Trước năm 1999, người ta biết Khánh với cái tên đi cặp đôi với vợ: Mai Hiên- Anh Khánh.
Đây cũng là tên gallery trên phố Nguyễn Thái Học của gia đình anh – một gallery ăn nên làm ra thời đó. Tất nhiên lúc này anh chưa “rồ” – như cách gọi của một số người về hoạt động trình diễn lạ mắt của anh – mà vẫn là một hoạ sĩ thuần tuý vẽ tranh.
Đào Anh Khánh: sinh năm 1959;
1976- 1981: học Đại học An ninh;
1981- 1993: công tác tại PA25/CA TP Hà Nội;
1986- 1991: Học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp/
Từ 1993 đến nay: làm hoạ sĩ và nghệ sĩ (!)
Khánh vẽ "đa- di- năng", sơn dầu, sơn mài, chất liệu tổng hợp,... chủ đề cũng đa dạng; từ khỏa thân, phố cổ đến biểu hiện trừu tượng... đủ để thấy anh vẫn đang là một kẻ dò dẫm con đường đi của mình.
Sau một thời gian khởi sắc nhờ mở cửa thị trường, tranh pháo bán ngon lành cho khách Tây, giới hội họa Việt Nam có một "phong trào" về nguồn, mà tất nhiên Mai Hiên – Anh Khánh tham gia đầu tiên.
Thoạt tiên thì lặng lẽ với nhau, sau thì ngày càng nao nức và có một chút khuyếch trương. Đó là việc sưu tầm đồ cổ và đồ dân tộc, nhỏ là bát đĩa, tượng, đồ gia dụng, lớn thì là nhà.
Khánh mua được một ngôi nhà sàn trên Hoà Bình rộng đến năm bảy chục mét vuông, rinh về một mảnh đất hơn 2.000m2 bên làng Ngọc Thuỵ, Gia Lâm, bên trong đê sông Đuống. Anh cùng bạn bè bắt đầu hì hụi cho một chương mới trên con đường "nghệ" của Khánh mà có lẽ, chính anh khi đó cũng chưa nhận ra.
Một ngày cuối năm 1999, nhà sàn của Khánh như một đám hội. Đông kinh khủng, có dễ đến hàng nghìn người, tây ta, dân nghệ, dân chơi, dân báo chí trà nước, dân ngoại đạo, đủ cả. Tất cả háo hức chờ đợi một màn trình diễn của Khánh.
Ở đó, có lửa, có âm nhạc, có hú hét, có múa, có những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở khi nhìn thấy nghệ sĩ treo mình lơ lửng giữa không trung mà bên dưới lửa đang đùng đùng cháy, khói đen ngút trời. Màn trình diễn có tên "Du hành vào vũ trụ". Không ít người không hiểu Khánh đang làm gì, một trò vui hay một trò điên?! Nhất là khi nghe đâu, anh bỏ tiền túi hoàn toàn.
Về chuyện này, đây đó đồn rằng anh vẽ tranh không bán được thì chuyển qua "làm trò" để thu hút ánh mắt tò mò của người nước ngoài về nghệ thuật Việt Nam như một hình thức tiếp thị cho bản thân và tranh pháo đang ế ẩm. Hỏi, Khánh cười và không giấu vẻ kiêu hãnh:
“Người ta nghĩ thế cũng tốt chứ sao. Thử hỏi có ngôi sao nổi tiếng thế giới nào mà không có một tập đoàn tiếp thị khổng lồ đứng phía sau không? Tôi đây chỉ sợ có người muốn làm tiếp thị mà không làm được, không nghĩ ra được cái gì để mà làm thôi. Cũng đã có hoạ sĩ muốn lắm cái việc tiếp thị đó mà không biết bắt đầu ra sao đấy”...
Kể ra nếu gọi là tiếp thị thì cũng đã khá hiệu quả rồi, nhưng Khánh không dừng lại. Một cái gì đó đã bắt đầu mà không thể dừng lại. Năm 2000, Khánh còn làm một cuộc “vĩ đại” hơn theo đúng nghĩa đen: Trên đoạn đê dài dẫn vào nhà sàn của anh, có đàn bò 20 con được vẽ sơn trắng, đỏ gợi ý niệm Âm- Dương, một dải cờ phướn phấp phới hai bên đường, với những ký tự và ký hiệu như chữ viết thời nguyên thủy trên hai màu trắng và đen đầy ấn tượng và gợi cảm.
