Mình là sinh viên tỉnh đang theo học tại một trường Đại học ở Sài Gòn đông đúc này. Nhà làm nông, mỗi tháng bố mẹ chắt bóp được hơn 1 triệu gửi lên cho mình.
Số còn lại, mình tìm đến công việc tiếp thị bia tại các quán nhậu để trang trải học phí và mưu sinh trên đất Sài Gòn. Công việc này chỉ cần có ngoại hình một chút là làm được, tiến công lại cao và nếu khéo miệng một chút là thu nhập khá rủng rỉnh.
Nghề tiếp thị bia cũng lắm nỗi ê chề. Ảnh minh họa: Tiến Đạt.
Bước vào nghề, mình được huấn luyện phải nói năng làm sao, đi đứng thế nào để khách không phật ý. Dĩ nhiên, mình cũng được truyền đạt những kỹ năng giải quyết những tình huống oái oăm khi gặp phải để làm vui khách, nhưng bản thân cũng cố gắng không rơi vào những cái gọi là cạm bẫy. Làm PG cho các hãng bia rượu, mình an tâm phần nào vì dù sao trang phục yêu cầu không đến mức quá ''mát mẻ''. Ấy thế mà, rắc rối lần lượt cứ đến với những nữ sinh chuyên đi "mời mọc" như bọn mình.
Khách đến quán xuất thân từ rất nhiều thành phần, nếu phục vụ khách lịch sự thì đó thật sự may mắn. Những hôm gặp mấy đứa trẻ trâu mới lớn, thanh niên choai choai hoặc những người đàn ông bằng tuổi bố mình ở nhà, mình bị buộc phải gọi bằng “anh” ngọt xớt. Mặc cho họ yêu cầu đủ điều, thậm chí lợi dụng đụng chạm, mình vẫn phải tươi cười niềm nở. Đôi khi, họ bóng gió muốn gặp riêng để trao đổi công việc, mình vẫn phải nhã nhặn từ chối để không làm mất lòng. Chỉ cần khách than phiền điều gì, chúng mình bị mất việc, trừ lương như chơi.
Khách đến quán thường đi theo từng tốp, mỗi người chuộng một loại bia khác nhau. Khi họ vừa ngồi xuống, những cô bạn đồng nghiệp ở các nhãn hàng khác cũng đến. Mỗi lần như vậy, ngoài việc thuyết phục bằng những kỹ năng sẵn có, ai biết cách tạo ấn tượng và hài lòng với thực khách thì sẽ thắng. Để có doanh số, nhiều lúc chúng mình phải phá vỡ quy tắc bản thân, những cái nắm tay gượng gạo, cử chỉ thân mật ''nổi da gà'' hoặc để khách đụng vào người dần trở thành quá đỗi bình thường.
Thỉnh thoảng, mình hay bắt gặp bạn bè cùng trường, tụi nó không hiểu rồi vào trường đồn ầm lên, nào là “Con T. đi làm gái bán bar”, “Tối qua thấy nhỏ T. ngồi với ông già bằng tuổi ba nó trong quán nhậu”... Những người chưa gặp lần nào hoặc chưa tiếp xúc với mình bao giờ, nghe xong họ cũng chạy tám kiếp vì nghĩ rằng mình là gái hư.
Đi làm mệt mỏi suốt cả tối, sáng ra lên lớp học, mình còn bị xì xầm to nhỏ. Đến giảng viên cũng máy móc mình bằng cách bóng gió về những đứa con gái thích đi bar thâu đêm suốt sáng. Chán nản, nhưng mình không buồn giải thích, phần vì không có cơ hội, phần vì nghĩ lời nói gió bay, chắc cũng chẳng ai rỗi mà xì xầm về mình cả ngày.
Cho đến tuần trước, trong một bữa tiệc mừng năm mới của một công ty, có một ông khách say bí xỉ, mặc cho mấy anh nam trong quán khiêng ra taxi, ông vẫn nằm vạ và đòi mình phục vụ rượu để hàn huyên. Ông ấy quá say nên không còn biết gì, vừa uống vừa cợt nhả, thề non hẹn biển, đòi mua nhà cho mình...., mình chỉ biết cười và cố gắng dìu ông này ra xe.
Nào ngờ, bà vợ của ông ấy từ đâu bay lại tát mình một cái đau điếng, chửi mình xối xả là "bồ nhí", "mèo mả gà đồng"... Mình đứng như trời trồng, ê chề giữa đám khách, để mặc cho bà vợ nghiến răng chỉ tay vào trán chửi oang oang. Nhờ anh quản lý ra giải thích, mọi chuyện mới dừng lại, còn mình chỉ biết lầm lũi thu dọn áo quần ra, đạp xe trở về.
Nhiều lúc chán nản cùng cực, mình muốn bỏ công việc này, nhưng nghĩ lại, thôi thì cứ ráng thêm, đỡ được đồng nào cho bố mẹ hay đồng nấy. Suy cho cùng, cuộc đời lúc nào mà chẳng phức tạp, những người không hiểu mình, xì xầm sau lưng mình cũng chẳng thể sống thay cho mình.
Nghĩ là vậy, nhưng mỗi tối trở về phòng trọ ẩm mốc, nằm vật ra chiếu, không buồn thay váy áo đẫm mùi bia rượu, mình rớt nước mắt tự hỏi: những gì đang phải đánh đổi liệu có phải là giá quá đắt?
IShare là chuyên mục để teen thoải mái chia sẻ tâm sự hay bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ vấn đề đang diễn ra xung quanh.Quan điểm của bạn có thể khác với quan điểm của iOne. Đừng ngần ngại chia sẻ nhé!