'Đáy' khủng hoảng kinh tế kéo tới giữa năm 2013?

Năm 2012 sắp qua song nền kinh tế vẫn bộc lộ vô số khó khăn. Tại Hội nghị bàn tròn do Báo DĐDN phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Lê tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng đáy khủng hoảng ở vào khoảng giữa năm 2013, sau đó nền kinh tế sẽ đi lên.

'Đáy' khủng hoảng kinh tế kéo tới giữa năm 2013?

 2012: Năm xấu của 'đại gia' Việt

'Thay vì hoãn tăng lương, nên cắt các khoản chi không cần thiết'

Năm 2012 sắp qua song nền kinh tế vẫn bộc lộ vô số khó khăn. Tại Hội nghị bàn tròn do Báo DĐDN phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Lê tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng đáy khủng hoảng ở vào khoảng giữa năm 2013, sau đó nền kinh tế sẽ đi lên.

 

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương là người đầu tiên trả lời câu hỏi của chủ tọa buổi tọa đàm về vấn đề: Lạm phát 2012 vừa được công bố là 6,08% có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế Việt Nam?

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
 

Ông Võ Trí ThànhPhó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: Mục tiêu lạm phát năm nay theo hoạch định của các nhà chính sách là dưới 2 con số nhưng nó phải ở mức 8-9%. Tuy nhiên, với mức lạm phát 6,08% sẽ ảnh hưởng đến sức phát triển của nền kinh tế: Sức cầu quá yếu; tổng đầu tư toàn xã hội cũng giảm xuống 33% (thay vì 45% trong 2011). Vì vậy có thể nói, ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta đã đạt được nhưng do sự “thắt chặt” quá mức khiến nền kinh tế đang mất ổn định niềm tin.

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng âm, 6 tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng ước tính khoảng 6%. Vấn đề chi ngân sách quá chậm, tính trung bình chỉ khoảng 12,7 ngàn tỉ đồng/tháng (600 triệu đồng). Nhìn qua những con số như thế để thấy rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Nhưng quá trình tái cấu trúc cần làm sao cho “mềm mại” hơn.

Nói về khái niệm “đáy” thị trường thì có nhiều định nghĩa. Thứ nhất, đó là chu kỳ kinh tế (hình sin). Nhìn cả năm so với những năm qua thì thời điểm này thực sự là đáy. Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo những năm tới tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn một chút thì thời điểm này thực sự là đáy. Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo những năm tới tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn một chút thì thời điểm này quả thực là đáy của hình sin.

Nếu nhìn đáy theo nghĩa lòng tin vào thị trường thì đáy cũng là năm nay. Nhưng đáy thị trường là quý 1 còn đáy của lòng tin là quý 4. Nhiều tổ chức điều tra trong và ngoài nước đều cho thấy tâm lý bi quan ở những tháng sắp tới.

Một khái niệm đáy nữa là nhìn theo công ăn việc làm, nó gắn với chu kỳ kinh doanh vào sóng kinh tế. Còn nếu so với dự báo tăng trưởng kinh tế tăng lên dần dần thì đáy của rủi ro sẽ rơi vào 2014-2015. Còn một khái niệm đáy nữa được xét theo thị trường BĐS. Vậy đáy thị trường bất động sản nằm ở đâu. Tôi cho rằng đáy xét theo giá bất động sản hạ thấp nhất vào thời điểm đâu đó giữa năm 2013.

- Nói về niềm tin, hệ thống bán lẻ sẽ là nhiệt kế của thị trường, của người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó TGĐ Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C: Đúng là như vậy! Sức mua của người tiêu dùng trong 2012 đã giảm nhưng điều này rõ nét nhất vào những tháng cuối năm mà sức mua của Big C là rõ ràng. Điều này phản ánh lòng tin của người tiêu dùng với nền kinh tế, với khả năng chi trả của chính họ. Theo tôi nhận định, với tình trạng khó khăn của nền kinh tế và tâm lý đã trở thành xu hướng, người dân đã tiết kiệm sẽ tiết kiệm hơn nữa và có lẽ nếu lạc quan nhất thì giữa năm 2013, sức mua tiêu dùng mới hồi phục.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C.
 

CPI cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng quan trọng nhất đó là lượng cầu - sức mua của người dân. CPI giảm là việc bình thường và phản ánh thị trường hiện nay.

PGS TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại:

PGS TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại.
 

