Phụ huynh và giáo viên đều “đốt cháy giai đoạn”
Chị Hoàng Thị Dương có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị hành trang vào lớp 1, từ tháng 4 năm nay đã cho con đi học chữ ở nhà giáo viên. Tại đây, con cùng gần chục bạn khác được cô dạy viết và đọc chữ. Đến thời điểm này, trường chưa học chính thức nhưng con đã viết đẹp và đánh vần tốt. “Những phụ huynh trước mách phải cho con học trước nếu không ngay từ đầu năm cô chê con viết chậm, viết xấu ảnh hưởng đến tâm lý, giảm hứng thú học tập”, chị Dương nói.
Trong khi đó, chị Trần Phương Anh, có con vào lớp 1 một trường ở quận Đống Đa chia sẻ, chị cảm thấy có lỗi vì không cho con đi học sớm. Bởi lẽ, ngay buổi đầu tiên đến trường để làm quen, giáo viên chủ nhiệm hỏi: “Các con ai đã học chữ”? Hơn 40 cánh tay giơ lên, chỉ lác đác 1 vài bạn ngơ ngác, mếu máo trả lời cô rằng “chưa ạ”.
Chị tìm hiểu thì được biết, những phụ huynh xin vào lớp cô giáo chủ nhiệm đã gửi con đến nhà cô học một khóa luyện chữ nhiều tháng trước đó. Do vậy, khi vào lớp, những bạn được học tô chữ nhanh, đẹp được cô thưởng nhiều bông hoa còn bạn nào chưa học bị cô nhận xét: “Con viết sai dòng”; “Con cần cố gắng”,…và không thưởng hoa. Chị Phương Anh cho rằng: “Trẻ từ mẫu giáo vào lớp 1 chưa quen môi trường, trong khi có cháu được học chữ rồi, cháu khác lại chưa dẫn đến việc cô khen, chê khác nhau như vậy ảnh hưởng đến tâm lý các cháu”.
Vì tâm lý “chắc ăn”, sợ cô chê hoặc con mất tự tin, hào hứng nên nhiều phụ huynh đã lựa chọn phương án cho con đi học trước. Vì thế, trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đã đọc thông, viết thạo là chuyện không hiếm hiện nay. Mặc dù năm 2013, khi phong trào nhà nhà cho trẻ mầm non đi luyện chữ, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không dạy chữ cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn cho con tham gia các khóa học hè, học nhóm ở nhà giáo viên; luyện chữ ở trung tâm.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An cho biết, những năm trước, nhiều học sinh trong lớp được bố mẹ cho đi học trước. Cô giáo rất dễ nhận biết những bạn đã được học trước vì nét chữ rõ ràng, viết nhanh. Bên cạnh đó cũng có bạn được bố mẹ cho đi học cả 3 tháng hè nhưng vẫn rụt rè, viết sai. Theo cô Huyền, không nhất thiết cho trẻ học trước tuổi, hãy để trẻ vui chơi đúng lứa tuổi, khi vào lớp 1 giáo viên sẽ dạy từ đầu, trẻ sẽ có hứng thú để khám phá. Điều quan trọng là giáo viên tổ chức lớp học, động viên để học sinh giữ được niềm vui, sự hào hứng từ đầu năm.
Cần thay đổi nhận thức của người lớn
Tại Trường tiểu học Chu Văn An năm nay không dạy chữ trước khai giảng như mọi năm mà tập trung cho trẻ làm quen trường lớp, dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm; làm gì khi bị lạc, nhận và sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào, múa dân vũ, giới thiệu thư viện… “Học chữ trước hay sau không quan trọng, khi vào chương trình học sinh sẽ được dạy để đạt mục tiêu”, cô Huyền chia sẻ.
Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa năm nay cũng có 2 tuần trước khai giảng cho học sinh làm quen với môi trường mới, không dạy chữ. Trong khi đó, nhiều trường tiểu học khác đã cho trẻ học chữ, ghép vần.
Liên quan đến việc học chữ trước khi vào lớp 1, cô N.T.H - giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, nhu cầu học xuất phát từ phụ huynh nhưng quan trọng là nhiều giáo viên cũng nhận học sinh dạy trước ở nhà, ở các trung tâm. Theo cô H, chương trình học hiện hành quá nặng ngay cả với trẻ lớp 1. Nếu trẻ tự tin, sẵn sàng sẽ không quá khó khăn, nhưng với những trẻ nhút nhát, rụt rè thì nên cho trẻ làm quen trước để trẻ có sự tự tin.
Cô giáo này cho rằng: “Khi vào chương trình, tốc độ rất nhanh, cứ 1 buổi học 2 âm, trẻ học liên tục 1 tuần 10 âm sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Ở độ tuổi này học sinh khó có thể ghi nhớ và làm được ngay điều đó. Chưa kể sĩ số đông, trình độ trẻ không đồng đều. Trong lớp có cả trẻ tự kỷ, tăng động học hòa nhập nên cô không có thời gian đi đến từng bạn cầm tay uốn nét cùng chữ ”.
Cũng theo cô H, nếu được dạy học trọn vẹn ngày 2 buổi, trong các buổi chiều giáo viên có thời gian để học sinh thực hành. Tuy nhiên, hiện nay một số trường đã dành thời gian để học tiếng Anh, học nhiều nội dung khác từ lớp 1 dẫn tới tình trạng “tiếng Anh không rõ, tiếng Việt không thông”.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, thậm chí dạy trước 1 năm để biết viết, biết làm toán sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế từ năm 2013, Bộ đã có chỉ thị 2325 về việc cấm dạy trước.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non cho rằng quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của phụ huynh. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm rõ cho các nhà trường.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), mục tiêu giáo dục tiểu học vừa sức nhưng ở một số nơi, trong quá trình dạy học, giáo viên đã đẩy cao lên, gây áp lực cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên phải đánh giá học sinh theo Thông tư 22 . Theo đó, Thông tư này quy định giáo viên đánh giá học sinh dựa trên sự tiến bộ của trẻ, cấm so sánh em này với em kia, cấm chê bai tuy nhiên thực tế giáo viên chưa làm đúng. Điều này dẫn đến tình trạng phụ huynh sợ con bị cô chê sẽ ảnh hưởng tâm lý nên đành cho con học trước.