Dấu ấn từ những công trình thủy lợi

TP - Thời gian qua, nhiều công trình cống ngăn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bảo vệ hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp và dự trữ được nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Phối cảnh cống ngăn mặn trên 500 tỷ đồng ở Sóc Trăng

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (xây dựng trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang) có mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thời gian qua đã giúp điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất, hỗ trợ việc bố trí sản xuất ổn định cho các địa phương vùng hưởng lợi dự án.

Đây là dự án thủy lợi lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này, có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát mặn-ngọt để hỗ trợ các tỉnh hạ nguồn sông Mekong sản xuất nông nghiệp thuận lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng cực đoan.

Tại Kiên Giang, hệ thống cống vận hành giúp vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000héc ta đã được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Vùng sinh thái lợ chủ yếu mô hình tôm - lúa cũng đã cơ bản được kiểm soát, nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.

Nhiệm vụ của “siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé và các công trình liên quan là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000 héc ta thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là hơn 346.000 héc ta.

Đối với vùng sản xuất lúa - tôm, việc vận hành đồng bộ các cống trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh Kiên Giang quản lý, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ lúa trên địa bàn 2 huyện An Biên, An Minh.

Công trình không chỉ kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, mà còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

Cống ngăn mặn trên 500 tỷ sắp vận hành

Tại Sóc Trăng, Cống ngăn mặn Rạch Mọp do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đầu tư với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng, dự kiến vận hành cuối năm 2024, để kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 36.000 héc ta trên địa bàn 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu được triển khai tại huyện Long Phú, huyện Kế Sách và huyện Châu Thành. Các hạng mục công trình: Cống âu Rạch Mọp, cống Mương Khai 2, cống Trà Ếch, cống Cau Trường, cống Cái Trưng, cống Trà Quýt với tổng kinh phí xây dựng 900 tỷ đồng.

Công trình Cống âu Rạch Mọp được xem là trọng điểm của dự án phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt lớn ở khu vực Tây Nam bộ, chỉ nhỏ hơn cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang). Khi đưa vào vận hành, sẽ giảm thiểu ảnh hưởng mặn xâm nhập, tạo nguồn nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích đất tự nhiên 36.710 héc ta ở huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Châu Thành, TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang).

Từ thực tế trên, có thể thấy việc triển khai giải pháp công trình ứng phó hạn, mặn tại một số địa phương khu vực ĐBSCL thời gian qua rất kịp thời và đúng đắn. Ngoài những công trình, dự án phòng chống xâm nhập mặn đã, đang và sắp được triển khai, ngành nông nghiệp các địa phương cũng chủ động xây dựng những kịch bản mang tính thích ứng lâu dài với hạn, mặn theo từng thời điểm khác nhau, nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.