè bậy”. Mới đây, Sở VH-TT&DL ban hành quy định xử phạt hành vi này. Cụ thể, những ai đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định trên bãi biển bị phạt từ 200.000 – 300.000 đồng.
Lúc mới ra quy định, ai nghe qua cũng thấy buồn cười bởi chuyện nhỏ ấy mà cũng phạt. Cho đến khi xuống biển, nhìn hàng loạt nhà vệ sinh công cộng xây lắp trải dài theo các bãi tắm, mọi người tự hỏi lại mình: có nhà vệ sinh đấy sao không đi mà xuống biển “tè bậy”? Chỉ có ý thức kém mới làm vậy.
Đồng hành với việc nghiêm khắc xử “tè bậy” là các khung phạt cho hành vi xả rác. Cụ thể: vứt rác không đúng nơi quy định bị phạt từ 50.000- 400.000 đồng; chôn vùi hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm bị phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
Trên khắp các bãi biển, đi đâu cũng gặp bảng quy định xử phạt cùng băng rôn vận động, khuyến cáo người dân và du khách không thực hiện các hành vi làm ô nhiễm môi trường. Hằng ngày, vào giờ cao điểm tắm biển, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng liên tục thông báo trên loa để nhắc nhở mọi người. Sở VH-TT&DL còn “phủ sóng” quy định này ngay khi du khách vừa đặt chân tới Đà Nẵng bằng cách dán hàng ngàn tờ rơi, áp phích trong các nhà hàng, khách sạn.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng, cho biết: “Một tháng sau khi ban hành các quy định xử phạt, bãi biển trông sạch sẽ hơn trước rất nhiều, chỉ còn lác đác mấy tàn thuốc nhỏ chứ không có bao bóng, thức ăn thừa…như trước đây.
Mặc dù đưa ra mức xử phạt cụ thể nhưng BQL vẫn áp dụng hình thức nhắc nhở cho những du khách mới tới chưa nắm rõ hết quy định. Tới đây, BQL sẽ đề nghị thành phố hỗ trợ thêm máy quay phim, chụp ảnh để ghi hình lại các đối tượng vi phạm làm bằng chứng xử phạt”.
Trách nhiệm không của riêng ai
Mỗi tuần ba lần, hàng trăm bạn trẻ là sinh viên ở Đà Nẵng cùng nhau lên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) nhặt rác. Mỗi người một túi tái chế luồn lách khắp các con đường, bụi cây cặm cụi thu gom vỏ lon, bao bóng, thức ăn thừa mà du khách để lại. Nguyễn Thùy Trang (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nói: “Chuyến tình nguyện xanh Sơn Trà nào cũng rất vui vì có tới hàng chục, hàng trăm bạn trẻ tham gia, bởi các bạn hiểu rõ việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai”.