Đào 7 tấn vàng kêu lỗ: Chây ỳ, gian dối thì đóng cửa!

Besra tỏ thái độ không hợp tác, thiếu thiện chí, bất chấp pháp luật, đã nhiều lần cam kết thực hiện trả nợ thuế nhưng không thực hiện theo đúng lời hứa.

GS TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết về trường hợp 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam) – Tập đoàn Besra mặc dù đã được Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng song vẫn tiếp tục đề đề nghị miễn thuế, phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các công ty này nợ đọng trong những năm qua.

Thiếu tôn trọng, vi phạm pháp luật Việt Nam

PV: - Mới đây, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng đối với hai Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam) song thay vì khôi phục sản xuất kinh doanh và đóng các khoản thuế, phí khác phải nộp cho chính quyền địa phương đơn vị này lại tiếp tục “chây ỳ”, thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất, đề nghị miễn thuế, phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các công ty này nợ đọng trong những năm qua.

Ông bình luận như thế nào về những ưu đãi cho doanh nghiệp này? Việc ưu đãi như trên đối với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đã có tiền lệ hay chưa?

GS TS Đặng Đình Đào:- Tôi cho rằng, việc Cục thuế Quảng Nam tiến hành cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa hóa đơn với hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besra là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Điều đáng tiếc lẽ ra Tập đoàn này phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nộp các khoản nợ thuế hàng trăm tỷ đồng và các khoản nợ khác nhưng ngược lại họ lại chây ỳ và thông báo ngừng hoạt động 2 mỏ vàng trên.

Đây không phải là "con bài" lần đầu của Tập đoàn Besra cho dừng hoạt động của công ty với hơn 1000 cán bộ, công nhân, có thời điểm lên đến 1.500 người, các lần trước khi thì do thiếu vật tư thuốc nổ, khi thì do bị công nhân đòi nợ, bao vây nhà máy và giờ lại do cưỡng chế thu hồi nợ thuế của Cục thuế Quảng Nam.

Được biết, đối với các doanh nghiệp này đã được Việt Nam mà cụ thể là chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam, cơ quan thuế Quảng Nam đã quá ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn này ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động khai thác vàng ở đây.

Tôi cũng đã có dịp vào điều tra khảo sát về sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, trong đó có huyện Phước Sơn cũng được biết về hoạt động của Công ty này. Những năm 2010-2012 đã có những đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương nhưng hiện nay tình hình thực tế lại trái ngược, Tập đoàn Besra lại có những hành động thiếu tôn trọng và vi phạm pháp luật Việt Nam, chây ỳ nộp thuế, nợ tiền BHXH, nợ tiền của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Trong khi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra khá thuận lợi, ổn định, có năm khai thác đến 2 tấn vàng và 100% vàng là xuất khẩu, được biết giá trị 1 tấn vàng trên cả 800 tỷ đồng.

Đến nay, tập đoàn này còn nợ đọng thuế, phí trên 300 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân khác. Đã thế phía Besra còn tỏ thái độ không hợp tác, thiếu thiện chí và bất chấp pháp luật, họ đã nhiều lần cam kết thực hiện trả nợ thuế nhưng không thực hiện theo đúng lời hứa của mình, tập đoàn còn vi phạm các quy định về kê khai thuế nhằm gian lận thuế… Ngay cả khi Cục thuế Quảng Nam "nhiều lần gửi thông báo các khoản nợ, mời lãnh đạo doanh nghiệp lên làm việc, yêu cầu giải trình thì đều không nhận được phản hồi từ Besra".

Besra đã khai thác được 6,9 tấn vàng trong thời gian vừa qua

Đây là cách hành xử của một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiếm thấy ở Việt Nam và không thể chấp nhận được, các hành động chây ỳ, coi thường pháp luật Việt Nam.

Thực tế, ở nước ta có khoảng 9.093 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đến thời điểm 31/12/2013) hoạt động, đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, khối doanh nghiệp này đóng góp tới 30,5% tổng ngân sách nhà nước của toàn khu vực doanh nghiệp.

Trường hợp như công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Tập đoàn Besra là có lẽ do chính chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài quá ưu đãi, các địa phương lại “trải thảm đỏ” mời vào, thiếu chọn lọc, hơn nữa các cơ quan của Việt Nam lại thiếu phối hợp và thiếu cương quyết trong xử lý, để Besra được đà lợi dụng chính sách, chây ỳ và ăn vạ…

Vàng là tài nguyên khoáng sản quý hiếm, không tái tạo, không thể để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm mà phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, trường hợp của các công ty thuộc tập đoàn Besra không thể là ngoại lệ.

PV: - Trong khi đó, cũng tại Quảng Nam, đại diện Cục thuế cho biết doanh nghiệp trong nước nợ chỉ vài chục triệu đồng là tiến hành cưỡng chế. Vậy điều trên phải được lý giải như thế nào, phải chăng các doanh nghiệp nước ngoài đang được hưởng ưu đãi quá lớn so với doanh nghiệp trong nước, điều này càng khiến các doanh nghiệp nước ngoài đã lợi càng lợi còn doanh nghiệp trong nước ngày càng khốn khó, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: - Rõ ràng hiện nay, nếu trường hợp của Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu khi đang làm ăn thuận lợi, khai thác tăng đều trong 20 năm, năm 2013 lượng vàng khai thác là 2 tấn, xuất khẩu 100%, lại chây ỳ nộp thuế và các khoản nợ đọng khác...