Trước hết phải nói đến niềm tin. Thứ nhất, người tiêu dùng nếu không có niềm tin vào thị trường thì đương nhiên họ sẽ thắt chặt hầu bao. Thứ hai, niềm tin còn là sự tin tưởng của DN vào các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng thực chất DN được thụ hưởng không nhiều. Đam mê kinh doanh của doanh nhân đang phôi pha vì “khủng hoảng lòng tin.

Thứ tư, lòng tin của DN vào ngân hàng, ngân hàng vào DN cũng đang là vấn đề cần bàn tới. Người có tiền không dám cho vay, kẻ muốn vay lại... không dám vay. Điều này ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế.

Tôi đồng tình với quan điểm của TS Võ Trí Thành, chỉ số CPI, lạm phát đạt mục tiêu là đáng mừng nhưng đúng là giảm nhanh quá, điều này thật sự là nguy hiểm. Nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy tỷ lệ lãi của tiền vay giảm xuống, chi phí vốn giảm đi. Nếu lãi suất giảm xuống mức 9% - 10% thì đây là cơ hội để sinh khí của DN được phục hồi.

- Một câu hỏi đặt ra cho ông Đặng Hùng Võ đó là về giá bất động sản hiện nay như thế nào?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên – Môi trường: Giá bất động sản bao giờ cũng chậm pha hơn trên thị trường. Còn quy luật về giá của bất động sản cũng nằm trong quy luật chung của nền kinh tế - cũng đang đi xuống. Rất nhiều người đang bi quan vào thị trường, và đặt câu hỏi về việc nên đầu tư vào đâu? Khi đã đặt câu hỏi này thì có nghĩa là người ta đã mất lòng tin vào kênh đầu tư này, dẫn đến khả năng vốn đầu tư vào đây sẽ suy giảm.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên – Môi trường.
 

Trong khi đó, thị trường bất động sản huy động từ rất nhiều nguồn vốn nhưng nguồn vốn này lại phụ thuộc rất nhiều vào lòng tin. Nếu hoàn cảnh thuận lợi thì người dân, nhà đầu tư có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua nhà.

Giá bất động sản hiện nay bị coi là nghịch lý bởi do khu vực giá cao còn tồn hàng nhiều – cung của thị trường vẫn rất mạnh, trong khi đó, cầu thì rất nhiều người muốn mua nhà nhưng vẫn chưa mua được, hoặc vẫn đang đắn đó. Cung và cầu đều lớn nhưng lại ko gặp nhau. Đây là điều mà chúng ta phải gỡ.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tốt sau những giải pháp của Chính phủ nhưng thị trường này đang chờ những cải cách hơn nữa của Chính Phủ. Tất cả những điều này trước tiên sẽ làm ấm lại phân khúc nhà giá thấp, cho những người đang có nhu cầu thật sự.

Ông Võ Trí Thành: Lãi suất hạ và xử lý nợ xấu sẽ trở thành cú hích cho thị trường đặc biệt với việc cho vay BĐS không hạn chế sẽ khiến thị trường sáng sủa hơn.

Sắp tới, các định chế tài chính cho vay với thế chấp là nhà ở sẽ ra đời. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang dự định giảm thuế GTGT tới 50% cho người tiêu dùng mua nhà sẽ khiến thị trường ấm trở lại. Nhưng không có một ngày trời hửng nắng được ngay, chúng ta phải có thời gian để thị trường ổn định niềm tin.

Triển vọng 2013

- Triển vọng kinh tế 2013 sẽ như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Trong giai đoạn như vậy có rất nhiều cơ hội: cơ hội cho nhà hoạch định chính sách, nhà DN có những sáng tạo, người tiêu dùng có cách sống khôn ngoan hơn.

Đối với câu hỏi về triển vọng kinh tế 2013, mục tiêu đặt ra về tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước và giữ chỉ số lạm phát ở một con số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, còn phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, là nước Mỹ phải xử lý cho được “vách đá tài khoản” và thứ hai là Châu Âu phải vượt qua khủng hoảng tài chính. Hiện, cách chống đỡ của Châu Âu cũng rất tình thế.

Mặt khác, rủi ro liên quan tới điều hành như tăng giá điện, tăng lương cũng là những yếu tố cấu thành nên các chỉ số nói trên. Cái khó nhất là chúng ta phải tập trung giải quyết các vấn đề vĩ mô nhưng chúng ta cũng phải đồng thời làm cho nền kinh tế phục hồi lại được. Làm quá mạnh thì bất ổn vĩ mô, thậm hụt ngân sách,… mà làm ít thì không có nhiều chuyển biến, không đủ vực dậy kinh doanh. Đó là cái khó!. Trong khi đó chúng ta lại tập trung một nguồn lực không nhỏ vào tái cơ cấu.

Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, theo tôi phải thực sự bắt tay vào tái cấu trúc. Tuy nhiên, muốn thị trường thực sự ấm lại căn bản phải chờ đến tháng 3,4 khi các giải pháp như: xử lý nợ xấu của ngân hàng đã xong, chính sách tài khóa và chính sách tài chính – tiền tệ đồng bộ... thì các dòng tín dụng mới có cơ hội quay trở lại thị trường. Mặt khác, dư địa chính sách vẫn đang khá hạn hẹp vì vậy chúng ta cũng khó có thể đòi hỏi nền kinh tế ấm lại nhanh chóng.

- Chỉ một khâu trong tái cấu trúc là xử lý nợ xấu đã thấy rất khó rồi. Vậy theo ông nguồn vốn ở đâu để tái cấu trúc nói chung và để xử lý nợ xấu nói riêng?

Ông Võ Trí Thành: Tiền không thiếu, vấn đề là ý tưởng, lòng tin, minh bạch và chính sách nhất quán. Tôi tin nếu giải quyết được những điều này chúng ta có thể giải quyết được vần đề nguồn vốn: có lẽ là từ các ngân hàng, từ các DN và từ các tổ chức tài chính quốc tế...

Chính sách phải nhất quán và thực sự bắt tay vào công cuộc cải cách nền kinh tế (bên cạnh xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém thì phải điều chỉnh cả khu vực DNNN, đầu tư công). Các giải pháp có thể chưa thực hiện được tổng thế nhưng một vài chấm phá như thế sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

- Trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp cần hỗ trợ cho DN được quan tâm là xử lý các khoản nợ trong khi ngân sách lại eo hẹp. Quan điểm của ông ?

Ông Võ Trí Thành: Nợ tồn đọng ở VN có 3 loại: trong sản xuất kinh doanh, trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản. Các khoản nợ này không những liên quan tới tiền mà còn liên quan tới chính sách của từng địa phương, các hình thái nợ và tính pháp lý. Hiện nay bước làm đầu tiên là phải minh bạch để xử lý trong từng vấn đề.

- Vậy vấn đề thành lập công ty xử lý nợ xấu nên có quy mô như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Công ty này sẽ trực thuộc chính phủ và không liên quan tới cơ quan nào khác. Nhưng điều quan trọng là nguồn vốn lấy ở đâu? Nhà nước quản lý thế nào? Giả sử phải giải quyết nợ xấu ở con số 10 nhưng không phải là nợ xấu giảm xuống bằng 0 mà giảm tới mức chấp nhận được. Nguyên tắc của công ty này là tối thiểu hóa chi phí của nhà nước.

Ông Nguyễn Thái Dũng: Lượng tiền trong dân đang còn nhiều. Muốn khơi thông nguồn vốn của dân phải khơi thông vĩ mô mà như TS Thành khẳng định các chính sách vĩ mô của chúng ta đang ổn định. Nếu chúng ta kiên định được chính sách vĩ mô sẽ khiến người dân “mở hầu bao”. Đây là tín hiệu tích cực cho năm 2013. Chính phủ đang cân nhắc giữa giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước (bằng việc giãn, giảm các loại thuế) và việc giảm chi nhưng theo tôi Chính phủ nên tìm cách giảm thuế cho DN.

Việc giảm thuế TNDN không tác động lớn tới thị trường bởi DN có lãi mới phải nộp thuế này. Vì vậy theo tôi cần giảm các loại thuế khác (như TS Thành cho biết là Bộ Tài chính đang có dự định giảm thuế GTGT cho một số phân khúc nhà của thị trường BĐS).

PGS TS Phạm Tất Thắng: Việc cứu DN là cấp thiết và nếu không cứu được lực lượng nòng cốt này thì cả nền kinh tế sẽ rất khó khăn. Có lẽ chưa bao giờ trong năm 2012 Nhà nước lại đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN tới vậy. Vấn đề cấp thiết vẫn là làm sao giảm lãi suất cho vay xuống để hỗ trợ cho DN. Thủ tục hành chính cũng đang tạo ra chi phí rất lớn cho DN, cần xem xét để giảm các chi phí này.

Các giải pháp quản lý thị trường của nhà nước phải được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng và đòi hỏi sự kiên quyết từ Chính phủ. Có như thế mới giúp cho DN trụ được hoặc “nhúc nhắc” đi lên trong năm 2013.

