Dâu tây ồ ạt xuống phố, giá "rẻ như cho"
Đi dọc phố cổ Hà Nội, chị Ngọc Tuyền (35 tuổi, quận Hoàn Kiếm) được nhiều gánh hàng rong mời chào mua dâu tây giá rẻ. Dâu được đóng gói trong hộp nhựa trọng lượng 0,5kg - 1kg, bọc màng xốp nổ chống va đập kèm gói chống ẩm, giá 50.000 - 65.000 đồng.
Dù trên bao bì sản phẩm không có nhãn mác về nguồn gốc, xuất xứ, bà H. (chủ một gánh hàng rong) tự tin giới thiệu "dâu nhập từ Sơn La". Khi một số khách hàng nghi ngờ về mức giá, người phụ nữ vội lý giải "đang vào vụ thu hoạch nên dâu tây có giá 'mềm' nhất từ trước tới nay".
Thấy giá rẻ, lại bày bán tràn lan, chị Tuyền đắn đo, sau cùng quyết định không mua vì chưa rõ chất lượng, nguồn gốc.
"Đầu mùa dâu, tôi từng mua 400.000 đồng/kg, chưa từng thấy mức giá giảm mạnh như lời người bán. Vì nhà có trẻ nhỏ nên tôi chấp nhận mua giá cao tại các cửa hàng uy tín để đảm bảo an toàn", chị nói.
Mai Ngọc (21 tuổi) mua một hộp dâu tây được gắn mác "Mộc Châu - Sơn La, tươi, ngon, sạch", tại một khu chợ dân sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, với giá ưu đãi 39.000 đồng.
"Quả đỏ mọng, thơm, giá lại rẻ, phù hợp với sinh viên, nên tôi mua về ăn thử", Ngọc nói.
Bà S., chủ sạp hoa quả, đon đả giới thiệu dâu tây đang chính vụ thu hoạch nên trái chín đỏ, ngọt lịm và thơm. Mức giá giảm mạnh so với tháng 2, dao động 39.000 đồng - 50.000 đồng/hộp tùy kích thước và trọng lượng.
"Nhà chúng tôi chỉ bán dâu Sơn La", người phụ nữ khẳng định. Bà cho hay, dâu về đều đặn theo ngày, số lượng lớn. Nhiều tiểu thương trong chợ cũng bắt kịp xu hướng, nhập dâu tây về bán tràn lan, từ đó tăng tính cạnh tranh.
Không riêng chợ dân sinh, cửa hàng trái cây và gánh hàng rong, "chợ dâu tây" trên mạng xã hội cũng sôi động không kém. Gõ từ khóa "dâu tây giá rẻ", các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng chục hội nhóm buôn bán sôi nổi, "mức giá hấp dẫn".
Tại đây, dâu tây được rao bán rầm rộ với nhiều kích cỡ khác nhau và giá "rẻ như cho". Ngoài bán dâu theo hộp, nhiều cơ sở còn bán theo khay, thùng xốp,… Một số tiểu thương thậm chí còn kêu gọi "giải cứu" dâu tây, dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội.
"Xin đừng dùng từ 'giải cứu' cho dâu tây ngon chuẩn Mộc Châu. Không ai cần giải cứu một mặt hàng chất lượng tốt. Dùng từ 'giải cứu' để bán phá giá, là tự hạ thấp chất lượng dâu tây", một tiểu thương bức xúc lên tiếng.
Cần tỉnh táo dâu tây Trung Quốc gắn mác Sơn La
Theo các tiểu thương, dâu tây của Sơn La chủ yếu trồng tại Mai Sơn và Mộc Châu. Vụ dâu được trồng vào khoảng tháng 9-10, cho thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến giữa tháng 4 năm sau. Từ tháng 1-3 là thời gian cây cho quả ngon và chất lượng nhất.
Đây là năm thứ 8 gia đình chị Phạm Linh Trang trồng dâu tại Mộc Châu, chuyển bán lẻ tại thị trường Hà Nội. Thời gian này, cơ sở của chị bán trung bình 150 - 200kg dâu/ngày.
Chị công khai giá bán, dao động từ 160.000 - 270.000 đồng/kg, đủ kích cỡ như bi, nhỡ, to và siêu VIP.
Đầu tháng 2, một số khách hàng than mức giá này cao hơn nhiều so với... các bài đăng trên Facebook của những cửa hàng khác, song chị Trang khẳng định "tiền nào của nấy, đảm bảo chất lượng", yên tâm vì có một lượng khách hàng quen thuộc.
Người phụ nữ giải thích, năm nay Mộc Châu xuất hiện thêm nhiều nhà vườn trồng dâu, nhưng vì chưa có thị trường nên họ hạ giá để cạnh tranh.
"Cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá giảm, nhưng không đến mức chỉ còn mấy chục nghìn", chị nói.
Một tiểu thương khác cho hay, nhiều dân buôn lợi dụng thời điểm dâu Trung Quốc giá rẻ, đã gắn mác thương hiệu dâu Mộc Châu, Sơn La trên dâu Trung Quốc để bán kiếm lời. Bởi tâm lý ngại mua hàng Trung Quốc của nhiều người dân khiến một số dân buôn không dám công khai nguồn gốc.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin dâu tây Trung Quốc gắn mác Sơn La, được bán với giá siêu rẻ tràn lan nhiều nơi.
Theo ông Huệ, Sơn La đang rộ vụ, nhưng không có mức giá rẻ như ở thị trường Hà Nội. Hiện, giá bán dâu tây tại tỉnh này ở mức 100.000 - 300.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).
"Chúng tôi yêu cầu các hợp tác xã phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có tem bảo vệ thương hiệu. Khi xuất bán, dâu tây được đóng gói bao bì và nhãn mác theo đúng quy định", ông Huệ nói.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La cho hay trên địa bàn cũng xuất hiện một số gia đình trồng và kinh doanh dâu tây nhỏ lẻ, bán giá thấp và trôi nổi ra thị trường.
"Chúng tôi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vào quy trình sản xuất. Còn với người tiêu dùng, cần đến các nhà vườn hoặc địa chỉ kinh doanh uy tín, mua sản phẩm chất lượng, có bao bì, nhãn mác, thương hiệu đàng hoàng", ông Huệ khuyến cáo.