Làm việc với tiến độ chậm chạp
Khi đến công sở, mối quan tâm hàng đầu của bạn không phải là công việc mà là những vấn đề bên lề khác. Bạn ưu tiên giải quyết những vấn đề không liên quan đến công việc trước, hoặc cố tình tạo ra cái “cớ” để trì hoãn tiến độ làm việc, đó chính là những dấu hiệu bạn đang bất mãn hoặc không hài lòng với công việc bạn đang làm.
Lo lắng mỗi khi ngày làm việc mới bắt đầu
Mỗi sớm mai thức giấc, bạn cảm thấy một ngày dài buồn tẻ đang đến với mình, thậm chí thấy căng thẳng, mệt mỏi mỗi khi nghĩ đến chuyện đi làm. Ngay cả ngày cuối tuần bạn cũng không thể nghỉ ngơi, thư giãn như mọi người mà thấy đó là ngày chán nản bởi đầu tuần đang tới, bạn sẽ lại bị cuốn vào guồng xoáy của một công việc tẻ nhạt.
Không muốn giúp đỡ đồng nghiệp
Các nghiên cứu tâm lý cho thấy khi bạn đang mang tâm trạng tồi tệ, bạn sẽ ít hoặc không có xu hướng muốn giúp đỡ người khác. Trong công việc cũng vậy, với một tâm lý u uất và chán chường, bạn không màng làm công việc của chính mình thì còn nói chi đến chuyện giúp đỡ đồng nghiệp.
Cảm thấy ngày làm việc dài lê thê
Bạn luôn ngước nhìn đồng hồ và thường có thói quen đếm ngược thời gian để hi vọng giờ tan sở đến thật nhanh. Bạn còn có thói quen đi muộn về sớm để hạn chế bớt thời gian phải “chôn chân” ở nơi làm việc.
Không muốn “kết bạn” nơi công sở
Khi đi làm, mỗi người đều có ít nhất một người bạn ở nơi làm việc. Thế nhưng với bạn, tất cả mọi người đều là những người xa lạ, bạn không muốn chủ động kết bạn với bất cứ ai mà chỉ muốn xây cho mình một “ốc đảo” riêng để không liên quan đến người khác. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy bạn hoàn toàn không hứng thú với công việc hiện tại.
Cố tình giấu “tài”
Bạn có thừa khả năng để giải quyết một công việc nào đó, tuy nhiên bạn bằng nhiều cách đã trì hoãn tiến độ làm việc hoặc than thở khó khăn để đùn đẩy cho người khác. Điều này cho thấy bạn không có hứng thú với công việc và bạn cảm thấy chẳng tội gì phải nỗ lực vì một công việc bạn đang chán ghét.
Luôn tự ti về bản thân
Bạn luôn cho rằng so với các đồng nghiệp, bạn còn kém họ rất nhiều mặt. Xuất phát từ tâm lý đó, bạn bắt đầu cảm thấy e dè và ngại đối diện trong công việc. Càng ngày suy nghĩ đó càng ăn sâu vào tiềm thức của bạn, cản trở bạn không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn cả trong quan hệ với đồng nghiệp. Dần dần nó sẽ “đánh cắp” niềm đam mê, hưng phấn của bạn trong công việc và cuối cùng sẽ khiến bạn bỏ công việc.
Tìm kiếm thông tin tuyển dụng
Bạn lặng lẽ truy cập nhiều trang web tuyển dụng, bạn cũng không ngần ngại dò hỏi những người thân quen để hi vọng có thể tìm kiếm một công việc mới. Ngoài ra, bạn còn chuẩn bị sẵn những bộ hồ sơ xin việc để có thể sử dụng bất cứ khi nào cần. Điều này cho thấy với bạn, sức hút của công việc hiện tại đã không còn, và bạn sẽ không ngần ngại nói lời chia tay nếu một ngày không xa bạn tìm được một công việc mới.
Theo Khổng Thu Hà
Tuổi Trẻ/Positive