Dạy nghề cho lao động nông thôn: Học cho… vui

TP - Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, trong 2 năm qua tỉnh Đồng Nai đã chi hàng chục tỷ đồng để đào tạo nghề cho LĐNT. Hiệu quả ra sao?

> Đạo tạo 600 nghìn lao động cho khu vực nông thôn

Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đồng Nai cho biết: Có hàng trăm danh mục nghề được các trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã trong tỉnh triển khai.

Các lớp dạy nghề được mở về tận các xã và chủ yếu được sắp xếp dạy về đêm nên bà con tham gia đông. Ngoài đào tạo nghề miễn phí, những người thuộc hộ nghèo, chính sách còn được nhà nước hỗ trợ thêm tiền.

Một cán bộ ấp ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán) kể: “Mỗi lần có lớp dạy nghề được mở ở xã, ngoài thông báo trên loa truyền thanh, chúng tôi còn đi đến từng hộ vận động bà con đi học, nhiều bà con quan tâm đầu tiên là đi học có tiền không? Lớp mở ra ban đầu đông, sau thì thưa dần”.

Ông Tư Tâm ở xã Ngọc Định (Định Quán) thì phản ánh các lớp học nghề mở ra chỉ có những người lớn tuổi đi học còn thanh niên đi thành phố làm công nhân cả rồi, số nào còn lại thì làm ruộng, làm rẫy cả ngày, hở ra là nhậu nhẹt đâu ai chịu đi học.

Ông Năm D. một lão nông ở xã Phú Hòa thật thà: “Nói thực, hàng chục nghề được giới thiệu cho bà con học, nhưng chỉ có những nghề như trồng lúa, nuôi gà, nuôi heo là phù hợp với bà con nông dân. Nghịch lý ở chỗ, ba cái nghề này thì không học bà con cũng đã làm từ đời này qua đời khác rồi”.

Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, đơn vị phụ trách đề án báo cáo: Đã tổ chức dạy nghề cho 15.684 người, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp trên 31%, còn lại công nghiệp- dịch vụ chiếm đến trên 68%.

Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề các khóa đạt từ 71 đến trên 92%, một con số được đánh giá là đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của sở này thì trong số có việc làm, số lao động làm việc cho các công ty xí nghiệp chỉ chiếm trên 23%, gần 47% làm việc tại… gia đình. Con số này cho thấy đa phần người được đào tạo nghề không ứng dụng nghề đã học, nông dân vẫn gắn bó với nghề nông của mình.

Theo Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, một số ngành nghề tổ chức đào tạo chỉ mới đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động mà chưa gắn liền với yêu cầu của thị trường lao động nên việc giải quyết việc làm sau đào tạo chưa cao và thiếu ổn định.

Theo Báo giấy