Dạy học kiểu Viettel: Đào tạo tức là không đào tạo

Sau nhiều năm nghiên cứu cách thức đào tạo nhân viên sao cho có hiệu quả, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đi đến kết luận: Đào tạo tức là không đào tạo.

Dạy học kiểu Viettel: Đào tạo tức là không đào tạo

Sau nhiều năm nghiên cứu cách thức đào tạo nhân viên sao cho có hiệu quả, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đi đến kết luận: Đào tạo tức là không đào tạo.

Kiến thức và kỹ năng do học viên “tự thân vận động”, còn thầy giáo chỉ đóng vai trò huấn luyện viên.
 

Theo cách đào tạo nhân viên truyền thống, hầu hết các học viên được nghe các bài giảng của giáo viên trên lớp, rồi sau đó sẽ trả bài, thực hành… Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này được ban lãnh đạo Viettel đánh giá là không cao và lạc hậu. Để tạo ra hướng đi mới, vài năm trước, hệ thống đào tạo Viettel đã có một sự thay đổi lớn về triết lý. Theo đó, khi mở các lớp đào tạo nhân viên, việc dạy kiến thức và kỹ năng của giáo viên bị hủy bỏ; thay vào đó, Viettel chỉ dạy văn hóa, binh pháp và cách thức quản lý đặc thù của tập đoàn này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel giải thích: “Kiến thức và kỹ năng thì mỗi nhân viên phải tự học, đó là khoản đầu tư cá nhân của họ khi bước vào Viettel. Chúng tôi chỉ trang bị cho nhân viên những điều mà không phải là người Viettel thì không thể dạy được”.

Ngoài việc không dạy kiến thức và kỹ năng, những lớp đào tạo của tập đoàn này được tổ chức theo mô hình huấn luyện viên và vận động viên chứ không theo kiểu thầy trò truyền thống. Trong các khóa đào tạo, người thầy đóng vai trò huấn luyện viên chỉ hướng dẫn và chỉnh sửa những sai sót, còn học viên tự luyện mọi kỹ năng cần thiết cho mình.

Bên cạnh đó, việc học cũng không giống thông thường mà theo cách rất… Viettel. Bước đầu tiên của quá trình mà học viên cần xác định là xem mình có vấn đề gì không. Khi tìm ra vấn đề thì học viên tự đặt câu hỏi, tìm lời giải cho vấn đề đó. Bước kế tiếp là kiếm thông tin và tìm đúng cái cần đọc, người cần hỏi. Và sau đó, khi tìm được tài liệu hoặc người tư vấn thì phải biết cách đọc và đặt những câu hỏi tại sao để khai thác thông tin.

Chưa hết, các học viên của lớp còn phải chịu thêm một ràng buộc quan trọng: Chỉ cần một người không qua được kỳ thi sát hạch cuối khóa, toàn bộ lớp sẽ bị đánh trượt.

Khi lần đầu tiên áp dụng cách làm này, những người tham gia thử nghiệm cũng khá hoang mang. Trong vài tuần đầu, hơn 50 học viên không hiểu vì sao họ chỉ cần học tốt 1 chương của một quyển sách bất kỳ là có thể “tốt nghiệp”. Trước đó, họ hình dung sẽ phải hấp thụ một khối lượng kiến thức khổng lồ, chứ không phải chỉ nghiền ngẫm vài trang sách. Thế nhưng, các học viên Viettel cũng nhanh chóng nhận ra rằng, để hiểu thấu đáo khoảng 7 trang sách đó với khả năng trả lời tốt hàng loạt các câu hỏi tại sao có liên quan là không đơn giản và đòi hỏi những nỗ lực lớn, cùng cách làm hoàn toàn khác so với việc học ở trường trước đây…

Sau khóa học, những nhân viên của Viettel ngộ ra một điều quan trọng, nếu hiểu phương pháp luận để phát hiện và giải quyết vấn đề, họ có thể tìm ra cách riêng cho mình trong mọi trường hợp. Còn trong vài tháng mà chỉ được đào tạo về một số kiến thức, kỹ năng đặc thù, họ sẽ bị rối nếu gặp các tình huống mới.

Một lãnh đạo của Viettel chia sẻ: “Phần lớn mọi người học xong thì hay quyên, khi làm thì theo cảm tính chứ không nhớ lý thuyết và rất ít ánh xạ kiến thức đã học vào việc đang làm. Vì thế, trước mỗi hành động nên search xem có ai nói, làm gì về việc này không sẽ là cách học tốt nhất, ngấm nhiều nhất. Khi gặp vấn đề thực tiễn thì xem chuyện này đã được giải quyết, đề cập ở đâu chưa, có trường phái gì không rồi mới cùng suy nghĩ, thảo luận…”.

Trên thực tế, tại nhiều lớp học thông thường, các học viên cũng được dạy về tinh thần đồng đội, tính tập thể nhưng ít nơi cho thấy rằng bằng chứng nhãn tiền. Còn ở lớp học của Viettel, họ có thể thấy ngay, nếu không cùng nhau học tập và vượt qua khó khăn thì người có trình độ xuất sắc nhất cũng sẽ bị trượt bởi kết quả của người yếu nhất. Khó có bài học nào về tinh thần đồng đội lại rõ ràng hơn thế.

Xét về nguyên lý, phương pháp học nói trên của Viettel đã được không ít công ty trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, điều này khá mới tại Việt Nam. Cũng vì vậy, sau vài năm áp dụng, tập đoàn này muốn tìm thêm những lãnh đạo cấp cao từ bên ngoài (làm công tác đào tạo) để cùng chia sẻ và phát triển triết lý này nhưng không dễ dàng.

“Để thực hiện chiến lược trở thành công ty toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015, chúng tôi cần có thêm rất nhiều lãnh đạo được đào tạo theo phương pháp Viettel. Trong số đó, việc tuyển dụng một Phó giám đốc và Trưởng phòng cho Trung tâm đào tạo của Tập đoàn đang là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra và không dễ tìm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, có nhiều người chia sẻ với cách làm của mình và họ sẽ tìm đến để cùng Viettel tạo nên một công ty toàn cầu của Việt Nam”.

Nguyễn Thành

Theo Quảng cáo