Không gian ấy khiến cho người đến với màn trình diễn bên trong khuôn viên ngôi nhà sàn thêm phấn khích. Cuộc trình diễn đã lan ra không gian rộng lớn xung quanh, kích thích cao độ sự tò mò của cư dân ven thị quanh đó, họ háo hức treo lên nóc nhà từ sớm để chờ đón Khánh. Vẫn là lửa, là chuyển động cơ thể, là hú hét, là vải trắng cuốn quanh người, là sơn trắng, sơn xanh, sơn đỏ... lên thân thể.
Khánh như hóa thân thành một kẻ khác, bản năng, hoang dại... một cách có ý thức. Nói gì thì nói, phải thừa nhận anh dẻo dai. Hàng tiếng đồng hồ hú hét và ngập mình trong sức nóng của vài chục cây đuốc lớn, với mùi khói của vải tẩm xăng... đồ rằng nếu không có một chút mê man như lên đồng, chắc Khánh khó lòng "diễn" cho đến trọn vẹn.
Khánh bắt đầu để tóc dài. Dáng người lúc nào cũng gày mỏng như cây sậy, lắm lúc trông dặt dẹo đến tội nghiệp. Mỗi khi Khánh xuất hiện ở đâu đó trên báo chí là y như rằng có chuyện. Lần thì anh khiến cả bãi biển Nha Trang nhốn nháo khi thấy một gã đen gầy, quấn khố trắng và sơn mình trắng, sơn mặt trắng và đi chân đất múa may trên cả một quãng bờ biển dài. Đoàn người hiếu kỳ rình rang theo anh.
Anh hồ hởi kể: Đến một quán café, tôi được ông chủ người nước ngoài của quán biếu không một lon coca mát lạnh và nói: “Tôi biết, anh là một nghệ sĩ”. Anh nhấn mạnh, bởi anh tiếp: Trong khi đó thì tất cả dân chúng nghĩ mình là thằng điên!
Lần thì anh độc diễn bên Hồ Gươm với một dải khăn màu đỏ dài hàng chục mét làm ranh giới giữa anh và công chúng, được mươi phút thì bị công an phường sở tại mời về đồn. Nhưng rồi người ta thấy anh cũng chẳng làm gì phá phách ngoài cái biểu hiện “tàng tàng” nên lại thả. Sau lần này, người biết Khánh từng là công an văn hóa bảo anh “trêu” công an. Nhưng hỏi thì anh bảo: Mình đâu có thời gian mà trêu ai! Mình muốn khôi phục lại cái sinh hoạt nghệ thuật đường phố nó đã vốn có ở Việt Nam xưa kia thôi.
Lần thì anh cuốn theo mình hàng ngàn khán giả của đêm âm nhạc điện tử Pháp tại Festival Huế 2002. Trong thứ thanh âm quyến rũ và rạo rực cùng ánh sáng mê hoặc, Khánh như nhập đồng khi tạo ra một vòng tròn chuyển động theo anh, hú hét và cười khản giọng theo anh... Đó là nghệ thuật trình diễn (performance art)- một nhánh nghệ thuật đương đại hay là một trò vui, pha chút "điên điên" của người có máu "nghệ"? Hay đó là một cách "bản năng hóa" ý thức làm người nổi tiếng của Khánh?
Có lần, anh "thú thực" là lần đầu tiên làm trình diễn ở nhà sàn, anh cũng chẳng biết là anh đang làm thứ nghệ thuật gì, chỉ biết là muốn kết hợp âm thanh, ánh sáng, chuyển động và hóa trang cơ thể, cùng thiên nhiên xung quanh để tạo nên một không khí mà anh thích. Thế rồi có ai đó gọi đấy là performance art, anh "ok" luôn và cũng bắt đầu có ý thức hơn về loại hình nghệ thuật này...
Khánh còn có một ý thức thường trực khác là luôn muốn kéo thứ nghệ thuật mà tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam chưa quen biết này ra chốn công cộng trong khi ngay chính các nhà quản lý và cấp phép cho việc tổ chức các triển lãm mỹ thuật vẫn còn e dè trước sự xuất hiện của "cái gọi là" mỹ thuật đương đại.