Những đòi hỏi từ phía Besra là vô lý, chính sách ưu đãi đối với các công ty thuộc Tập đoàn Besra không còn gì hơn được nữa. Nếu chúng ta lại chấp nhận đòi hỏi của doanh nghiệp này thì dẫn đến hệ lụy tiêu cực: Tập đoàn Besra sẽ cứ tiếp tục vi phạm và coi thường pháp luật hiện nay, lại cứ tiếp tục thông báo cho dừng hoạt động sản xuất…; không tôn trọng các hợp đồng cam kết đối với người lao động; tạo ra sự không bình đẳng trong các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, làm méo mó và mất đi tính hiệu lực của pháp luật Việt Nam dưới con mắt của người nước ngoài khi vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Không thể cứ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, những doanh nghiệp nào làm ăn không có hiệu quả, chây ỳ nộp thuế kéo dài, làm ăn không theo đúng quy tắc thị trường thì cứ để họ ra đi theo đúng quy luật đào thải của thị trường và pháp luật hiện hành.Vì thực tế doanh nghiệp trong nước chỉ nợ vài chục triệu đồng là tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ tài sản, thanh lý tài sản để trả nợ, đẩy họ vào khốn khổ và đi đến phá sản. Trong khi doanh nghiệp Besra chây ỳ nộp thuế liên tục lên cả trên 300 tỷ đồng chưa đủ sao? Hay là trường hợp ngoại lệ?

Xác định trách nhiệm các bên liên quan

PV: - Trong khi tài nguyên quý giá của quốc gia là vàng đang bị doanh nghiệp này khai thác tăng đều đặn trong 20 năm. Theo quan điểm của ông, việc ưu đãi chính sách thuế cho Besra như vừa qua, Việt Nam có thể thu được lợi ích gì hay đơn giản chỉ là làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia?

GS TS Đặng Đình Đào: - Những gì mà chúng ta đã ưu đãi về chính sách thuế cho Besra thời gian qua cho thấy Việt Nam đã dành quá nhiều ưu ái, ưu đãi cho doanh nghiệp này.

Đáp lại, tập đoàn Besra tiếp tục chây ỳ về nợ thuế và có "những chiêu", những đòi hỏi hoàn toàn trái ngược với pháp luật và mang tính chống đối, gian lận kinh doanh của một doanh nghiệp nước ngoài hiếm thấy ở Việt Nam. Rõ ràng sẽ tạo tiền lệ không tốt trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở nước ta.

Cuối năm 2013, người dân từng dùng búa đập phá cổng nhà máy vàng Phước Sơn để vào trong đòi nợ - Ảnh TTO

Sự ưu đãi và thiện chí chỉ có một bên nên người thua thiệt ở đây trước hết chính là Việt Nam, cụ thể là làm thất thu cho ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng, người lao động rơi vào cảnh không có việc làm, nợ đọng lương và bảo hiểm xã hội, nguồn tài nguyên bị cạn kiệt và môi trường bị tàn phá, chính sách xóa đói giảm nghèo, sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây bị phá vỡ.

Hệ lụy theo đó làm xói mòn cả niềm tin vào hệ thống pháp luật của Việt Nam và cách xử lý của các cơ quan chức năng. Từ đây nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về tính phối hợp, tính cương quyết trong giải quyết nợ đọng thuế đối với tập đoàn Besra của các cơ quan chức năng, cơ quan thuế, hải quan, công an và chính quyền các cấp?

Cả việc hủy truy thu đến 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu làm thất thu ngân sách nhà nước, ai là người chịu trách nhiệm? Hay vì sao Công ty vẫn bán được hàng hóa và không kê doanh số bán trong khi đã có lệnh cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng…?

PV: - Những gì mà công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu làm theo ông đã đến lúc cần phải thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ vàng và tìm nhà đầu tư khác có năng lực và có nghĩa vụ thuế thay thế hay chưa?

GS TS Đặng Đình Đào: - Thực tế những gì mà Công ty Phước Sơn và Bồng Miêu đã và đang làm hiện nay, theo tôi đã đến lúc cần phải có biện pháp xử lý cương quyết theo pháp luật, có tính đến cả phương án thu hồi giấy phép và đóng cửa mỏ vàng nếu thấy có lợi cho sự phát triển bền vững, lâu dài của địa phương.

Để có giải pháp cuối cùng với đầy đủ cơ sở pháp lý, các cơ quan chức năng phải khẩn trương xem xét và đánh giá toàn diện về hoạt động của Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, xác định trách nhiệm của các bên có liên quan đến đâu để có phương án xử lý phù hợp với pháp luật hiện hành.

Không thể vì thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà chúng ta phải chấp nhận mọi giá, chịu thua thiệt như trường hợp đối với Tập đoàn Besra đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng tài nguyên khoáng sản quý hiếm ở nước ta, trong khi họ làm ăn tăng trưởng đều đặn, có xu hướng mở rộng quy mô nhưng liên tục kêu lỗ và không chịu nộp thuế … Chúng ta đã có nhiều bài học về "chiêu" chuyển giá, kêu thua lỗ liên tục, xin miễn giảm thuế của một số doanh nghiệp FDI ở các địa phương trong thời gian vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Theo baodatviet.vn