Máy đắp chiếu nhiều năm
Máy chụp X-quang tăng sáng truyền hình (model REX-525RF) nhãn hiệu Listem (Hàn Quốc) được đầu tư lắp đặt tại Trung tâm Y tế Sơn Dương mấy năm qua nhưng không được sử dụng. Đây là thiết bị nằm trong hạng mục cung cấp trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm (thuộc gói thầu Mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện năm 2016). Chủ đầu tư là Ban QLDA Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng tỉnh Tuyên Quang. Máy được Cty TNHH trang thiết bị Ánh Ngọc cung cấp, lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Dương từ tháng 2/2017.
Máy chụp X-quang tăng sáng truyền hình sử dụng kỹ thuật cao, hình ảnh thu được sau chụp cho chất lượng rõ nét và sáng hơn so với máy X-quang thông thường. Việc này giúp cho các bác sĩ, kỹ thuật viên quan sát được rõ ràng và chi tiết hơn để đưa ra những kết luận chính xác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo phản ánh, kể từ khi nhận lắp đặt tại đây, máy X-quang tăng sáng truyền hình hầu như không được sử dụng.
Sau đó, Trung tâm Y tế Sơn Dương đã đầu tư máy chụp X-quang khác để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2020, phim chụp X-quang tại bệnh viện hết. Tất cả bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều được hướng dẫn đóng tiền mua phim ngoài (tại nhà thuốc bệnh viện). Nhiều bệnh nhân nghèo (dù có bảo hiểm y tế) từ các vùng khó khăn lặn lội tới đây khám để hưởng dịch vụ chất lượng cao nhưng lại phải bỏ thêm chi phí mua phim. Đây là điều khiến người dân bức xúc, có ý kiến phản ánh.
Không có người vận hành
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế Sơn Dương thừa nhận, Trung tâm Y tế huyện là đơn vị thụ hưởng, máy chụp X-quang tăng sáng truyền hình được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Máy thỉnh thoảng được sử dụng để chiếu chụp thông thường, còn vận hành kỹ thuật cao phải có con người và thiết bị kèm theo (máy rửa phim). Khi được đầu tư, trung tâm chưa dự trù được thiết bị kèm theo và người vận hành.
Ông Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, máy đầu tư cho hai khu vực Sơn Dương và Chiêm Hoá với mục tiêu phát triển bệnh viện vùng. Ông Yên cho rằng máy vẫn hoạt động nhưng để tăng sáng truyền hình chỉ thực hiện trong một số trường hợp mổ kỹ thuật cao. Trong khi, mỗi năm, bệnh nhân ở Sơn Dương mổ kỹ thuật cao rất ít. "Nếu máy được trang bị ở vị trí đông bệnh nhân sẽ rất hiệu quả. Ngoài ra, để máy sử dụng hiệu quả còn phụ thuộc vào con người, bởi thực hiện các kỹ thuật cao, đòi hỏi người vận hành phải có trình độ" - ông Yên nói.
Về vấn đề thiếu phim xét nghiệm, Giám đốc Trung tâm Y tế Sơn Dương Đỗ Văn Minh xác nhận việc này xảy ra từ năm 2020. Nguyên nhân xuất phát từ việc kết quả đấu thầu của Sở Y tế. Ông Minh cho rằng đây là tình trạng chung của toàn tỉnh. Còn việc mua phim là dành cho bệnh nhân khám theo yêu cầu, bệnh nhân nào muốn lấy phim phải ra nhà thuốc bệnh viện mua, giá bán theo khung quy định của Nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang Nguyễn Thế Yên cho biết, theo quy trình, cuối năm 2020 các bệnh viện sẽ dự trù danh mục các trang thiết bị cho năm sau để Sở tổ chức đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, năm nay, do dịch COVID-19 tác động đến giá cả nên hơn 40 mặt hàng bị trượt thầu (trong đó có phim tại Trung tâm Y tế Sơn Dương). Hiện nay, Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu bổ sung các hạng mục thiếu. “Bảo hiểm sẽ không thanh toán nếu phim X-quang không trúng thầu. Theo nguyên tắc, nếu bệnh viện không đáp ứng được khám chữa bệnh thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, ông Yên nói thêm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, tình trạng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Sơn Dương phải ra ngoài mua phim vẫn diễn ra hàng ngày.
Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng (gọi tắt là dự án Norred) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được triển khai từ năm 2013 đến năm 2019. Dự án Norred được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang và 4 Trung tâm Y tế huyện (Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên và Sơn Dương). Từ dự án, đã có hơn 180 trang thiết bị y tế được hỗ trợ cho bệnh viện, trung tâm y tế. Trong hai năm 2016 - 2017, các loại máy y tế trang bị cho các bệnh viện trong tỉnh Tuyên Quang hơn 30,7 tỷ đồng. Trong đó, các loại máy trang bị cho Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa có trị giá 7,6 tỷ đồng, cho Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Dương có giá gần 5,4 tỷ đồng.