ĐBSCL vẫn bán và sử dụng... vô tư chất diệt cỏ có thể gây ung thư

TP - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những địa phương sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều nhất nước. Ngay sau khi Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) chính thức loại thuốc diệt cỏ có chứa chất glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV do nguy cơ gây ung thư, chính quyền và người dân khu vực này đã phản ứng thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đang tham mưu Sở NN&PTNT để  ký công văn gửi cho tất cả các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết về lộ trình cấm sử dụng thuốc diệt cỏ glyphosate.

Đồng thời, sau khi Sở NN&PTNT triển khai gửi công văn đến các đơn vị thì Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ đi thanh, kiểm tra. Còn ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho hay sau khi có quyết định của Bộ NN&PTNT, Sở đã có công văn gửi các huyện để tuyên truyền rộng rãi đến người dân không sử dụng thuốc glyphosate nữa theo tinh thần quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Theo ông Tâm, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 1.000 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV, trong đó có bán thuốc diệt cỏ glyphosate.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 11/4, chủ một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho hay đã nghe thông tin về quyết định cấm nhập thuốc diệt cỏ glyphosate. Tuy nhiên, chính quyền chỉ mới cấm nhập nhưng chưa cấm bán. Hiện hàng tồn trong kho còn nhiều nên cửa hàng vẫn bán cho dân bình thường.

Còn ông Nguyễn Văn Thành (xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nói: Thuốc diệt cỏ glyphosate đã được sử dụng từ lâu, có tính lưu dẫn cao, dân thích dùng. “Trước đây cỏ dại mọc nhiều, những nơi cỏ lau mù mịt, phát triển nhanh làm không nổi nên phải sử dụng loại này để xịt vì cỏ chết rất lâu mới mọc trở lại được” - ông Thành nói.

 Khi hỏi về việc thuốc diệt cỏ có chất độc hại gây ung thư, ông Nguyễn Văn Bảy (làm nghề phun thuốc thuê tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cười nói: Tôi làm nghề này cả hơn chục năm nay, nếu chết thì tôi chết lâu rồi. Khi phun thuốc tôi cũng chẳng cần mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, vì đeo nó cũng... khó chịu lắm.

Người ta thuê tôi phun thuốc diệt cỏ ngay trước nhà, gần giếng nước, ruộng lúa vườn rau... Người dân thích dùng vì mỗi lần phun cỏ chết kéo dài từ 3 - 4 tháng, thậm chí nửa năm mới mọc trở lại, nếu xịt đậm. Thuốc này được bán rộng rãi ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vật tư nông nghiệp, mỗi chai (1 lít) có giá khoảng 100 ngàn đồng, phun được diện tích 500m2.

Độc hại, ô nhiễm và lãng phí

ĐBSCL là nơi tiêu thụ thuốc BVTV và phân bón nhiều nhất nước, trong đó có nhiều loại chứa chất độc hại, gây ô nhiễm và cả lãng phí. Riêng việc chất thải từ bao bì của thuốc BVTV cũng đã trở thành “gánh nặng” môi trường cho ĐBSCL.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh, nông dân sử dụng hơn 2.400 tấn thuốc BVTV, thải ra khoảng 366 tấn bao bì, chai lọ (chưa kể số còn tồn từ các năm trước), trong đó có khoảng 6,7 tấn thuốc còn bám lại trên bao bì.

 Bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được xác định là loại chất thải độc hại, gây tác động xấu tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người. Trong khi người dân ít kiến thức về sử dụng đúng thuốc BVTV, ít quan tâm đến thời gian cách ly, sử dụng thuốc cấm, ít sử dụng bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc.

Theo TS Nguyễn Hồng Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ), tình trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV dư thừa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe mà còn gây lãng phí hàng trăm triệu USD/năm.

Với thuốc BVTV, 40 - 70% nông dân sử dụng hơn liều khuyến cáo (sử dụng dư 10 - 30% mức khuyến cáo, chiếm gần 20% chi phí sản xuất). Có 30% nông dân phối trộn nhiều loại thuốc BVTV khi sử dụng, sử dụng nhiều lần/vụ (4 - 5, thậm chí 10 lần/vụ).

Thống kê của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT), hằng năm vùng ĐBSCL sử dụng trên 2 triệu tấn phân bón hóa học, 500 ngàn tấn thuốc BVTV và các chế phẩm nuôi trồng thủy sản.

Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Kiên Giang, hàng năm người dân đã “quẳng” xuống cánh đồng lúa gần 3,8 triệu kg thuốc BVTV, dư lượng của thuốc theo sông chảy ra biển. Tổng lượng nước thải sinh hoạt ở nông thôn vùng ĐBSCL hơn 38 triệu m3/năm, rác thải sinh hoạt hơn 12 triệu m3/năm..., hầu hết chưa được xử lý triệt để.