Thakhek 1946
Điệu nhạc trữ tình ở khu phố mang tên 21/3/1946 Thakhek khiến tôi nhớ đến nhận xét của người Pháp khi bắt đầu đặt chân lên đất Lào vào năm 1893: “tính cách, tâm lý của người Lào là hiền lành, đáng yêu, thơ mộng…”. Tại Savannakhet và Thakhek, khi mới bắt tay và gặp gỡ, tôi đã nghe vài câu nói đầy văn chương của một sĩ quan Lào, trong đó có Trung tá Saksith Phichith, Phó Cục trưởng Cục Bộ đội biên phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Lào.
Ngược dòng thời gian, ngày 21/3/1946, tại ngay khu phố này, những thanh niên trẻ Việt Nam đã sát cánh với thanh niên Lào trong lực lượng quân đội Pathet, thuộc Chính phủ Lào Issara (Lào Tự Do), dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh tối cao, Hoàng thân Souphanouvong chiến đấu tới viên đạn cuối cùng với lính Pháp, trước khi vượt sông lánh sang Thái Lan.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Lào và Việt Nam có những điểm giống nhau. Khi thực dân Pháp quay trở lại lần 2 và liên tục gây hấn, ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Toàn bộ Trung ương Đảng sau đó rút lên chiến khu Việt Bắc.
Còn tại Thakhek, Lào, khi thực dân Pháp quay trở lại lần 2 và gây hấn, Hoàng thân Souphanouvong đã đưa ra lời hiệu triệu nhân dân Lào vào ngày 21/3/1946: “Chúng ta có thể phải hy sinh bản thân mình, chúng ta có thể không giành chiến thắng ngày hôm nay. Nhưng mục đích trận đánh hôm nay là để cho địch thấy, ngày nay và tương lai, ai dám đến tấn công nước Lào ta, kẻ đó chắc chắn phải bị trừng phạt sớm… Tổ quốc là điều cao quý nhất. Đất nước Lào trường tồn!”.
Cùng quyết tử vì nền độc lập
Lào và Việt Nam đều bị Pháp đô hộ. Cả hai nước cùng tuyên bố độc lập vào tháng 9 và tháng 10 năm 1945. Giai đoạn lịch sử của năm 1945 đầy biến động, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, binh lính Pháp bỏ chạy. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ 5 tháng sau vụ đảo chính, ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh.
Ngay sau đó, quân đội Đồng minh đổ quân vào Việt Nam và Lào để giải giáp vũ khí của quân Nhật; 5 ngày sau (19/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra ở Hà Nội. Ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào độc lập được thành lập, Hoàng thân Souphanouvong làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Tổng Tư lệnh. Thực dân Pháp nhanh chóng quay trở lại khi quân đồng minh rút đi. Đó là bối cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Hoàng thân Souphanouvong gởi Lời hiệu triệu đến toàn dân, sau khi nhiều vòng đàm phán bị đổ vỡ.
Tôi chợt nghĩ, nếu bây giờ khởi quay bộ phim “Đào, phở và piano bên sông Mekong” thì sẽ là một bộ phim dài nhiều tập. Bởi người dân Lào đầy chất văn chương và vẫn giữ mãi hoài niệm lịch sử. Đại úy Phetyoupha Soulivongsack, từng 7 năm học ở Việt Nam kể chuyện “ông nội là Siphan Soulivongsack từng là lính Pathet Lào, chiến đấu cho Lào Issara, hay kể về những thanh niên trẻ Việt Nam”.
Tháng 10/1945, Chính phủ hai nước Lào - Việt Nam ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt Nam và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt Nam. Vì vậy trận quyết chiến bên sông Mekong có sự tham gia của những người lính trẻ Việt Nam, trong đó có thần đồng Đông Dương Lê Thiệu Huy, cháu của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, người từng khiến toàn quyền Pháp ngạc nhiên về tài năng học tập. Trong đêm 21/3/1946, trên đường rút qua sông, anh đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân Souphanouvong rồi anh dũng hy sinh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời thỉnh cầu của Hoàng thân Souphanouvong có số từ gần tương đương nhau. Lời lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy vẻ thống thiết, đi vào lòng mọi tầng lớp nhân dân. Còn lời hiệu triệu của Hoàng thân Souphanouvong có lúc như lời tự sự với những người lính Lào-Việt đang đặt tay lên cò súng để chuẩn bị cho trận chiến sinh tử cuối cùng.
Thakhek là một thị xã vùng biên, cách Thái Lan là dòng Mekong. Vào lúc 4 giờ 50 chiều ngày 21/3/1946, quân Pháp tiến vào Thakhek và cho 4 máy bay rải truyền đơn với nội dung: Tư lệnh tối cao của quân đội Pháp đóng tại Đông Dương kêu gọi, các lực lượng vũ trang ở quận Thakhek hãy khẩn trương ra đầu hàng tại ngã tư số 3 tại km thứ 4 Namalat. Nếu bạn không hành động trong vòng 15 phút, Thakhek sẽ bị tiêu diệt và mọi người sẽ bị xóa sổ!”…
Đêm Mekong
Gần nửa đêm, con phố nhỏ ở Thakhek vẫn bình lặng dưới ánh đèn, vẫn điệu nhạc trữ tình, trong đó có các nhạc phẩm về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương trình giao lưu văn nghệ với những sĩ quan trẻ Bộ đội biên phòng Việt Nam, quân nhân Lào toàn hát những bài về Huế, thành cổ Quảng Trị… Điều đó hiểu được, người Lào rất yêu mến đất nước Việt Nam và giữ mãi hoài niệm về quân đội Pathet Lào, những thanh niên trẻ Việt Nam chiến đấu bảo vệ đất nước Lào bên sông Mekong.
Trung tá Saksith Phichith, Phó Cục trưởng Cục Bộ đội biên phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Lào giây phút đầu tiên gặp gỡ đã thốt lên: “Chúng tôi rất mong chờ cuộc gặp với các bạn. Đêm qua trời mưa, nhưng sáng nay trời tạnh ráo và bầu trời trong xanh, giống như khuôn mặt bừng sáng và nụ cười của tất cả các sĩ quan trẻ Lào và Việt Nam”. Trung tá Saksith còn luôn nhắc đến Đà Lạt, nơi anh từng sang học tập chương trình quân sự nâng cao.
Anh Mikky Keosouvanh, phóng viên của Quân đội Nhân dân Lào cho biết, “Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam càng làm tôi yêu mến các bạn”. Câu chuyện của của anh Mikky rồi xoay sang Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam… nơi có những cảnh sắc tuyệt đẹp, 5 năm học ở Việt Nam đã lưu lại cho anh kỷ niệm và lòng yêu mến Việt Nam.
Việt Nam-Lào có mối quan hệ vĩ đại, đặc biệt, luôn sát cánh bên nhau. Đại tá Vongxay Inthakham, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam cho biết, “trung bình mỗi năm, có khoảng 1.000 học viên Lào theo học các khóa ngắn hạn và khoảng 400-500 học viên theo học các chương trình dài hạn”. Tại các trường Đại học, Cao đẳng ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum luôn có sinh viên Lào học tập.