Cách nào thoát bẫy nhân lực giá rẻ, chất lượng trung bình?
Hôm qua, trao đổi với báo chí về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp chip bán dẫn, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết hiện có trên 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong ngày công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ (tháng 9 vừa qua) sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.
Bà Thủy cho biết, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ ĐH trở lên. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Theo giới chuyên ngành, nhu cầu đào tạo một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau ĐH chiếm ít nhất 30%.
Từ chia sẻ của bà Thủy cho thấy thời gian qua, các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam đã mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán). Trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI (trí tuệ nhân tạo), Bigdata (dữ liệu lớn)… Trong giai đoạn 2019-2022, bậc ĐH, khối ngành STEM tuyển sinh tăng trung bình 10% mỗi năm (trung bình các ngành là 6,5%). Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình mạnh nhất là Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%). Những ngành trên đều liên quan đến công nghệ chip bán dẫn.
Bà Thủy cho hay, khối trường ĐH kĩ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Cụ thể, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về Hóa học, Vật lý, Vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có Kĩ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông cùng các ngành gần bao gồm Kĩ thuật điện, Điều khiển và Tự động hóa, Cơ điện tử…
“Ngoài tuyển mới đào tạo từ đầu, có thể chuyển đổi sinh viên học các ngành gần học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kĩ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch”, bà Thủy nói.
Phải làm chủ công nghệ
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết bản thân ông làm bán dẫn từ khi tốt nghiệp ĐH nên khẳng định các cơ sở đào tạo ĐH tại Việt Nam đáp ứng nền tảng cơ bản cho công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Theo ông Trình, bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Việt Nam hiện đào tạo nhiều ngành để tham gia vào ngành công nghiệp này. Nhưng vấn đề ông Trình đặt ra là làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhân lực cho ngành. Đáp số của bài toán này chính là doanh nghiệp nào sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào trong công nghệ bán dẫn. Khi đó sẽ liên quan đến mảng nhân lực cụ thể. Bộ GD&ĐT, các trường sẽ nhìn vào để định hướng đào tạo. Nếu Việt Nam hướng đến thiết kế chip thì các lĩnh vực cần đầu tư thêm là Kĩ thuật điện tử, Kĩ thuật máy tính, Vật lí. Còn nếu hướng đến chế tạo chip thì phải có Vật lí, Tự động hóa, Điện tử… Còn hướng tới đóng gói chip là Điện tử, Hóa, Tự động hóa… Như vậy phân khúc thị trường sẽ yêu cầu các ngành đào tạo phù hợp. “Cho đến nay chưa một quốc gia nào làm chủ hoàn toàn công nghệ chip, kể cả Mỹ, châu Âu. Mỗi nước làm chủ một công đoạn”, GS Trình khẳng định. Ông cho rằng Việt Nam không nên đặt ra việc sẽ có một ngành đào tạo chip bao gồm tất cả các công đoạn liên quan.
Tuy vậy, ông Trình cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn là một thị trường mới về ngành công nghiệp này so với thế giới. Trong thời gian tới, phải lựa chọn được một vài mắt xích nào đó trong các khâu sản xuất chip mà có thể chiến thắng chắc chắn. Bài học của Đài Loan (Trung Quốc) rất cần được nhìn nhận, học tập. Cách đây mấy chục năm, Đài Loan chọn công đoạn gia công chip và hiện nay thành công nhất thế giới. Vậy mấu chốt là phải làm chủ công nghệ, có công nghệ lõi chứ không phải chỉ vận hành dây chuyền. Đặc biệt là tiến tới phải tham gia được vào chuỗi phân phối sản phẩm. Điểm yếu của Việt Nam vẫn là chưa có công nghệ lõi và tham gia vào phân phối sản phẩm.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.
Theo bà Thủy, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Bộ GD&ĐT đề xuất các nhóm chính sách như hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào (chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi)… nhất là để thu hút ít nhất 1.000 người theo học sau ĐH/năm (hiện nay tỉ lệ học sau ĐH các ngành này chỉ khoảng 4%); chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu; chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác ĐH - viện nghiên cứu - doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước, nhất là với các trường ĐH, doanh nghiệp đối tác của Mỹ (có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam).