Năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan thiên đô từ Phước Yên - bên bờ sông Bồ, lên Kim Long - bên bờ sông Hương. Rồi chúa Nguyễn Phúc Thái cho chuyển thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân.
Đầu triều Nguyễn, vào năm 1805, công cuộc kiến tạo kinh đô Huế bắt đầu. Trước đó đã có bước khảo sát thực địa và quy hoạch trong thời gian khoảng hai năm (1803-1804).
Trục Thần đạo và đất Thần kinh
Các nhà kiến trúc tài danh đã vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc dịch học và thuật phong thuỷ phương Đông trong xây dựng kinh đô.
Theo đó Dương cơ được xây dựng ở bờ bắc sông Hương. Âm phần (lăng tẩm) và các công trình liên quan đến đời sống tâm linh hầu hết bố trí ở bờ nam, hình thành một trục theo hướng chính nam.
Ngày nay, các nhà kiến trúc - quy hoạch vẫn gọi đó là trục Thần đạo. Trục Thần đạo gắn với đất Thần kinh, gắn với một thành phố có đời sống tâm linh và văn hoá tâm linh.
Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, về cơ bản, Huế vẫn giữ được diện mạo một đô thị đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam quy hoạch và xây dựng.
Phía bắc thành phố Huế có Phò Trạch, Tứ Hạ, Hương Sơ. Phía nam có Phú Bài, Chân Mây - Lăng Cô. Phía đông có Thuận An. Phía tây có Bình Điền. Bên cạnh trung tâm đô thị Huế, về phía đông nam, có các khu đô thị mới như khu An Cựu City, khu đô thị mới An Vân Dương...
Thế nhưng Nếu như chẳng có sông Hương/Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi. Đó là thơ của Huy Tập. Trước đó nữa, Bùi Giáng Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Nếu không có sông Hương soi bóng, đô thị Huế sẽ mất bản sắc, mất nhan sắc, mất chiều dày lịch sử.
Mở rộng Huế về phía nam và tây nam, nhiều người quan ngại sự va chạm đến trục Thần đạo. Đó cũng là lý do, khi triển khai dự án xây dựng khu khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, nhà đầu tư bị phản ứng mạnh mẽ và dẫn đến phá sản.
Đâu là tài nguyên của Huế
Mở rộng về phía đông, theo dọc đôi bờ sông Hương và hạ lưu sông Bồ, xem ra rộng rãi, thoáng đãng hơn. Từ đầu thế kỷ XIV, trung tâm của xứ Thuận Hóa là thành Hóa Châu, nằm ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ. Các chúa Nguyễn từng hai lần lựa chọn vùng hạ lưu sông Bồ để xây dựng thủ phủ là Phước Yên và Bác Vọng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Tôi cứ nghĩ sông Hương là một tấm gương sáng trưng của thành phố Huế và, do đó, những gì là xinh đẹp, là tiêu biểu nhất của Huế đều sẽ in bóng trên sông Hương. Vả lại, người Huế không phải là những người đơn bạc đối với lịch sử”.
Bến Nghinh Lương Đình trước kinh thành
Xuôi theo sông Hương từng có cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh vang bóng một thời với vai trò cận cảng của kinh đô Phú Xuân. Đôi bờ hạ lưu sông Hương, sông Bồ giàu trầm tích văn hóa, được kết nối với phá Tam Giang - biển bạc - đồng xanh sẽ tạo thành một đô thị với các đặc thù du lịch, thuỷ hải sản, gắn với một vùng kinh tế nông nghiệp hậu cần cho cả Huế cũ và Huế mới.
Một đô thị phát triển thì không gian của nó phải gắn với tài nguyên. Tài nguyên của Huế là thiên nhiên và di sản văn hoá. Nhiều thành phố phát triển trên thế giới đều có mô hình tụ về đôi bờ một dòng sông.
Thành phố bên sông Hương là mô hình đã định hình. Theo KTS Hoàng Đạo Kính, mô hình đô thị Huế là đô thị di sản, nên phát triển theo hướng đô thị sinh thái hậu công nghiệp. Các đô thị vệ tinh không nên bành trướng hạ tầng mà chuyển hoá không gian mềm mại, có sự cộng sinh của các thành phần di sản và thiên nhiên.
Nói cách khác, mọi hướng phát triển của các đô thị vệ tinh đều phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và chung sống hài hoà với thiên nhiên, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên với các giá trị phong thuỷ, mỹ thuật và sinh thái.