Vì thế, các trình diễn bất chợt của anh được soi chiếu dưới không biết bao nhiêu góc nhìn: nào là điên, nào là chơi trội, nào là vi phạm trật tự công cộng, nào là "không biết thuộc dạng gì"... Còn Khánh, sau lần trình diễn dang dở bên Hồ Gươm, anh phân trần: Anh chỉ muốn làm nghệ thuật một cách hồn nhiên như nhiên, tựa như một người hát rong, hát xẩm ngày xưa ấy (!).
Không ai đánh thuế giấc mơ
Ngồi chuyện vãn trong một buổi sáng mưa lạnh đầu hè, Khánh thích thú nói về thung lũng nghệ thuật trên Lương Sơn, nơi anh đang ấp ủ một hi vọng lớn cho nơi chốn nghệ thuật mới của mình.
Lâu lắm rồi, anh và Mai Hiên, trong một lần đi Mèo Vạc qua đây, thấy phong cảnh đẹp mê hồn, lại có cả mây. Khánh buột miệng: Thế này thì việc gì phải lên tận Sapa nữa?! Hai người rẽ vào đó, hỏi mua đất ngay lập tức. Một thung lũng rộng đến 6ha được chọn và rồi để đấy.
Nay giở lại, Khánh muốn biến nó thành một chốn thật đã. Anh muốn đó là một không gian để thoả mãn bản thân, để được đi đến tận cùng sức tưởng tượng của bản thân…
“Nhưng - không dễ chút nào, vì vướng phải “sếp” Bùi Thị Mai Hiên”- Khánh cười cười- Hiên dứt khoát không cho tôi làm tượng phồn thực. Nhưng mà cái đó nó ăn sâu vào máu mình rồi, mình bỏ thế quái nào được. Đành phải lừa nàng bằng nghiệp vụ an ninh vậy” - Khánh cười tít, giọng rất “mẹ mìn”.
“Đấy, tôi vừa làm xong ba cột tượng, cao mỗi chiếc 25m, bằng bê tông và sơn phủ trắng toát, có khắc xung quanh những hình nét rất là nguyên thuỷ. Tôi bảo Hiên đó là cảm hứng từ âm nhạc, nàng đồng ý luôn. Nhưng mà… lại cười rất ma mị. Đấy, nghiệp vụ an ninh là thế đấy. Cái nghề công an ngày xưa hoá ra hữu ích ra phết…
Và nữa, Khánh tưởng tượng ra những vạt cỏ xanh bằng lặng và rộng mênh mông, trên đó có thể nổi lên một điểm tượng thật độc, thật quý. Nhưng… “sếp” Hiên cũng lại dứt khoát không cho chặt cây. “Lằng nhằng ra phết đấy!”- Khánh không cười nữa, có vẻ trầm ngâm hơn…
Anh mơ màng vẽ ra một khung cảnh cho thung lũng ấy. Đó sẽ là nơi thực hiện những đại trình diễn cho hàng chục ngàn khán giả. Họ đến hoặc để thưởng thức nghệ thuật của anh, hoặc đơn giản để ngắm nhìn không gian, đơn giản hơn nữa là chẳng qua muốn trốn khỏi nơi chốn quen thuộc.
Anh say sưa vẽ ra những viễn cảnh: Sẽ xây những khu nhà nghỉ tập thể cho khán giả của mình. Họ có thể hiểu biết nghệ thuật hoặc không mà chỉ lên chơi vì tò mò. Đó cũng sẽ là nơi có rất nhiều tượng của anh và bạn bè, mà hẳn sẽ là toàn tượng lớn để phù hợp với không gian mênh mông đến thế…
Anh bảo để hoàn thành được thung lũng tượng này, chắc cũng phải từ bảy đến 10 năm nữa. “Biết đâu sau này, nó lại được khai quật như một Angkor Wat thì sao?” - Khánh cười lớn.
Không hỏi nhưng chúng tôi nghĩ rằng có lẽ các đại trình diễn ở thung lũng nghệ thuật kia chắc vẫn không thể thiếu lửa, âm nhạc điện tử, hú hét, và sơn phết cơ thể, cũng các vũ điệu có lẽ chỉ có anh mới nghĩ ra và làm nổi.
