Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.
Chúng ta vẫn nghĩ nhồi máu cơ tim giống như các bộ phim vẫn chiếu trên truyền hình là một người đột ngột ôm lấy ngực và ngã ra. Nhưng thực sự không phải vậy, nhiều người chỉ có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu ở dưới xương ức. Các dấu hiệu này có thể thoáng qua rồi lại bình thường ngay. Thậm chí, những người nhồi máu cơ tim có thể không nhận thấy triệu chứng này cho đến khi có những triệu chứng đau khác xảy ra.
Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?
Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 50 tuổi là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.
Theo các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, 95% người bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy một vài dấu hiệu bất ổn trước đó vài tháng.
Mệt mỏi một cách bất thường: Đó có thể là mệt bải hoải, uể oải khi thức dậy hay khi thực hiện những việc quen thuộc mà trước đây vẫn có thể thực hiện bình thường.
Đau quai hàm: Cảm giác khó chịu hoặc đau ở xương hàm. Bạn có thể thấy đau tức ở bên trong và xung quanh hàm trên/dưới, hoặc đau ở cả 2 bên hàm. Cơn đau này có thể xuất phát từ ngực lên đến quai hàm của bạn.
Đau cổ: Cảm giác khó chịu hoặc đau ở cổ. Những người đã bị một cơn đau tim thường có cảm giác khó chịu ở cổ, nghẹt thở hoặc nóng trong cổ họng. Sự khó chịu này có thể lan từ ngực lên vai rồi sang cổ.
Khó thở, hụt hơi, chân tay rã rời: 86% người bệnh gặp phải tình trạng báo động này trước khi cơn nhồi máu tim đến gần. Khó thở, hụt hơi có thể khiến người bệnh đang đi lại hay đang đứng làm việc phải ngồi thụp xuống mới thở được, mặc dù đó vẫn là các công việc họ vẫn làm hàng ngày.
Đau vai: Cảm giác đau và nhức bên trong hoặc xung quanh một hoặc cả hai bên vai của bạn. Gia tăng áp lực một cách nặng nề lan từ ngực lên vai là cảm giác mà nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường xuyên trải qua.
Đau cánh tay: Cơn đau ở cánh tay còn kèm theo cảm giác tê, ngứa ran và gây khó cử động tay. Chủ yếu bệnh nhân thường gặp tình trạng này ở tay trái.
Đau ngực, nặng ngực cho đến khó chịu ở trước vùng tim: 57% ở người nhồi máu cơ tim có dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim đến gần bằng các cơn đau tim, đau thắt ngực dữ dội. Số còn lại có thể chỉ xuất hiện tình trạng nặng ngực, khó chịu hay nóng rát ở ngực (cảm giác ngực bị vật nặng đè nén, tê hay nóng rát…)
Hoa mắt: Khi trái tim không khỏe khiến công suất làm việc không ổn định, dẫn đến tình trạng giảm áp lực bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng thiếu máu lên não. Vì thế có thể gây ra hiện tượng hoa mắt hay choáng nhẹ.
Toát mồ hôi lạnh: Mặc dù trong thời tiết bình thường nhưng cơ thể bạn vẫn toát mồ hôi và có cảm giác lạnh, đó cũng là dấu hiệu báo động cơ thể đang hoạt động không bình thường và bạn không nên chủ quan khi gặp dấu hiệu này bởi có thể nó là lời cảnh báo sớm cho cơn nhồi máu cơ tim.