Tôi thì không cảm thấy mừng lắm về con số xuất siêu trong năm nay vì chúng ta chưa có nhiều thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng. Điều này chỉ phản ánh một điều là cán cân ngoại tệ của chúng ta đỡ căng thẳng hơn. Rất nhiều mặt hàng, ngành hàng phải xuất khẩu được – điều này phản ánh sức khỏe của DN xuất khẩu. Cán cân này sẽ được đảo lại trong năm 2013, nhập siêu ở mức nào đó thì mới đáng mừng.

- Trong lúc thị trường nhiều khó khăn thì các nhà bán lẻ đa quốc gia lại tiến vào VN. Ông nhận định thế nào về năng lực cạnh tranh của nhà bán lẻ VN ?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Chúng ta đang là nước nhập siêu, bây giờ lại xuất siêu. Điều này phản ánh không tốt ở khía cạnh thị trường vì điều này cho thấy nền kinh tế đang có sức ì, các DN không nhập máy móc, hàng xa xỉ cũng ít được nhập về...

Nhưng điều này cũng phản ánh xu hướng người tiêu dùng đang ưu tiên hàng Việt Nam nhất là hàng tiêu dùng.

PGS TS Phạm Tất Thắng: Các nhà bán lẻ VN cần “nhìn lại mình” bởi với tiềm lực tài chính, quản trị... các nhà bán lẻ nước ngoài đang mua lại các thương hiệu ngành hàng tiêu dùng tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ (hay thậm chí là lớn) tới thị trường tiêu dùng. Nhưng chúng ta còn công cụ là thỏa thuận với WTO về điều kiện kinh tế. Vì vậy, các DN phân phối bán lẻ VN cũng đang có thời gian để củng cố tiềm lực tài chính, quản trị.

Mặt khác, nhìn vào các siêu thị, các trung tâm phân phối hiện đại, hàng Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, tỷ trọng lên tới 90 – 95%. Điều này chứng minh hàng Việt Nam bắt đầu có tín nhiệm với người Việt Nam. Tuy nhiên, ở các kênh phân phối truyền thống (đang chiếm tới 70 – 80% thị trường) lại đang là kênh của “hàng Trung Quốc). Đây chính là thị trường các DN bán lẻ của VN đang để ngỏ.

Ông Võ Trí Thành: Hàng Việt Nam chúng ta dùng nhiều rồi nhưng dịch vụ chúng ta đã dùng của VN hay chưa? Khi phân tích về ngành phân phối bán lẻ chúng ta mới phân tích trong nội tại của ngành này mà chưa nhìn rộng ra về sức lan tỏa của ngành này tới nền kinh tế. Trong 6 năm qua khi gia nhập WTO, một trong những ngành phát triển tốt nhất là ngành phân phối bán lẻ vì 2 điều: DN có môi trường để học hỏi và đã dám chấp nhận cạnh tranh. Dù chúng ta có ưu tiên hàng Việt, dịch vụ Việt thì cũng phải nhìn nhận rằng, từ việc cạnh tranh với các DN ngoại, các DN nội.

Bài học từ khủng hoảng

- Nhờ cuộc khủng hoảng này chúng ta nhìn thấy cơ may, vẫn nhìn thấy “tia sáng” trong đêm tối. Vậy bài học rút ra là gì ?

Ông Võ Trí Thành: Chúng ta phải “thực” hơn trong phát triển kinh tế, xây dựng chính sách. Năm 2013 nếu làm được điều này sẽ là năm vẻ vang của cả nền kinh tế, của DN.

- Các giải pháp kích cầu thị trường tiêu dùng chúng ta vừa bàn tới mới chỉ tập trung ở các đô thị mà bỏ quên mất một thị trường rộng lớn – khu vực nông thôn. Đây có phải là nơi chúng ta nên đầu tư hay không?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Môi trường đầu tư và hệ thống phân phối của chúng ta hiện nay khó có thể đón sự đổ bộ của NĐT nước ngoài, bởi mức độ hấp dẫn về thị trường của chúng ta đã giảm sút. Tuy nhiên, để đánh giá sự hấp dẫn của thị trường thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vẫn có nhiều chuyên gia nhận định rằng VN là một thị trường rất tiềm năng.

