Diện tích cà phê tăng “nóng”
Với khối lượng xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD, cà phê là nông sản có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước năm 2016. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, phát triển thiếu bền vững. Cả nước hiện có hơn 645.380 ha cà phê, vượt 7,57% so với quy hoạch đến năm 2020, trong đó Tây Nguyên hơn 581 ngàn ha, vượt quy hoạch 9,65%. Diện tích tăng nhanh, vượt xa so với quy hoạch trong khi chất lượng còn nhiều hạn chế.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), phải có giải pháp ổn định quy mô 600 ngàn ha theo quy hoạch; không mở rộng thêm diện tích mà đầu tư cải tạo bởi diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp đã lên đến 140-160 ngàn ha, chiếm từ 21,7- 24,8%. Cơ cấu giống cũng chưa hợp lý: diện tích cà phê robusta chiếm tới 92,9%, còn arabica chỉ chiếm tỷ lệ vài phần trăm trong khi đây là loại cà phê ngon hàng đầu thế giới, một số địa phương ở Việt Nam có độ cao và khí hậu lý tưởng để trồng. Diện tích cà phê giống mới chỉ chiếm 20%, còn lại là giống cũ năng suất thấp, chất lượng kém. Việc sử dụng nhiều giống, nhiều quy trình canh tác cũng khiến chất lượng thiếu ổn định, không đồng đều.
Đề cập đến các giải pháp, ông Hoàng Thanh Tiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho rằng, phải kiên trì mục tiêu thâm canh, tái canh, chuyển đổi giống mới với bộ giống chọn lọc. Mặt khác, phải khắc phục tình trạng bón phân thiếu cân đối, lạm dụng thuốc BVTV, thu hái quả cà phê chín lẫn với quả xanh. Lâu nay, tình trạng này làm giảm chất lượng cà phê Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về dư lượng thuốc BVTV, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cục Trồng trọt cũng xác định ngành cà phê Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững; năng suất 2,7 tấn/ha, sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,8-4,2 tỷ USD/năm. Các ban ngành liên quan cần tích cực vận động nông dân tăng diện tích cam kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế như UTZ Certified, 4C, thương mại công bằng được Tổ chức Thương mại Công bằng thế giới công nhận và cấp chứng chỉ khi đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Đáng lo ngại nữa là tình trạng biến đổi khí hậu xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, mức độ khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và môi trường.
Không để nông dân tự “bơi”
Hiện ở Việt Nam quy mô sản xuất cà phê còn nhỏ lẻ, cà phê nông hộ chiếm từ 84,8- 89,7% tổng diện tích, trong đó 63% số hộ có diện tích dưới 1ha/hộ, sử dụng nhiều giống, nhiều quy trình canh tác nên chất lượng không ổn định, không đồng đều; khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư. Mặt khác, mạng lưới thu gom cà phê nhân còn manh mún nên nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi vì giá cả diễn biến thất thường, đầu ra không ổn định, bị tư thương ép giá... Quan hệ giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản chưa gắn kết dẫn đến hiện tượng nơi thừa nơi thiếu gây lãng phí.
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc TTKNQG cho rằng giải pháp quan trọng là tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học - nhà nước - doanh nghiệp -người sản xuất nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường thu mua và chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng cà phê.
Cụ thể, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn như tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) chuyên canh cây cà phê kiểu mới; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và các doanh nghiệp với sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước. HTX cung ứng cho các thành viên dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, dụng cụ làm vườn, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, xây dựng nhãn hàng hóa), dịch vụ đầu ra (thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp), tín dụng nội bộ và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sản xuất. HTX liên kết với các doanh nghiệp để khẳng định thương hiệu và thâm nhập thị trường các nước (nhằm chống tình trạng tư thương ép giá); ổn định đầu ra, tạo thu nhập khá cho các thành viên.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy hiện nhu cầu liên kết là rất lớn nhưng số lượng HTX thực hiện liên kết được với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn ít. Nông dân đa số vẫn phải tự làm, tự bán là chính dẫn đến rủi ro nhiều trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Chính sách hỗ trợ của nhà nước tuy nhiều nhưng chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ, thiếu những cơ chế chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX nông nghiệp.
Những năm gần đây, mưa gió thất thường, hạn hán kéo dài, sự sụt giảm mực nước ngầm đã gây khô hạn ở nhiều vùng sản xuất cà phê của Tây Nguyên. Hậu quả, năm 2016 thiệt hại trên 116.000 ha cà phê, trong đó khoảng 6.854 ha bị mất trắng. Theo TTKNQG, để ứng phó, cần triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ đất như trồng cây che bóng, cây chắn gió (nhất là trên đất dốc) để chống xói mòn; đồng thời vận động người dân áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Phấn đấu đến năm 2020, 95% diện tích cà phê ở Tây Nguyên được tưới nước, trong đó 180 ngàn ha áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm.