Chậm nói và khi được 5 tuổi, bé La Na (ngụ tại quận 8, TPHCM) không muốn giao tiếp với người khác và thường thích ở một mình. Thấy những biểu hiện bất thường kéo dài của con gái, chị Trần Mỹ Thương đưa La Na đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) thăm khám. Tại đây, La Na được bác sĩ xác định bị rối loạn tự kỷ. Chẩn đoán của bác sĩ khiến người mẹ suy sụp tinh thần, chị ân hận vì không đưa con đến gặp bác sĩ sớm hơn.
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, tất cả trẻ em cần được khám nhằm tầm soát phát triển và hành vi ở các giai đoạn từ 9 tháng, 18 tháng và 30 tháng, hoặc bất cứ khi nào phụ huynh lo ngại về phát triển và hành vi của trẻ. Đặc biệt, ở độ tuổi 18 tháng và 24 tháng, một số trẻ cần phải được tầm soát rối loạn phổ tự kỷ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam các vấn đề liên quan đến tâm lý của trẻ chưa được phụ huynh quan tâm, nhiều người vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết đã khiến con trẻ mất đi “thời gian vàng” trong can thiệp tâm lý để có cuộc sống bình thường như những trẻ khác.
Theo BS Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, những trẻ có các biểu hiện, hành vi như chậm nói, tăng động, ít giao tiếp cả bằng ngôn ngữ và hành động, lo lắng quá nhiều, hay sợ, trầm buồn, ít tuân thủ quy định, dễ nóng giận… phụ huynh cần đưa đi khám tâm lý. Ngoài ra, những trẻ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về phát triển như sinh non, nhẹ cân, có bệnh lý mạn tính cũng cần được theo dõi và tầm soát các lĩnh vực phát triển hoạt động và hành vi.
Bên cạnh đó, các phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu thêm về sự phát triển và cách nuôi dạy trẻ lành mạnh, phụ huynh có trẻ từ 9 tháng, 18 tháng, 30 tháng muốn đánh giá phát triển cho trẻ; phụ huynh có trẻ 18 tháng hoặc 24 tháng muốn tầm soát rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ cũng nên đưa con đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Thời gian vàng để can thiệp tâm lý cho trẻ là dưới 3 tuổi, tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo, để đạt được hiệu quả tối ưu thì trẻ cần được phát hiện, can thiệp càng sớm càng tốt. Thông qua thăm khám, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá 5 lĩnh vực phát triển ở trẻ gồm: vận động thô; kỹ năng ngôn ngữ; giải quyết vấn đề qua vận động và thị giác; kỹ năng tự lập; kỹ năng cảm xúc – xã hội. Bên cạnh đó trẻ sẽ được tầm soát các vấn đề về tâm lý - tâm thần, rối loạn hành vi khác nếu có.
Những trẻ được chẩn đoán có vấn đề về tâm lý – tâm thần, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh các kỹ thuật cơ bản trong nuôi dạy trẻ, can thiệp các hành vi không mong đợi như la hét, giận dữ, nằm vạ. Các bác sĩ sẽ cung cấp phương án nhằm gia tăng các hành vi mong đợi giúp trẻ tuân thủ quy định khi ở nhà, ở trường đồng thời hướng dẫn phụ huynh những hoạt động vui chơi phù hợp với khả năng của trẻ.