Nhưng khi ở nhà sàn này, không gian nhỏ là vậy mà có lúc, cảm giác rõ là Khánh không thể kham nổi, Khánh đuối sức, vậy ra chỗ mênh mông ấy, anh sẽ thế nào nhỉ… Nhưng mà thôi, có ai đánh thuế giấc mơ đâu! Cứ để anh mơ với chính mình …
Chúng tôi quay sang hỏi Khánh về dự định làm trình diễn trên sông Đuống mà năm 2003, anh nói sẽ làm trong năm 2004. Khánh bảo anh đang viết đề án để trình lên Ban Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với đề nghị đó sẽ là một trong các chương trình của đại lễ kỷ niệm trong 2010…
Trên 3km cả hai bờ sông, bắt đầu từ ngã ba với sông Hồng đổ về qua phía nhà anh. Sẽ có một sân khấu nửa nổi nửa chìm trên mặt nước cho nghệ sĩ trình diễn, với sự tụ tập của khoảng 40 nghệ sĩ từ một số nước trên thế giới mà anh có dịp gặp gỡ, làm quen.
Sẽ có một không gian sắp đặt bên bãi bồi, nơi khi đó chắc đang được dân chúng trồng ngô, với những khối tượng lớn đủ để người đứng bên này sông cách hàng trăm mét có thể nhìn ngắm. Sẽ có những chiếc thuyền lớn phục vụ cho các màn trình diễn trên không nữa. Sẽ có những dàn đèn chiếu sáng vĩ đại và hiện đại đủ để biến cả một đoạn sông dài cùng lúc ngả sang một màu sắc khác. Và tất nhiên không thể thiếu lửa... Nghe thì thật đã đời!
Khánh say sưa: “Tôi làm nó vì đó là một cách tôi thể hiện tình yêu Hà Nội của mình. Còn việc trình lên Ban kỷ niệm, nói thật là tôi rất ngại bị mang tiếng tranh ăn với người khác. Vì nếu được ban duyệt, chắc sẽ có tiền tài trợ. Tôi thì tôi chỉ mong có được giấy phép để làm show này. Vì thế, nếu được Ban chấp thuận thì quả là một công đôi việc. Còn nếu không, cũng không sao. Kiểu gì tôi cũng phảI làm được trình diễn này”.
Khánh ước chừng chương trình sẽ ngốn khoảng 500 ngàn USD(!). Một số tiền không nhỏ, nhưng anh cũng úp mở rằng đã có một tổ chức nước ngoài hứa tài trợ.
Lại nói thêm về vấn đề tài chính cho những cuộc trình diễn của Khánh. Luôn hoành tráng, đông người tham gia diễn, đông người xem, nhưng luôn miễn phí. Vậy tiền ở đâu ra? Khánh chỉ cười cười, cùng lắm là nói mà như không nói: Có nhà tài trợ mà... Nhưng trong các cuộc biểu diễn của anh, không bao gìơ thấy một lôgô của bất cứ tổ chức nào.
Và rồi mọi thứ cũng qua đi...
Sẽ có thể ai đó nghĩ Khánh thật ngông cuồng; cái khoản tiền lớn kia (nếu thành hiện thực) sẽ bị tiêu đốt đi trong một buổi chiều tối bên sông Đuống chỉ để đem lại một chút khoái cảm cho công chúng tham dự, và thỏa mãn cái tôi lớn lao trong con người anh mà thôi. Còn Khánh, anh nghĩ thế nào về chuyện này? Khánh trầm ngâm.
Có lẽ, nó làm anh nhớ lại sự mâu thuẫn trong quan điểm về nghệ thuật giữa anh và Mai Hiên. Vợ anh cho rằng nghệ thuật là "để đời".
"Hiên nói cái thứ nghệ thuật mà tôi đang đeo đuổi là phù du. Tôi không bao giờ quên được từ này. Hiên cho rằng nên làm tranh hay tượng, vì có thể bán đi được và được lưu giữ ở đâu đó như một cái gì cụ thể, sờ mó được.
Còn tôi, tôi nghĩ làm một cái gì đó đầy khoái cảm, chỉ là khoảnh khắc thôi mà có thể làm người ta nhớ suốt đời thì vẫn hơn hàng vạn tranh tượng nhưng vô cảm với người xem... Bên cạnh đó, nó lại là thứ nghệ thuật thỏa mãn được những cơn khát của tôi về không gian, về lửa, về âm thanh và ánh sáng...".
