Dấu hiệu con dậy thì sớm cha mẹ cần lưu ý

Bé gái A. Th. từ khi 6 tuổi đã phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt... khiến cha mẹ lo lắng.
Hiện nay, tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý. Ảnh: A.N

Lần đầu tiên thấy con gái có kinh nguyệt, gia đình lo lắng nghĩ cháu bị xâm hại tình dục. Đến bệnh viện khám, bố mẹ mới biết con bắt đầu hành kinh.

Gống bé gái, trẻ nam cũng có thể bị dậy thì sớm. 7 tuổi, Tiến Nam đã cao hơn các bạn cùng trang lứa, cơ thể vạm vỡ, giọng nói ồm ồm, mặt xuất hiện trứng cá, mọc lông mu. Gia đình thấy con bất thường nên đưa em đi khám. Bác sĩ cho biết Tiến Nam mắc hội chứng dậy thì sớm, nếu không điều trị đến lúc trưởng thành sẽ mất cơ hội phát triển chiều cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện tượng trẻ dậy thì sớm ở nước ta ngày càng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của trẻ.

Giai đoạn dậy thì thường kéo dài từ 3 đến 5 năm. Trẻ nam dậy thì sớm thường tăng trưởng chiều cao rất nhanh, từ 10 đến 15 cm một năm, giọng trầm, mọc trứng cá, lông mu, ria mép, cơ bắp vạm vỡ, thể tích tinh hoàn tăng trên 4 ml và có mùi cơ thể. Trẻ gái dậy thì sớm tuyến vú to bất thường, có thể to một bên, âm đạo tăng tiết nhày, kinh nguyệt trước 8 tuổi, lông mu và lông nách xuất hiện trước hoặc sau khi tuyến vú to ra. Các bé trai có biểu hiện dậy thì trước 10 tuổi và các bé gái dậy thì trước 9 tuổi được gọi là dậy thì sớm.

"Dậy thì sớm khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý, dễ rơi vào lo lắng, hoang mang, tự ti về thân hình của mình, có nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn", bác sĩ Hoàn nhấn mạnh. Mặt khác, trẻ dậy thì sớm cũng dễ đối mặt với nhiễm trùng sinh dục, bất lực do thủ dâm sớm và kéo dài lúc nhỏ tuổi. Nhiều phụ huynh khi thấy con dậy thì sớm, thân hình vạm vỡ hơn các bạn thường tự hào. Tuy nhiên, những trường hợp này đến tuổi trưởng thành chắc chắn sẽ lùn hơn so với chiều cao tiêu chuẩn vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến không thể phát triển chiều cao.

Theo bác sĩ Hoàn, ngày nay trẻ dậy thì sớm hơn ngày xưa nhiều do môi trường sống, thực phẩm tồn dư chứa nhiều chất kích thích. Bởi vậy, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi khi con gái có tuyến vú sớm trước 8 tuổi, con trai có tinh hoàn phát triển trước 9 tuổi. Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những tiến bộ của y học điều trị dậy thì sớm khả quan. Thường bác sĩ phải tiêm thuốc ức chế trục đồi tuyến yên để ngừng những dấu hiệu phát triển dậy thì sớm của trẻ. "Thuốc nội tiết dành cho trẻ cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh không tự ý đưa con đi tiêm hormone để kìm hãm sự phát triển của trẻ", bác sĩ cảnh báo. Với trẻ nhỏ, ăn uống điều độ, tập luyện thể thao và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc là điều quan trọng hơn cả.

Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, chia sẻ với trẻ những cảm giác lo lắng nhằm giải tỏa gánh nặng về tâm lý, tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Theo Vnexpress