Tuy nhiên khi tìm hiểu sâu thì chúng ta lại thấy những điểm yếu, trong đó phải kể đến việc chính sách chưa ổn định, giá BĐS còn rất cao đối với các nhà phân phối. Để trở thành địa chỉ đắc địa trên bàn cân so với các quốc gia khác thì sức cạnh tranh của chúng ta kém hơn. Cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng còn rất hạn chế khiến mức độ lưu thông hàng hóa cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực, kinh doanh thương mại của chúng ta cũng còn nhiều rào cản. Đó là những lý do chủ yếu giải thích vì sao các nhà phân phối chưa thực sự mặn mà vào VN so với các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…

Liên quan tới việc lối thoát cho hàng VN trong hệ thống phân phối nội địa thì chúng ta có thể nhìn thấy rằng, một số hàng VN trong các kênh siêu thị chiếm tỷ trọng lớn. Thế nhưng, chúng ta chưa chú trọng kiểm soát được kênh phân phối ở vùng sâu vùng xa. Hiện nay có thể nói cái hàng chất lượng kém nhập khẩu đang len lỏi vào thị trường nông thôn. Thời gian qua, nhiều DN cũng đã thực hiện đưa một số chuyến hàng về nông thôn nhưng chỉ là rất nhỏ và chưa đáp ứng được nhu cầu thực. Vì vậy, thời gian tới cần có chính sách rõ ràng và đẩy mạnh hơn nữa đầu tư và có công tác hỗ trợ phân phối, giám sát kênh bán lẻ truyền thống về nông thôn. Thực tế cho thấy khi hàng về nông thôn thì bà con rất phấn khởi và hào hứng. Thế nhưng, khâu tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả để có sức lan tỏa tới vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy, vai trò của Sở công thương ở các tỉnh thành cần được đẩy mạnh. Khi chúng ta đẩy mạnh việc này thì các DN VN sẽ tăng cường sản phẩm của mình và đóng góp vào GDP của đất nước.

- Bộ Công Thương đã có đề án phát triển kênh phân phối nội địa. Nhưng có vẻ như việc thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn trong khi đây lại là dư địa rất lớn của các DN kinh doanh, sản xuất?

PGS TS Phạm Tất Thắng: Trong những năm vừa qua, với nhiều lực lượng trong và ngoài nước một mạng lưới siêu thị kinh doanh đang hình thành trên khắp đất nước VN, và họ đã nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng VN. Có nhiều cách để phát triển rộng hệ thống này, như cách làm ‘khôn ngoan’ của BigC đó là đặt siêu thị tại trung tâm lớn nhưng lại cho xe đón người miễn phí ở các thị trấn, xã để mua hàng. Hệ thống siêu thị quan trọng trong việc thực hiện dân sinh.

Chúng ta đã có hình thức nhượng quyền thương mại để phát triển hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, tại VN vẫn tồn tại một số vấn đề như: xây dựng các chợ đầu mối chưa tốt. Nở rộ xây dựng những mô hình hiện đại như sàn giao dịch nhưng dần dần lại im lìm và rút khỏi thị trường.

Ông Võ Trí Thành: Trăm năm qua, thế giới vẫn liên tục khủng hoảng tài chính và vỡ “bong bóng BĐS” và chúng ta đã mất rất nhiều thời gian tiền bạc để rút lại bài học. Nhưng tôi khẳng định rằng điều này vẫn sẽ xảy ra trong tương lai và đây cũng là sự đau đớn nhưng cũng là sự thú vị của nền kinh tế, của loài người.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ:: Theo tôi, những diễn biến của thị trường BĐS hiện nay không có gì bất ổn cả. Chúng ta bước vào thị trường BĐS với tư duy bao cấp ‘đất không có giá’, và từ đó cho tới nay chúng ta luôn phải đổi mới tư duy để tiếp nhận những gì thực có của thị trường. Đây có thể nói là quá trình chuyển đổi tư duy rất lớn cộng với việc cơ chế rụt rè nên thị trường có những biểu hiện như vậy. Do đó, đầu tư nguồn nhân lực sẽ là bước đi cơ bản trong chiến lược tái cấu trúc dài hơi mà Việt Nam phải hướng tới.

Hội nghị diễn ra vào lúc 10h ngày 28-12-2012, tại Press-Club (59 Lý Thái Tổ, Hà Nội) và được báo Diễn đàn Doanh nghiệp tuờng thuật trực tuyến tại địa chỉ http://www.dddn.com.vn.

Tham gia hội nghị có các chuyên gia kinh tế, doanh nhân:

- Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

- PGS TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại

- GS.TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên – Môi trường

- Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C

Hội nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:

- Vấn đề 1: Bức tranh thị trường tài chính - tiền tệ 2013

- Vấn đề 2: Bất động sản khi nào chạm đáy?

- Vấn đề 3: Thị trường tiêu dùng – Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Theo Đăng lại