Đắp lá khi bong gân dễ tổn thương mạch máu

Viêm mô tế bào, tổn thương mạch máu, hư khớp, tàn phế... là những nguy cơ nhiều người phải đối mặt khi chữa bong gân bằng cách đắp lá, xoa dầu nóng hay xoa bóp khớp.
Ảnh minh họa: Internet

Thành tật vì đắp lá

Vừa về đến cửa, chị Nguyễn Thanh Bình (Q3. TP Hồ Chí Minh) bị một thanh niên đi ngược chiều tông phải. Vụ va chạm tưởng đơn giản lại khiến chân trái của chị sưng vù, đau nhức. Nhìn chị nhăn nhó, một người hàng xóm tốt bụng đã chạy về nhà, lấy ra vài chiếc lá, miệng nhanh nhảu: “Đây là lá láng, cô hơ nóng lên, đắp vào chân, vài hôm sẽ khỏi ngay. Lá này chữa bong gân tốt lắm”. Thấy chị bán tín bán nghi, người này giải thích thêm: “Bà cụ nhà tôi có tuổi rồi, chân tay lóng ngóng, hay vị sái chân, sái tay nên nhà tôi trồng nhiều loại cây này lắm. Vừa hiệu quả, vừa an toàn. Cô cứ dùng thử đi, tôi không xúi dại đâu”.

Nghe lời khuyên, chị Bình không đi khám bác sĩ nữa mà mỗi ngày đều hơ nóng chiếc lá kia, đắp vào chỗ sưng đau. Khi mới đắp, chị thấy nóng ran, sau dịu dần và cảm giác đỡ đau hơn hẳn. Thế nhưng, một tuần đã trôi qua mà vết thương vẫn chưa lành, việc đi lại vẫn rất khó khăn. Nhìn kỹ, chị thấy vùng da đắp lá như bị phồng rộp và sưng to hơn. Vội vã đến bệnh viện, chị được bác sĩ kết luận: viêm mô tế bào, nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Cũng từng bị bong gân và tự ý đắp lá như chị Bình, song chị Nguyễn Ngọc Anh (Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) lại không được may mắn như vậy. Chị được chuyển đến bệnh viện khi chân không thể đi lại được vì đau nhức. Dù được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngay, song chân chị giờ đây vẫn tập tễnh do dây chằng lúc đó đã bị vôi hóa, các khớp xương nhỏ bị tiêu hủy.

Cần sơ cứu vết thương đúng cách

Thực tế cho thấy, khi bị bong gân, sai khớp, rất nhiều người đã tự xử lý ở nhà bằng các biện pháp dân gian như đắp lá, xoa mật gấu, dầu gấc... Và việc này đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP. Hồ Chí Minh, trong y khoa, bong gân là hiện tượng tổn thương các sợi dây chằng – mô nối hai hoặc nhiều xương tại một khớp. Bong gân nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Cấp độ nhẹ nhất là chúng ta chỉ bị bầm bên ngoài do một số sợi dây chằng bị giãn và chảy máu trong đó. Nặng hơn một tí là bị đứt một số sợi dây chằng và nặng nhất là đứt toàn bộ dây chằng. Ở cấp độ nặng nhất, đứt dây chằng thường kèm theo gẫy xương.

Chính bởi chúng ta không thể phán đoán mức độ nặng, nhẹ của tình trạng bong gân bằng mắt thường nên việc sử dụng các biện pháp dân gian để chữa trị là vô cùng nguy hiểm.

Lý giải về việc nhiều người bị bong gân có thể khỏi bệnh nhờ đắp lá láng hay các biện pháp xoa bóp khác, bác sĩ Nam Anh giải thích: Thứ nhất là những trường hợp này chỉ bị ở mức độ nhẹ, dây chằng chưa bị đứt, xuất huyết ít. Thêm vào đó, việc nướng lá láng lên đắp vào vết thương sẽ sinh nhiệt, khiến mạch máu được lưu thông nên tạo cảm giác bớt đau hơn.

Tuy nhiên, với những người bị từ mức độ trung bình trở lên, nếu sử dụng phương pháp này, các khớp sẽ sưng to, phù nề, lớp da bên ngoài bị hoại tử do các chất làm nóng tại chỗ sẽ khiến chảy máu bên trong mạnh hơn. Nếu không được chữa trị kịp thời, nó sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy chỗ bị tổn thương có màu tim tím, ấn vào thì biến thành màu trắng, kèm với đó là cảm giác đau mơ hồ, không xác định được điểm nào. Những trường hợp này khi chụp phim sẽ thấy xương bị rỗng lỗ chỗ, rất khó phục hổi. Ngay cả khi được điều trị khỏi, nó vẫn có thể để lại các biến chứng như làm lỏng lẻo các khớp, khiến tay, chân gặp khó khăn khi vận động. Thậm chí, có những người do xử trí không đúng còn phải cắt cụt chi.

Vẫn theo bác sĩ Nam Anh, hiện nay, người bị bong gân sẽ được chữa trị theo phương pháp “Hạt gạo”, nghĩa là: nghỉ ngơi (để bất động vùng khớp bị tổn thương), chườm lạnh (giúp mạch máu co lại, không tiếp tục xuất huyết nữa), băng thun ép (để nước đang có ở vùng phù nề bị đẩy ra chỗ khác), kê cao chi (giúp bớt sưng).

Chính vì vậy, nếu không may bị bong gân, chúng ta cần thực hiện các biện pháp xơ cứu tức thời là: dùng băng thun hoặc vải, áo cố định khớp, rồi dùng đá chườm lạnh vết thương. Ngay sau đó, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thực hiện tiếp các khâu còn lại. Nếu xử lý tại hiện trường đúng, khớp sẽ không bị sưng và sẽ không có biến chứng nào để lại.

Theo Theo SKGĐ