Đặt máy soi thực phẩm bẩn tại các chợ ở Hà Nội

TP - Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với UBND thành phố Hà Nội sáng qua, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát kiến nghị đặt máy kiểm định an toàn thực phẩm ngay tại một số chợ lớn ở Hà Nội.
Theo đề xuất của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, sẽ đặt máy soi thực phẩm bẩn tại các chợ đầu mối ở Hà Nội. ảnh: như ý

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cần nghiên cứu đặt thí điểm các trạm kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm ngay tại một số chợ lớn tại Hà Nội. Kinh phí hoạt động của các máy đo này được trích từ nguồn thu quản lý chợ. 

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đồng tình với ý kiến đặt trạm kiểm định ngay tại chợ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Nhà nước không nên đầu tư hàng loạt trạm kiểm định này mà phát triển theo hình thức xã hội hóa sẽ hiệu quả hơn.

Ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là việc mà Bộ Y tế, NN&PTNT và thành phố Hà Nội cần quan tâm nghiên cứu và có thể triển khai sớm có tính chất thí điểm. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm xem xét quy trình, thủ tục cấp giấy phép cho các loại máy kiểm định này. “Hà Nội nên làm ngay tại một số chợ lớn. Tôi tin là những người bán thực phẩm không an toàn sẽ khiếp ngay mà không phải phạt nhiều” - ông Vũ Đức Đam nói.

Về việc đầu tư hệ thống trạm kiểm định, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đã có máy kiểm định. Vấn đề là cần “mở cửa” để những đơn vị này cùng tham gia vào kiểm định thực phẩm...

Gà lậu đá tung các trạm kiểm soát

Vì sao có nhiều lực lượng tham gia ngăn chặn và xử lý hàng lậu ngay từ biên giới như hải quan, biên phòng, công an... mà gà Trung Quốc thải loại nhập lậu, thực phẩm không an toàn vẫn tung hoành và tràn vào Hà Nội và các tỉnh trong nội địa? Theo bà Mai, nếu không chặn được ngay từ biên giới thì khi gà lậu đã vào nội địa sẽ rất khó kiểm soát.

“Tôi thấy toàn những xe gà lậu từ 8 đến 10 tấn mà không hiểu sao vẫn đi lọt từ biên giới về đến Hà Nội?”, bà Mai đặt câu hỏi. Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị cuộc chiến chống gà lậu đang đứng trước nhiều thách thức khác, điển hình là cần tới 7 ngày để kiểm định và kết luận gà bị dịch cúm trong khi đó nếu trường hợp gà bị chết, bị hao thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể bị kiện bồi thường. Hành lang pháp lý cho việc xử lý phương tiện tham gia vận chuyển thực phẩm lậu đang có nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định các ngả hàng lậu thì cuối cùng điểm đến vẫn là Hà Nội do đó các lực lượng chức năng của thành phố cần phải “lên giây cót” mà chiến đấu với gà lậu và thực phẩm không đảm bảo an toàn. Thành phố cần tăng cường lực lượng kiểm soát trên các tuyến giao thông vào Hà Nội để ngăn chặn thực phẩm bẩn. 

“Tôi cho rằng không thể nhẹ tay với các đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm không an toàn. Thành phố cần đóng cửa ngay với các trường hợp này. Vấn đề là phường, xã nào có người làm nghề giết mổ chính quyền cũng đều biết nhưng tại sao không xử lý”-ông Phát nêu thực trạng. 

Góp ý về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng không thể tiếp tục tồn tại tình trạng tràn ngập hàng quán ăn trên vỉa hè. Tình trạng bùng phát hàng quán tạm bợ trên vỉa hè là nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm cản trở giao thông, nhếch nhác đô thị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không chấp nhận được tình trạng phải cần đến 7 ngày mới có kết quả xét nghiệm để xử lý gà và thực phẩm nhập lậu trong khi về kỹ thuật chỉ cần 4 giờ để có kết quả xét nghiệm. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ và thành phố Hà Nội cần kiểm tra ngay cơ chế phối hợp giữa các lực lượng; Bộ NN&PTNT phải hướng dẫn sâu hơn xuống cơ sở. 

Đối với Thông tư của Bộ Tài chính về dán tem rượu tiêu thụ trong nước từ 1/1/2014 nhưng thời gian quá gấp, thiếu những hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, Phó Thủ tướng cho phép Hà Nội tạm thời chưa phải thực hiện quy định này.