Và trong một chừng mực nào đó, với riêng anh, những khoái cảm ấy, những ám ảnh thẩm mỹ ấy không phù du vô nghĩa... Đây có lẽ cũng là điều có thể lý giải thú chơi nhạc, thú hát (cả hú, hét hay rít...) của anh.
Và có phải đây là lý do chính để cặp vợ chồng mà trước đây nói đến họ, người ta chỉ dùng một cái tên chung nay sống xa nhau? Trước đây, trên đoạn đê gần rẽ vào ngôi nhà sàn này có một bảng hiệu bê tông trang trọng ghi: Studio Mai Hiên- Anh Khánh.
Nhưng khoảng một năm trở lại đây, nó đã được thay mới, thành ra Studio Anh Khánh. Khánh sống một mình trong ngôi nhà sàn rộng thênh, chốn riêng tư của anh có phần lạnh, bừa bộn và cô quạnh thế nào ấy... Ngồi giữa cái cô quạnh ấy mới thấy thấm thía phần nào những giá phải trả cho giấc mơ.
Khánh đã trả giá nhiều nhiều lắm để cố gắng với tới, cố gắng chạm được vào những tưởng vọng nghệ thuật của mình… Có vẻ như sự cả quyết và mê mải của anh với thứ nghệ thuật tổng hợp này thật mãnh liệt. Chỗ anh ngồi tiếp khách treo toàn ảnh con anh. Hai đứa, một gái một trai. Anh chỉ vào ảnh con gái lớn, tự hào: Nó đã thi đỗ vào Đại học Ha – vớt và mình đang lo cho nó sang Mỹ học cho đàng hoàng.
Sau những rạn nứt với Mai Hiên, Khánh lao vào tình yêu với người khác. Lúc thì nghe đồn là một nữ thi sĩ. Lúc lại là một cô gái Mỹ trẻ đẹp, nghiên cứu ca dao Việt Nam. Cô gái này cũng đã lên báo nói về tình yêu của mình dành cho anh. Liên quan chuyện tình này, Khánh còn lên báo kể đã đi thẩm mỹ viện bên Mỹ để làm môi mọng hơn, lông mi cong hơn cho gương mặt thêm đẹp…
Rốt cuộc, cuộc tình đẹp này cũng đi qua. Hiện tại, anh cũng đang yêu một cô nước ngoài khác. Mơ mộng tận đẩu đâu trong nghệ thuật nhưng trong chuyện tình ái, xem ra chàng rất tỉnh: “Chẳng biết tuổi tác thế nào, nhưng phải trông bề ngoài thật “ngon” cái đã. Mọi sự tính sau – Khánh cười khề khà, có vẻ thoải mái hẳn.
Khánh khoe, vừa làm trình diễn cho ông cựu Thủ tướng Đức xem. Vừa vui, vừa oách và lại có tiền trang trải. Đây cũng là cách kiếm tiền mà không phải nhiều người biết về anh. Anh dùng nghệ thuật trình diễn của mình để "bán", giống như anh vẫn bán một bức tranh nào đó. Anh trình diễn cho một số nhỏ khách (100% là người nước ngoài) ngay tại ngôi nhà sàn này theo đề nghị từ các đại lý du lịch hoặc qua các quan hệ cá nhân.
“Có lần, tôi chỉ trình diễn cho một cặp vợ chồng. Thấy ít người quá, đâm ngại. Tôi đánh bạo hỏi họ xem họ có thể rủ thêm ai đó. Họ dứt khoát nói không. Họ nói chỉ cần vậy là đủ vì họ muốn xem tôi làm, chỉ thế thôi…”.
Người viết bài cũng có lần được tham dự một cuộc “bán- mua” trình diễn của anh, để sau đó thấy thương mến anh hơn, thương mến những tưởng vọng nghệ thuật rộng lớn của anh nhiều hơn và thấm hiểu vì sao anh lại mê đắm trong những giấc mơ được bay thoát đến thoả mãn mình...
Phải chăng, đó cũng là một cách để được thoát ra khỏi thế giới thực tại đầy ràng buộc, trong đó, những người nghệ sĩ như Khánh luôn bị xô lệch và cô độc.
Để rồi như anh nói: Tất cả mọi thứ cũng qua đi...