Trao đổi với Tiền Phong chiều 19/3, ông Bùi Trọng Đắc, giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết đã cập nhật xong số liệu lên phần mềm quản lý thi. Tuy nhiên, Sở chỉ cung cấp thông tin thí sinh cho các đơn vị trường ĐH có liên quan. Những thông tin nào liên quan đến thí sinh thì sẽ cung cấp cho thí sinh.
Vậy tại sao không công bố danh sách thí sinh thí sinh gian lận? Ông Đắc cho rằng cơ quan điều tra đang làm, quy định đến đâu, Sở thực hiện đến đó và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Liệu có lý do khuất tất?
Chia sẻ với Tiền Phong, độc giả Tâm Canh cho rằng, rõ ràng có lý do khuất tất đằng sau danh sách này và đặt nghi vấn không chừng có nhiều thí sinh dính vào 'con ông cháu cha' của Tỉnh Hòa Bình.
Độc giả Vũ Minh cũng cho rằng, những học sinh gian dối, sai phạm trong thi cử cần phải kỷ luật, cần phải điểm mặt chỉ tên, cần phải có hình thức xử lý thích đáng trước pháp luật để đủ sức răn đe.
Độc giả Hải Dương còn nhấn mạnh, sao phải giữ thể diện cho người vi phạm và người đồng lõa vi phạm. Theo tôi cứ phải công bố công khai và kể cả người được nâng điểm đều là đồng phạm, vì thí sinh đều biết mình được nâng điểm mà không tố giác lại còn hưởng lợi làm bao học sinh khác đau khổ vì bị chiếm chỗ.
Độc giả Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, quan điểm sợ tổn thương các thí sinh có điểm gian lận của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình thật là lố bịch.
“Tại sao không nghĩ đến việc đã làm tổn thương hàng triệu người trong ngành giáo dục và hàng trăm ngàn thí sinh dự thi nghiêm túc. Theo tôi cần công bố công khai những thí sinh có điểm gian lận và danh sách những người đã tác động (bằng tiền hoặc bằng cách khác) để tổ chức thực hiện hành vi gian lận này”- độc giả này nhấn mạnh.
Độc giả Vũ Mạnh Cường nêu quan điểm, đã sợ thì đừng làm sai, biết sai mà vẫn coi như là không biết thì càng phải xử lý và công khai cho mọi người biết.
“Các ông sửa điểm đã bị tống giam rồi, giờ đến lượt các ông hối lộ để mua điểm cho con cháu. Không có người đặt hàng, người hối lộ làm sao có kẻ nhận hối lộ để sửa điểm? Khổ nỗi là các học sinh được nâng điểm lại có phải đều là con cháu các lãnh đạo nên Sở GD&ĐT Hòa Bình né tránh chuyện nêu tên lên mặt báo”- độc giả Vũ Minh cũng nêu ý kiến.
Một chuyên gia tuyển sinh đại học nhiều năm cũng cho rằng phải công bố công khai danh sách thí sinh. Kết quả thanh tra, kiểm tra là phải được công bố. Hơn nữa đây là vụ việc công khai.
Tuy nhiên, thầy Lê Đức Vĩnh- Nguyên trưởng Khoa Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội lại cho rằng, các thí sinh được nâng khống điểm chỉ là những người phạm lỗi gián tiếp, cũng giống như những người biết kẻ khác gây tội mà không tố giác thôi. Tội này so với những người trực tiếp gây ra là cha mẹ của các em và quan chức giáo dục thì nhẹ hơn nhiều.
“Nên đánh trượt kết quả thi năm vừa rồi của thí sinh là đủ, nên nhớ là đánh trượt theo cách thí sinh phạm quy trong phòng thi, môn nào gian trá cho điểm 0 chứ không như cách trả lại đúng điểm cho thí sinh như ý của ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng”- Thầy Vĩnh nêu quan điểm.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thì cho rằng, phải làm rõ việc, nếu học sinh đó tham gia vào việc thay đổi điểm thì phải xử lý rất nặng. Đó là tội gian lận, Bộ GD&ĐT có thể cấm thi đại học mấy năm như đã từng làm.
Tuy nhiên, theo ông Khuyến, đối với học sinh không chứng minh được họ tham gia vào chuyện thay đổi điểm thì trường hợp này chủ yếu xử lý những người làm thay đổi điểm đó. Đó là những người trong cuộc và các phụ huynh, người đứng ra chạy điểm.
“Chúng ta không cần thiết công khai danh tính mà tập trung vào xử lý những người gây ra lỗi. Khi xử lý xong thì công khai danh tính, nếu người gây ra lỗi. Chứ học sinh là nạn nhân thì không nên lôi kéo họ vào làm gì”- ông Khuyến nói.
Nếu người đứng đầu địa phương chưa bị xử lý, thì tiêu cực vẫn sẽ có?
Liên quan đến gian lận thi cử tại các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi đã làm rõ được những ai đã qua chấm định điểm được nâng lên thì sẽ phải xử lý.
TS Khuyến cho rằng, những người không đủ điểm vào đại học là bắt buộc phải cho ra khỏi trường để đảm bảo công bằng, đảm bảo chất lượng.
“ Việc các em học ở đại học đã gần một năm rồi, nhưng không vì thế mà nhân nhượng. Điều này phải làm, không thể nể nang”- TS nêu quan điểm.
Ông Khuyến cho rằng, việc xử lý những người đứng đầu các địa phương để ra những sai phạm là rất quan trọng, vì họ có trách nhiệm nhưng lại để xảy ra sai phạm.
“Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Nếu có sai phạm, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Sự việc ở này sẽ là bài học cho các địa phương khác”, TS Khuyến nói.
Tuy nhiên, ông Khuyến cho rằng, gần một năm xảy ra sai phạm, những người đứng đầu của các địa phương đến giờ chưa có tỉnh nào đứng đầu địa phương nào bị phê bình chứ chưa nói đến cảnh cáo.
“Nếu người đứng đầu địa phương không xử lý nghiêm túc thì tình trạng chạy điểm đó vẫn tiếp tục, vẫn chuyển từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi”- TS Khuyến nhấn mạnh.